Phần lớn cổ phiếu này đều thuộc những doanh nghiệp niêm yết ghi dấu ấn nổi bật về lợi nhuận sau thuế, cổ tức bằng tiền hậu hĩnh trong năm 2022.
Sau 6 tháng đầu năm, VN-Index hiện đã tăng 12,6% lên mức 1.134,3 điểm (đóng cửa phiên 27/6). Dòng tiền bắt đáy cổ phiếu đẩy thanh khoản thị trường lên cao qua đó trở thành một trong những nguyên nhân hỗ trợ đà hồi phục của chỉ số.
Rộng hơn, từ phiên 16/11/2022, hiện VN-Index đã tăng 260 điểm (+30%). Hàng trăm mã chứng khoán cũng tăng mạnh trong quãng thời gian này.
Diễn biến chỉ số VN-Index 1 năm trở lại đây |
Ấn tượng hơn, thị trường xuất hiện nhiều gương mặt cổ phiếu lập đỉnh lịch sử bất chấp VN-Index hiện đang thấp hơn đỉnh cũ (đầu tháng 4/2022) tới 390 điểm.
Có thể kể đến 2 cổ phiếu ngành khai thác cảng là PDN của Cảng Đồng Nai và DVP của Cảng Đình Vũ. Kết phiên 27/6, PDN tăng trần lên mức 132.800 đồng/cp (khớp lệnh 900 đơn vị); cổ phiếu DVP tăng 1,3% lên 56.900 đồng.
Hiện DVP đang có nhịp tăng 28% sau hơn 1 tháng. Trong khi đó, cổ phiếu Cảng Đồng Nai tăng tới 79% kể từ đầu tháng 6 tới nay.
Diễn biến giá cổ phiếu DVP (xanh) và PDN (đỏ) |
Cổ phiếu bluechips duy nhất góp mặt trong nhóm này là VCB của Vietcombank khi mã tăng 19,4% sau gần 2 tháng qua đó thiết lập mức đỉnh lịch sử 105.000 đồng/cp (phiên 16/6). Thậm chí có thời điểm VCB đạt mức 106.100 đồng giúp vốn hóa lần đầu chạm mốc 500.000 tỷ. Đây cũng là cổ phiếu đóng góp quan trọng nhất cho nhịp hồi của VN-Index trong cùng thời điểm.
Tuy nhiên, sau 7 phiên điều chỉnh, VCB hiện giao dịch ở mức 100.000 đồng/cp.
Xem thêm: Vietcombank (VCB) - Dấu ấn một cổ phiếu "công thần"
Một mã khác cũng vượt đỉnh cũ là DHT của Dược phẩm Hà Tây. Sau 12 tháng tích lũy trong vùng giá 13.000 - 14.x đồng, cổ phiếu DHT bất ngờ tăng mạnh 104% trong 2 tháng gần nhất, đóng cửa phiên 27/6 tại mức 28.700 đồng/cp. Đây là mức giá đã điều chỉnh sau khi công ty chốt danh sách cổ đông phát hành thêm 47,5 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 180%) trong ngày 26/6 mới đây.
Diễn biến giá cổ phiếu DHT |
Tuy nhiên tăng ấn tượng nhất 6 tháng đầu năm phải kể đến cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh. Từ mức 56.260 đồng/cp, mã liên tiếp thiết lập các đỉnh cao mới kể từ nửa sau tháng 4. Lần lượt các mốc 70.x, 80.x và 90.x đồng được chinh phục. Phiên 26/6, với mức tăng 4,9%, cổ phiếu BMP tiếp tục thiết lập giá mới - 93.500 đồng/cp.
Câu chuyện kinh doanh thắng lớn năm 2022 cùng với các khoản chi trả cổ tức hậu hĩnh là nguyên nhân chính giúp các cổ phiếu này thăng hoa. Theo đó, PDN, DVP chốt trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50% và 60% trong khi Nhựa Bình Minh trả cổ tức tổng tỷ lệ 84% bằng tiền mặt. Ngày 10/6 vừa qua, công ty đã chi 434 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2022 (tỷ lệ 53%).
Nhiều chuyên gia vẫn bảo lưu quan điểm với mức tăng 65%, cổ phiếu BMP hiện là mã chứng khoán đẹp nhất thị trường sau 6 tháng. Quan điểm này được đánh giá dựa trên các tiêu chí về sức khỏe tài chính, tốc độ tăng trưởng, vị thế doanh nghiệp, cam kết cổ đông, quản trị bền vững và khả năng sinh lời. Đặc biệt, câu chuyện ngành nhựa năm 2023 cũng là rất đáng lưu ý.
Xem thêm: Kinh nghiệm một trader: "Thà mua trần BMP giá 87 còn hơn bắt sàn HBC giá 8.7"
Diễn biến giá cổ phiếu BMP |
Nếu như PDN, DVP, VCB, DHT hay BMP đều lập đỉnh giá nhờ bức tranh kinh doanh đột phá thì một cổ phiếu khác đang giao dịch trên UPCoM lại lập đỉnh giá trong nghi ngờ.
Lên sàn từ đầu tháng 12/2022, cổ phiếu XDC của Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng với chuỗi 33 phiên tăng trần gần nhất hiện đang đứng mức 767.100 đồng/cp - tăng 5.500% so với mức 13.700 đồng (phiên 21/4).
Cùng với việc trở thành mã chứng khoán tăng mạnh nhất thị trường, XDC cũng chính thức vượt mặt VNZ của CTCP VNG để trở thành cổ phiếu có giá đắt nhất trên cả 3 sàn giao dịch (vượt VNZ 41.100 đồng/cp).
Diễn biến giá cổ phiếu XDC (vàng) và VNZ (xanh) |
Tuy nhiên, câu chuyện tăng giá của cổ phiếu XDC gần như không làm giới đầu cơ lo lắng bởi mã có thanh khoản rất thấp chỉ vài trăm đơn vị/phiên.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng tiền thân là đơn vị Công binh Hải quân được thành lập năm 1996. Qua nhiều lần sáp nhập, năm 2007, công ty chính thức được thành lập, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nắm 100% vốn.
Công ty hiện hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa công trình; nạo vét cảng sông, cảng biển và cho thuê máy móc, thiết bị cẩu bờ. Địa bàn hoạt động kinh doanh tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Vũng Tàu, TP. HCM.
Cổ phiếu XDC bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 1/12/2022 với khối lượng đang lưu hành là 8.200 cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty là 90 tỷ đồng - tương ứng với 9 triệu cổ phần. Giống như nhiều doanh nghiệp chưa hoàn tất cổ phần hóa trước đây, tỷ lệ sở hữu sẽ được tính trên lượng cổ phiếu đang lưu hành được đăng ký với VSD.
Theo báo cáo kiểm toán năm 2022 mới công bố, doanh thu của Công trình Tân Cảng ở mức 279 tỷ đồng - giảm 15% so với năm trước (99% nguồn thu đến từ hoạt động xây lắp); lợi nhuận sau thuế giảm 19% còn 7,6 tỷ đồng.