Không giống như sự sôi động ở nhựa, dầu khí hay thép nhỏ, nhóm cổ phiếu bất động sản - xây dựng vẫn phác họa một bức tranh tương đối nhợt nhạt với tông màu nóng
Dòng tiền đi "đánh lẻ" cổ phiếu
Kết phiên giao dịch ngày 17/5/2023, trước áp lực bán gia tăng trong phiên ATC, VN-Index giảm 5,5 điểm về mức thấp nhất ngày - mốc 1.060. Mặc dù vậy, trạng thái này không gây bất ngờ cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường được nhận định sẽ lình xình biên độ hẹp thêm vài phiên tới.
Điều cần chú ý là việc thanh khoản trên cả 3 sàn vẫn được giữ ổn định từ 14.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên với điểm nhấn là dòng tiền gia tăng trên sàn HNX.
Mặt khác, khối ngoại cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan khi mua ròng 102 tỷ đồng trên HOSE phiên này với tâm điểm tại cổ phiếu HPG và VHM (lần lượt được gom 215 tỷ và 74 tỷ đồng).
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2023 |
Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa thể lấy lại vai trò đầu kéo giúp thị trường tăng điểm; nhóm bất động sản (đặc biệt là các bluechips đầu ngành) vẫn tăng thất thường còn nhóm chứng khoán cũng ở cuối nhịp hưng phấn ngắn hạn, dòng tiền 2 tuần qua bắt đầu chuyển sang "đánh lẻ" ở một số nhóm ngành; nhóm midcap/loạt mã penny hút mạnh thanh khoản và giá đi lên.
Minh chứng là việc dù thị trường biến động, số mã tăng trần/cận trần trên cả 3 sàn vẫn duy trì mức 30 - 60 cổ phiếu/phiên (phiên 17/5/2023 ghi nhận 42 mã).
Cổ phiếu vẫn tăng trần! Câu chuyện là... đánh sao cho trúng?
Dòng tiền những ngày gần đây đã và đang liên tục luân chuyển ở nhiều nhóm đơn lẻ: Từ nhóm thép vừa và nhỏ (SMC, TLH, VGS,...), nhóm đầu tư công (LCG, HHV, C4G,...), nhóm dầu khí họ P (PVC, PVS, PVD, PVB, PXS, PLC,...) trong phiên 16/5 đến nhóm cổ phiếu nhựa (BMP, AAA, DAG, NHH,...) phiên 17/5. Ở mỗi nhóm cổ phiếu này, không khó để bắt gặp những điểm sáng nổi bật.
Chuyện của BMP và HBC: Con cá "3 cân" chưa chắc lớn, con cua "3 lạng" chưa chắc nhỏ
Với riêng nhóm nhựa, BMP của CTCP Nhựa Bình Minh (sàn HOSE) nổi lên như một điểm nhấn đáng chú ý trong 2 tháng trở lại đây với việc tăng tới 51% giá trị lên mức cận 87.000 đồng. Sự bứt phá thị giá của một cổ phiếu đầu ngành thậm chí giúp BMP được liệt vào vị trí số 1 trong số những cổ phiếu "đẹp nhất" thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.
Không giống như sự sôi động ở nhựa, dầu khí hay thép nhỏ, nhóm cổ phiếu bất động sản - xây dựng vẫn phác họa một bức tranh tương đối nhợt nhạt với tông màu nóng. HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (sàn HOSE) - doanh nghiệp lớn nhất nhì nhóm thầu xây dựng vừa kết phiên 17/5 bằng sắc xanh sàn sau khi được thông báo sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) từ ngày 23/5 tới do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 quá hạn 45 ngày theo quy định.
Giảm sàn có lẽ là "chuyện cơm bữa" đối với cổ phiếu Hòa Bình giai đoạn đầu quý 4/2022... Thế nhưng giảm sàn với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến (mức 14,1 triệu đơn vị) - cao nhất 15 tháng qua lại là chuyện đáng nói. Đặc biệt là khi mã đang đã có nhịp tăng khá mạnh gần 15% lên mức 9.200 đồng/cp trong 3 tuần trở lại đây.
Với câu chuyện này, trong bản tin cập nhật, Chuyên gia chứng khoán Tony Bobo - một trader có thâm niên 20 năm trên chứng trường Việt phát đi một góc nhìn đáng suy nghĩ: "Thà mua trần cổ phiếu BMP giá 87.000 đồng còn hơn vào giá sàn cổ phiếu HBC ngưỡng 8.700 đồng/cp.
Cổ phiếu HBC đã rẻ hay chưa? Ai cũng bảo rẻ rồi - đỡ rủi ro hơn. Thế nhưng tôi không cho rằng như thế là đúng".
Theo quan sát, cổ phiếu Nhựa Bình Minh hiện đã vượt đỉnh lịch sử mức 67.x đồng hồi tháng 3/2017. Thậm chí so với thời điểm VN-Index lập đỉnh 1.52x điểm hồi đầu tháng 4/2022, cổ phiếu BMP đã tăng tới 45,5% giá trị trong khi VN-Index giảm gần 31% trong cùng thời điểm.
Nội tại, Nhựa Bình Minh có gì?
Cần nhấn mạnh rằng, kể từ sau mức lỗ 26 tỷ hồi quý 3/2021, lợi nhuận của BMP đã liên tục tăng trưởng trong 6 quý trở lại đây - mức hiếm thấy ở một doanh nghiệp đầu ngành.
