1 tháng giao dịch gần nhất, khối ngoại ghi nhận mua mạnh 17 phiên với giá trị trên 500 tỷ đồng; 10 phiên trên 1.000 tỷ đồng; 7 phiên trên 1.500 tỷ và 3 phiên trên 2.000 tỷ đồng với kỷ lục giao dịch 2.618 tỷ ghi nhận trong phiên 29/11.
Kết tuần giao dịch từ 5 - 9/12/2022, mặc dù VN-Index ngắt chuỗi 3 tuần hồi phục liên tiếp khi giảm giảm 2,61% qua đó đóng cửa ở 1.051,81 điểm song khối ngoại tiếp tục có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị mua 4.192 tỷ đồng (mua ròng cả 5 phiên giao dịch); lực mua tập trung chủ yếu vào HPG, STB và CTG.
Tính tiêng trên HOSE, khối ngoại đã mua ròng phiên thứ 14 liên tiếp với giá trị mua ròng vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Nếu tính trên toàn thị trường, nhóm này đã mua ròng liên tục trong 1 tháng trở lại đây (từ 7/11 - 9/12) với tổng giá trị khoảng 24.300 tỷ đồng.
Khối ngoại mua mạnh 17 phiên với giá trị trên 500 tỷ đồng; 10 phiên trên 1.000 tỷ đồng; 7 phiên trên 1.500 tỷ và 3 phiên trên 2.000 tỷ đồng với kỷ lục giao dịch 2.618 tỷ ghi nhận trong phiên 29/11.
Dòng tiền mua ròng mạnh xuất hiện ở hàng loạt bluechip VN30 như VHM (2.748 tỷ), STB (2.150 tỷ), HPG (1.780 tỷ), VIC (1.762 tỷ), SSI (1.634 tỷ),...
Ông Quan Đức Hoàng (trái) và ông Trần Thăng Long (phải) (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Phát biểu tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề “Lực đỡ từ vốn ngoại” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 9/12, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BSC cho biết: "Tốc độ mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng một tháng vừa qua là chưa từng thấy.
Trước đây cũng có những thời điểm nhà đầu tư mua ròng hai đến ba tháng liên tiếp nhưng khối lượng mua ròng từng phiên chỉ vừa phải, còn hiện tượng mua ròng 10 phiên liên tiếp hay một tháng liên tiếp thì đây là lần đầu tiên", ông Long nói.
Phân tích về xu hướng này, ông Long cho biết, sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhà đầu tư nước ngoài đã tìm hiểu về thị trường chứng khoán Việt Nam và đánh giá triển vọng thời gian tới khá khả quan.
“Họ nhìn về vĩ mô, tiềm năng, triển vọng của nền kinh tế trong 5 -10 năm để đưa ra quyết định đầu tư. Họ nhận ra đây là cơ hội để tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam, giá không chỉ rẻ trong hai - ba năm mà là 5 – 6 năm trở lại đây", ông Long nói.
Vị chuyên gia từ BSC cho rằng, khối ngoại quan tâm nhiều hơn đến tăng trưởng bởi họ cho rằng tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối tốt với rất nhiều yếu tố tích cực quan trọng so với những thị trường khác.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+, đánh giá nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn luôn nhìn nhận thị trường ở 2 khía cạnh: Giá trị thực hoặc triển vọng của nó đối với nền kinh tế. Việt Nam vẫn đang có đà tăng trưởng 7% và thậm chí là 8% trong những năm tiếp theo.
Ông nói: "Vừa rồi, VN-Index giảm rất sâu làm tôi liên tưởng tới quả lắc (Pendulum). Con lắc lúc nào cũng đi qua một mức rồi quay trở lại, đi xuống quá sâu và về cũng hơi mạnh. Rất nhiều nhà đầu tư kiếm lời lúc thị trường khủng hoảng".
Khi VN-Index giảm xuống 874 điểm như vừa qua thì P/E đang ở mức kỷ lục thấp. Mức này còn sâu hơn so với kỳ điều chỉnh rất nặng vào năm 2011 vì thị trường hiện nay đã rộng hơn rất nhiều. Đây là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận thấy được tiềm năng tăng trưởng kinh tế, thấy được sự bền vững chính trị Việt Nam, ông Hoàng nhìn nhận.
Trước ý kiến cho rằng đây là thời điểm mà các quỹ nước ngoài đẩy lên để chốt NAV đẹp trước thời điểm cuối năm, ông Hoàng cho biết không thể loại trừ yếu tố này. Tại thị trường Mỹ, việc cố gắng chốt NAV đẹp này gọi là “window dressing”, tức là làm cửa sổ sáng đẹp hơn trước lễ dịp Noel.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể sẽ có những phân tích rộng lớn và sâu. Họ sẽ thấy đây là cơ hội rất hiếm có để đầu tư lâu dài.
"Với 871 điểm, thị trường rộng như vậy, ở giai đoạn mỗi phiên thanh khoản 20.000 tỷ đồng mà bây giờ chỉ còn 14.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội của nhiều thập kỷ chứ không phải nhiều năm. Tôi nghĩ nhà đầu tư Việt Nam nếu vẫn còn tiền thì cứ mua dần những doanh nghiệp mà mình thích, quan tâm”.
Thận trọng nương sóng khối ngoại
Theo chia sẻ của chuyên gia chứng khoán Huỳnh Minh Tuấn - người sáng lập CTCP FIDT, trong cơ cấu giá trị mua ròng của khối ngoại, lực mua từ các quý ETF chỉ chiếm tỷ trọng 30%. Phần còn lại đến từ một dòng tiền bí ẩn mang tên Participatory Notes hay còn gọi là P-Notes, được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn |
"Đặc điểm không lẫn vào đâu được trong cách giao dịch của P-Notes là tấn công cực mạnh, các cổ phiếu hầu như kéo thẳng tắp không có nhịp chỉnh và gần như không có cơ hội cho nhà đầu tư chậm chân có thể mua. Thanh khoản thường khi P-Notes vào tăng rất mạnh, cứ ngỡ như là thanh khoản trong uptrend.
Một đặc điểm nữa là P-Notes thường vào ở những thời điểm thị trường trông rất yếu, thanh khoản lẹt đẹt hoặc sau đoạn vừa giảm mạnh", ông Tuấn lưu ý.
Về thời gian giao dịch nhìn vào đồ thị quá khứ của VN-Index và các mã như HPG, SSI, VIC, VHM,... có thể thấy P-Notes thường mua rất mạnh vào các tháng cuối năm hoặc các tháng đầu năm.
Ngoài ra, dòng vốn P-Notes này đầu cơ cực cao, vào rất nhanh và ra cũng rất nhanh nên đến khi bán ròng thì cũng cực kì "rát". Các cổ phiếu sau khi đạt đỉnh thường không rơi ngay mà sẽ có một đoạn co giật và rung lắc cực mạnh ở vùng đỉnh, đây có thể là đoạn phân phối hàng.
Mặc dù khó dự đoán chính xác nhưng khoảng thời gian mua mạnh nhất của P-Notes thường kéo dài khoảng 1,5 - 2 tháng.
"Hiện tại dòng vốn này có thể đã vào đâu đó khoảng 3 tuần và theo dự đoán chủ quan, dòng vốn này sẽ còn kéo dài đến giữa hoặc cuối tháng 12 này", ông Tuấn kỳ vọng.
VN-Index tăng 7 điểm, một cổ phiếu bất ngờ bị khối ngoại bán ròng hơn 5.500 tỷ đồng
Nhận định chứng khoán 29/10: Nhà đầu tư nên hành động như thế nào khi VN-Index về hỗ trợ MA200?