Cuộc đình công trùng với dịp kỷ niệm 31 năm kể từ khi cố Chủ tịch Lee Kunhee tuyên bố tầm nhìn "New Management".
BusinessKorea đưa tin, Liên đoàn Lao động Quốc gia Samsung Electronics (NSEL) đã khởi xướng cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử 54 năm của công ty vào ngày 7/6.
Hành động chưa từng có này trùng với dịp kỷ niệm 31 năm tuyên bố tầm nhìn "New Management" của cố Chủ tịch Lee Kunhee.
Cuộc đình công, trong đó tất cả các thành viên công đoàn sẽ nghỉ phép tập thể ngày hôm nay, đánh dấu sự leo thang đáng kể trong tranh chấp lao động đang diễn ra.
NSEL, công đoàn lớn nhất của Samsung Electronics, đại diện cho khoảng 28.400 thành viên, tương đương 23% trong tổng số 124.800 nhân viên của công ty.
Hơn 28.000 nhân viên Samsung chính thức nghỉ làm. Ảnh: Yonhap |
Tại cuộc đàm phán trước đó, họ đưa ra các yêu cầu gồm mức lương công bằng cho người lao động và cải thiện hệ thống lương của công ty để đảm bảo minh bạch.
Nhưng đến ngày 29/5, công đoàn đã tổ chức một cuộc họp báo để thông báo ý định thực hiện một cuộc tổng đình công sau khi ban quản lý Samsung không đưa ra bất kỳ chương trình nghị sự nào trong quá trình đàm phán.
Đại diện NSEL cho hay: “Mặc dù đã tổ chức 3 sự kiện văn hóa để giải quyết vấn đề nhưng ban lãnh đạo lại không có bất kỳ chương trình nghị sự nào. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước hướng tới một cuộc tổng đình công".
Thời điểm diễn ra cuộc đình công được lựa chọn một cách chiến lược để giảm thiểu gián đoạn sản xuất.
Tuy nhiên, mối lo ngại vẫn ngày càng gia tăng về những tác động lâu dài tiềm ẩn, bao gồm cả việc ngừng hoạt động và gây thiệt hại cho thương hiệu Hàn Quốc này. Vì ngay cả một gián đoạn ngắn ngủi trong sản xuất chất bán dẫn cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng kể.
Thêm vào đó, quay lại thời điểm năm 2019, Samsung từng phải chịu thiệt hại hơn 50 tỷ won (36 triệu USD) khi một sự cố mất điện kéo dài 28 phút xảy ra tại nhà máy Pyeongtaek của họ.
Đây là cuộc đình công chưa từng có trong lịch sử của nhân viên Samsung. Ảnh: BusinessKorea |
Cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử Samsung còn diễn ra tại một thời điểm quan trọng.
Năm nay đặc biệt có ý nghĩa đối với Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jaeyong khi ông đang nỗ lực củng cố tầm nhìn “New Samsung” được đề xuất vào năm 2018.
Ông Lee hiện đang có chuyến công tác tới Mỹ, nơi ông dự định tổ chức khoảng 30 cuộc họp với các công ty lớn, các thành viên Quốc hội Mỹ và cơ quan Chính phủ trong hơn 2 tuần.
Samsung hiện cũng tập trung vào việc tăng thị phần và khả năng cạnh tranh công nghệ trên thị trường bộ nhớ băng thông cao (HBM) vốn rất quan trọng đối với chất bán dẫn AI.
Mới đây, công ty đã bổ nhiệm Phó Chủ tịch Jun Younghyun làm người đứng đầu bộ phận DS, cho thấy hành động quyết liệt trong giai đoạn quan trọng này.
Trong khi đó, Liên minh Công đoàn của công nhân kim loại bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của NSEL. Phó Chủ tịch Liên minh Công đoàn này cho biết: “Chúng tôi sẽ chiến đấu bên cạnh các công nhân của Samsung, vượt qua các công ty liên quan và tổ chức cao hơn”.
Công đoàn của Samsung Electronics tổ chức đình công nhằm kêu gọi được đối xử tốt hơn. Ảnh: BusinessKorea |
Tuy nhiên, theo BusinessKorea, không phải tổ chức nào cũng đồng tình. Liên đoàn Lao động Siêu doanh nghiệp của tập đoàn Samsung, bao gồm 5 chi nhánh của công ty và khoảng 19.800 thành viên, đã chỉ trích hành động của NSEL.
Đại diện Liên đoàn Lao động tuyên bố: “Các hoạt động và hồ sơ cuộc họp gần đây cho thấy hành động của NSEL nhằm mục đích tạo điều kiện liên kết với tổ chức cấp trên (KCTU) hơn là cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên. Chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động tấn công công ty và các công đoàn khác của NSEL, bao gồm cả lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Samsung và phỉ báng Chủ tịch Lee Jaeyong”.
Liên đoàn nhấn mạnh thêm rằng những hành động như vậy có thể gây tổn hại đến hình ảnh thương hiệu Samsung, vốn đã được xây dựng cẩn thận và tỉ mỉ trong nhiều thập kỷ qua.
Khi Samsung Electronics vượt qua thời điểm quan trọng này, kết quả của cuộc đình công và các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Trước đây, khả năng duy trì truyền thống “không đình công” vốn là niềm tự hào và ổn định của công ty, nhưng hiện tại nó đang bị đặt dấu hỏi.
Những tác động trên diện rộng đối với mối quan hệ lao động trong những tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc và tác động tiềm tàng đối với hoạt động toàn cầu của Samsung sẽ làm tăng thêm mức độ phức tạp cho tình huống đang diễn ra này.
>> Samsung 'họa vô đơn chí': 28.000 nhân viên sắp đình công, cổ phiếu lao dốc