Kết thúc quý 1/2023, trong bối cảnh doanh thu tăng và giá vốn bán hàng giảm, công ty đã thu về khoản lãi sau thuế hơn 280 tỷ đồng - gấp 2,2 lần so với cùng kỳ đồng thời xác lập mức lợi nhuận quý kỷ lục kể từ khi về tay Nawaplastic Industries - thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đầu năm 2018. Con số lãi trên cũng giúp công ty thực hiện được phân nửa chỉ tiêu lợi nhuận được giao cả năm (mức 651 tỷ đồng).
Đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đạt hơn 3.430 tỷ đồng trong đó tiền mặt và tiền gửi ở mức hơn 2.000 tỷ đồng (tỷ lệ 58% - một thông số đáng mơ ước ở nhiều doanh nghiệp).
Thông tin hỗ trợ khác, ngày 20/5 tới đây, BMP sẽ chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền còn lại của năm 2022 với tỷ lệ 53% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 5.300 đồng). Thời gian thanh toán là 10/6/2023. Trước đó vào đầu tháng 12/2022, BMP đã tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 với tỷ lệ 31%.
Ở chiều ngược lại, Xây dựng Hòa Bình có gì?
Trước hết, công ty đã liên tiếp nhận về những thông báo nhắc nhở - kế đó là án phạt cổ phiếu từ HOSE chỉ trong ít tháng trở lại đây. Và... đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa thể tường tận bức tranh tài chính hậu kiểm toán 2022 của ông lớn làng thầu này.
Trước đó tại báo cáo hợp nhất quý 4/2022, Hòa Bình bất ngờ ghi nhận khoản lỗ năm tới 1.140 tỷ đồng qua đó ghi danh trong nhóm những doanh nghiệp lỗ năm nặng nhất thị trường chứng khoán.
Quý 1/2023 vừa qua, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tiếp tục báo lỗ ròng 444 tỷ. "Gáo nước lạnh" ngay đầu mùa gặt phần nào đánh sập niềm tin của những cổ đông lạc quan nhất về doanh nghiệp - nhất là khi nhìn sang chỉ tiêu lợi nhuận của Hòa Bình năm 2023 vốn chỉ ở mức 125 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ, dòng tiền của Hòa Bình cũng dần xấu đi khi tại thời điểm 31/3/2023, 11.286/15.697 tỷ đồng tài sản của công ty là các khoản phải thu ngắn hạn (đã trích lập dự phòng 786 tỷ đồng).
Đáng chú ý, khoản tiền và tiền gửi có kỳ hạn đã giảm về mức 247 tỷ đồng trong khi nợ phải trả hơn 13.500 tỷ - gấp gần 6 lần vốn chủ sở hữu.
Cuối tháng 3/2023, ông Lê Viết Hải - người đã giành chiến thắng trong cuộc xung đột ghế quyền lực Chủ tịch HĐQT HBC từng chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm, HBC phải đối mặt với muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp nặng nề”.
Cùng thuộc nhóm xây dựng và vật liệu, từ đầu năm 2023 đến nay, P/E của HBC ghi nhận mức gần 29 lần trong khi BMP hiện chỉ 7,4 lần (P/E của VN-Index và nhóm xây dựng - vật liệu lần lượt là 10,7 và 13,4 lần).
Vị thế của BMP và HBC
Đáy của HBC ở đâu?
Trở lại với góc nhìn của Chuyên gia chứng khoán Tony Bobo, vị trader cho biết: "Thị trường đã tạo đáy từ mức 874 điểm hồi giữa 11/2022. Ngay sau đó, nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, thép, thủy sản, dệt may, đầu tư công kế đến là bất động sản đã đồng loạt hồi mạnh. Thậm chí những mã như NVL hay DIG cũng đã tăng từ 40 - 100% thị giá. Tuy nhiên, cổ phiếu HBC suốt 3 tháng qua vẫn chưa nhấc chân khỏi mốc 8.x đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu HBC (Xanh) và BMP (vàng) |
Với việc đã bị bỏ lại, thật khó để nhà đầu tư đoán được thời điểm cổ phiếu HBC tạo xong đáy. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư hoàn toàn có thể bắt phải dao rơi khi vội vã xuống tiền.
Nhìn sang Coteccons - đối thủ thâm niên của Hòa Bình, thậm chí mã CTD đã tăng tới 91% kể từ đầu tháng 3 trở lại đây.
Trong khi đó, BMP đã "bắn pháo sáng" - phát tín hiệu cho nhóm cổ phiếu ngành nhựa. Minh chứng dễ thấy là tín hiệu tăng của nhóm cổ phiếu An Phát (APH, AAA, NHH, HII) hay NTP, DAG,...
Các mã APH, NTP, AAA đều đã hồi mạnh trong nửa năm trở lại đây |
Bài viết thể hiện góc nhìn đầu tư cá nhân, không hướng nhà đầu tư và Quý độc giả đến bất kỳ hoạt động giao dịch nào đối với những mã cổ phiếu được nhắc đến. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực chiến của một nhà đầu tư Fn trên thị trường chứng khoán là điều có thể được cân nhắc tìm hiểu và áp dụng.
Thị trường 9 triệu tài khoản, sao VN-Index quẩn quanh mốc 1.200 điểm?
Nhận định chứng khoán 25-29/11: VN-Index rung lắc tại 1.230 điểm