2 lãnh đạo cấp cao ngân hàng SCB nhận chỉ đạo gì từ bà Trương Mỹ Lan?
Biết rõ bà Trương Mỹ Lan rút hàng trăm tỷ đồng từ Ngân hàng SCB để trả nợ cũ tại Ngân hàng SCB, trả khoản vay ở các ngân hàng khác, mua dự án mới…sai quy định nhưng cả Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT SCB vẫn cố tình làm ngơ.
Sáng ngày 7/3, phiên tòa Vạn Thịnh Phát bắt đầu với phần xét hỏi bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Là người được xét hỏi đầu tiên, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố.
Bị cáo Văn khai về làm cho Ngân hàng SCB từ 2013.
Về nguyên nhân về làm cho Ngân hàng SCB là do, thời điểm đó bị cáo đang làm ở Hà Nội nên khi nhận được lời mời từ bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT SBC), bị cáo đã nhận lời quay về TP.HCM, để được gần nhà.
Cũng theo lời khai của bị cáo Văn, thời gian đầu bị cáo về làm Chủ tịch Ủy ban chiến lược phát triển Ngân hàng SCB. Sau 6 tháng, bị cáo được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SCB. Đến tháng 12/2013, bị cáo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng SCB.
Bị cáo Văn cho hay, bị cáo nhận quyết định từ HĐQT chứ không phải từ bà Trương Mỹ Lan. Khi HĐXX đặt câu hỏi về việc hiểu như nào về vai trò của bà Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB, bị cáo Văn cho hay bà Lan không giữ vai trò gì tại SCB, chỉ biết bà Lan nắm rất nhiều cổ phần tại ngân hàng này.
Trước lời khai này, chủ tọa đã công bố lời khai của bị cáo tại CQĐT. Theo đó, bị cáo khai, bà Trương Mỹ Lan là người bổ nhiệm bị cáo lên làm Tổng giám đốc SCB và bà Lan cũng là người điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.
Với công bố này của vị chủ tọa, bị cáo Văn khai sau này mới biết bà Trương Mỹ Lan đưa bị cáo lên làm Tổng giám đốc để giúp SCB vượt qua khó khăn. Bị cáo khẳng định không hề được hưởng lợi gì từ bà Lan. Bị cáo chỉ muốn giúp SCB vượt qua khó khăn sau khi sát nhập.
Vẫn theo lời khai của bị cáo tại CQĐT, mỗi khi bà Trương Mỹ Lan cần tiền đều gọi điện cho bị cáo yêu cầu bị cáo rút tiền của SCB thông qua các khoản vay. Bị cáo cũng biết rõ, số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên cá nhân hoặc công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để trả nợ cũ tại Ngân hàng SCB, trả khoản vay ở các ngân hàng khác, mua dự án mới, đầu tư vào dự án…Toàn bộ việc này đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ.
Chủ tọa hỏi: "Ngân hàng SCB huy động tiền của dân được 511.000 tỷ đồng với lãi suất gần như cao nhất trong các ngân hàng thương mại, nhưng cho vay thì chỉ cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay dưới sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan?".
"Bản thân bị cáo lúc đó rất tin tưởng vào tài năng của bà Trương Mỹ Lan sẽ phát triển doanh nghiệp
Khi đó, bị cáo tin tưởng vào tài năng, quan hệ của bà Trương Mỹ Lan sẽ phát triển doanh nghiệp của bà, từ đó SBC cần nương tựa vào đó để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong quá khứ và sự phát triển trong tương lai của chính ngân hàng" - bị cáo Văn trả lời HĐXX.
Bị cáo Văn nói rõ, mình chỉ là người làm thuê cho SCB, không được hưởng lợi, không được chia cổ phần.
Cũng theo bị cáo này, thiệt hại thật sự là chỉ khi nào bán các tài sản đảm bảo cho các khoản vay; còn thiệt hại như cáo trạng truy tố trong vụ án chỉ là ước tính.
Theo cáo buộc, bị cáo Văn đã giúp sức tích cực để bà Lan chiếm đoạt số tiền hơn 192 nghìn tỷ đồng.
Bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) cũng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.
Theo điều tra, bị cáo Dũng được bà Trương Mỹ Lan cho làm Chủ tịch HĐQT SCB từ tháng 12/2020. Bị cáo Dũng nhận chỉ đạo trực tiếp từ bà Lan nên biết rõ khoản vay nào của SCB, khoản vay nào của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay vốn để giải ngân, rút tiền của SCB.
Bị cáo Dũng cũng biết rõ Ngân hàng SCB không hề thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm đến phương án vay vốn…Chính sự “ngoan ngoãn” này của bị cáo Dũng, ngoài tiền lương, thưởng dịp lễ, Tết, bị cáo Dũng còn được bà Trương Mỹ Lan thưởng thêm 500 ngàn cổ phiếu (tương đương 5 tỷ đồng).
Hành vi giúp sức tích cực này khiến bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 187 nghìn tỷ đồng.
>> Hai con gái Trương Mỹ Lan nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng tại Vạn Thịnh Phát, không bị khởi tố