25 người bị bắt, 14 cơ quan bị lôi ra ánh sáng trong vụ bê bối gian lận tuyển sinh Đại học chấn động Trung Quốc
25 vụ bắt giữ đã được thực hiện trong 3 năm qua ở Hồng Kông (Trung Quốc) liên quan đến những bê bối tuyển sinh Đại học. 8 người đã bị buộc tội, 3 người trong số đó đã bị kết án, trong khi những người còn lại vẫn đang bị điều tra.
Phanh phui bê bối “mua bằng giả” Đại học gây rúng động dư luận
Trang tin Chanel News Asia (Singapore) cho hay, trong 3 năm qua, chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã bắt giữ 25 người vì cáo buộc sử dụng bằng cấp giả để đăng ký vào các trường Đại học địa phương, quyền Bộ trưởng An ninh thành phố này tiết lộ khi ông tái khẳng định những nỗ lực liên tục nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Cảnh sát cũng đã xác định được 14 cơ quan hoặc người trung gian dính cáo buộc “vô đạo đức” của Trung Quốc đại lục bị tình nghi có liên quan đến các hành vi phạm tội và họ đã thông báo điều này cho chính quyền Trung Quốc, quyền Bộ trưởng An ninh Hồng Kông Michael Cheuk Hau-yip cho biết tại Hội đồng Lập pháp ngày 18/12.
Ông Cheuk đã trả lời câu hỏi của nhà lập pháp Chan Wing-kwong, người yêu cầu ông thống kê xem có bao nhiêu người đã sử dụng thông tin sai lệch để nộp đơn xin du học tại Hồng Kông – đặc khu hành chính của Trung Quốc và là trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới (chỉ xếp sau New York và London).
Ông Chan đã trích dẫn các trường hợp “người trung gian vô đạo đức và bất hợp pháp” ở Trung Quốc đại lục chào mời doanh nghiệp bằng cách “lan truyền tin đồn” về các chương trình tuyển dụng nhân tài khác nhau của Hồng Kông, thậm chí nhận “làm giả bằng cấp học vấn”.
Vào tháng 7 năm nay, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 2 người vì vụ bê bối tuyển sinh liên quan đến khoảng 30 sinh viên sau Đại học - tất cả đều là người Trung Quốc - tại trường kinh doanh của Đại học Hồng Kông (HKU).
Trước đó, vụ việc đã thu hút sự chú ý của công chúng vào cuối tháng 5 khi HKU thông báo đã lập biên bản báo cáo cảnh sát sau khi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế. Vào thời điểm đó, Hiệu trưởng trường kinh doanh HKU được cho là đã nói rằng có tới 100 sinh viên có thể liên quan đến vụ bê bối giáo dục này.
Kể từ tháng 1 năm 2022, 25 người đã bị bắt vì cáo buộc sử dụng thông tin giả để đảm bảo suất học tại các trường Đại học địa phương, ông Cheuk chia sẻ. 8 người đã bị buộc tội và 3 người trong số đó đã bị kết án, với mức án tối đa được đưa ra là 17 tuần tù giam.
Những người bị kết án đã bị các viên chức di trú coi là không hợp lệ về thị thực hoặc giấy phép nhập cảnh. 17 người chưa bị buộc tội vẫn đang trong quá trình điều tra.
Ở Hồng Kông, bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào cung cấp thông tin sai lệch hoặc trình bày sai sự thật cho người nộp đơn xin thị thực hoặc giấy phép nhập cảnh đều là hành vi phạm tội. Hình phạt tối đa là 14 năm tù và phạt tiền 150.000 đô-la Hồng Kông (gần 19.300 USD).
Thẳng tay xử phạt các trường hợp sai phạm
Quyền Bộ trưởng An ninh Hồng Kông (Trung Quốc) Michael Cheuk Hau-yip cho biết: “Cục Di trú đã đưa ra cơ chế đánh giá chặt chẽ từng đơn xin thị thực hoặc giấy phép nhập cảnh theo các chương trình tuyển dụng nhân tài”.
>> Phó Chủ tịch Google bật mí về công việc cho thu nhập tiền tỷ mà không cần bằng đại học
Ngoài ra, những người bị phát hiện có được thị thực hoặc giấy phép nhập cảnh vào Hồng Kông bằng các phương tiện bất hợp pháp sẽ bị pháp luật hủy bỏ thị thực hoặc giấy phép nhập cảnh. Họ cũng sẽ bị trục xuất về nơi xuất phát.
“Ngay cả khi người đó đã có được quyền cư trú tại Hồng Kông, thì theo luật, quyền đó cũng sẽ bị tuyên bố là vô hiệu và người đó sẽ phải chịu lệnh trục xuất về nơi xuất phát”, ông Cheuk cho biết.
Trích dẫn lời của Sở Giáo dục thành phố, Cheuk cho biết các quan chức đã nhắc nhở những người có ý định du học tại Hồng Kông không nên “dễ dàng và mù quáng tin vào” những tuyên bố “đảm bảo trúng tuyển” từ các cơ quan trung gian đóng vai trò là bên thứ ba.
Ông nói thêm rằng khi phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm nào, các cơ sở giáo dục sau trung học sẽ “thực hiện các hành động kỷ luật ngay lập tức và quyết liệt”, bao gồm hủy bỏ lời mời nhập học hoặc đuổi học và chuyển các trường hợp này cho các cơ quan thực thi pháp luật xử lý.
Nguồn: CNA