Muốn rút khỏi các dự án hợp tác với các doanh nghiệp Nga, UniCredit, Deutsche Bank và Commerzbank bị tòa án nước này tịch thu tổng tài sản lên đến gần 1 tỷ USD.
Tòa án St Petersburg của Nga vừa ra phán quyết tịch thu tài sản trị giá hơn 700 triệu euro (762 triệu USD) thuộc về ba ngân hàng phương Tây – UniCredit, Deutsche Bank và Commerzbank – để bồi thường các vụ kiện liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường Nga.
Deutsche Bank và Commerzbank là 2 ngân hàng lớn có trụ sở tại Đức và nằm trong các tổ chức tín dụng lớn nhất thế giới |
Vấn đề được đệ trình bởi RusChemAlliance, công ty con của tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom - mà qua đó Nga nắm độc quyền xuất khẩu khí đốt qua đường ống. Theo báo cáo tài chính mới nhất mà RusChemAlliance cung cấp, tòa án đã tịch thu tài sản trị giá 463 triệu euro thuộc về UniCredit của Ý, tương đương khoảng 4,5% tài sản của ngân hàng này ở Nga.
Theo phán quyết của tòa án ngày 16/5, tài sản bị phong tỏa bao gồm cổ phiếu trong các công ty con của UniCredit ở Nga cũng như các cổ phiếu và quỹ mà công ty này sở hữu.
Cùng ngày, tòa án Nga cũng đã tịch thu tài sản trị giá 238,6 triệu euro của Deutsche Bank, bao gồm tài sản và tài sản nắm giữ trong tài khoản của ngân hàng này ở Nga.
Tòa án cũng ra phán quyết ngân hàng không được phép bán hoạt động kinh doanh của mình ở Nga, trừ phi có sự chấp thuận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tòa án đồng ý với RusChemAlliance rằng các biện pháp này là cần thiết vì ngân hàng đang “thực hiện các biện pháp nhằm chuyển nhượng tài sản của mình ở Nga”.
Hôm 17/6, tòa án đã quyết định tịch thu tài sản của Commerzbank, nhưng chi tiết quyết định vẫn chưa được công khai nên chưa rõ giá trị của vụ tịch thu. RusChemAlliance yêu cầu tòa án phong tỏa tài sản của người cho vay trị giá tới 94,9 triệu euro.
Tranh chấp với các ngân hàng phương Tây bắt đầu vào tháng 8/2023 khi RusChemAlliance tới tòa án trọng tài ở St Petersburg yêu cầu họ trả tiền bảo lãnh ngân hàng theo hợp đồng với công ty kỹ thuật Linde của Đức.
RusChemAlliance là nhà điều hành các nhà máy xử lý khí đốt và các cơ sở sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng ở Ust-Luga gần St Petersburg. Vào tháng 7/2021, họ đã ký hợp đồng với Linde về việc thiết kế, cung cấp thiết bị và xây dựng khu phức hợp. Một năm sau, Linde bị đình chỉ công việc do lệnh trừng phạt của EU.
RusChemAlliance sau đó quay sang các ngân hàng bảo lãnh, nhưng các ngân hàng này đã từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình vì “việc thanh toán cho công ty Nga có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu”.
Danh sách những người bảo lãnh còn bao gồm Bayerische Landesbank và Landesbank Baden-Württemberg, RusChemAlliance cũng đã đệ đơn kiện các ngân hàng này lên tòa án St Petersburg.
UniCredit là một trong những ngân hàng phương Tây bám trụ lâu nhất tại Nga, gặt hái lợi nhuận tăng gấp ba lần kể từ năm 2021 |
Đáp lại những động thái này, ngân hàng UniCredit đã khiếu nại vì “chỉ những tài sản tương xứng với vụ việc mới nằm trong phạm vi áp dụng biện pháp tạm thời”. Deutsche Bank cho biết họ “được bảo vệ hoàn toàn nhờ khoản bồi thường từ khách hàng” và đã trích lập khoản dự phòng khoảng 260 triệu euro cùng với “tài sản hoàn trả tương ứng” trong tài khoản của mình để chi trả cho vụ kiện Nga.
“Chúng tôi sẽ cần xem các tòa án Nga thực hiện yêu cầu này như thế nào và đánh giá tác động hoạt động ngay lập tức ở Nga”, đại diện Deutsche Bank nói.
Đến nay vẫn chưa có bình luận phản hồi gì từ đại diện ngân hàng Commerzbank.
Trước sức nóng của những thông tin này, báo Financial Times đưa tin Ngoại trưởng Ý đã triệu tập một cuộc họp vào ngày 20/5 tới đây để thảo luận về việc tịch thu tài sản có liên quan đến UniCredit tại Nga.
UniCredit là một trong những tổ chức tín dụng lớn nhất ở Nga, chi nhánh có hơn 3000 nhân viên làm việc. Trong tháng này, ngân hàng có trụ sở tại Ý này báo cáo rằng hoạt động kinh doanh ở Nga mang về lợi nhuận ròng là 213 triệu euro trong quý I/ 2024, tăng từ mức 99 triệu euro ở cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng này đã trích lập hơn 800 triệu euro dự phòng và đã cắt giảm đáng kể danh mục cho vay của mình. Giám đốc điều hành Andrea Orcel cho biết trong tháng này rằng mặc dù họ đang “tiếp tục giảm thiểu rủi ro” ở Nga nhưng việc rút hoàn toàn khỏi đất nước này sẽ rất phức tạp.
Những thách thức pháp lý đối với tài sản do các Ngân hàng phương Tây nắm giữ càng làm cho kế hoạch “rút lui để bảo toàn” của họ càng thêm phức tạp. Tháng trước, ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ suýt nữa đã bị tịch thu 400 triệu USD do vấn đề kiện tụng với VTB - 1 ngân hàng nhà nước Nga, nhưng sau đó tòa án đã hủy bỏ lệnh.
Vụ tịch thu này đánh dấu biện pháp quyết liệt nhất của Nga đối với các tổ chức tín dụng phương Tây kể từ khi bất ổn giữa Nga - Ukraine khiến các định chế tài chính quốc tế rút lui hoặc ngừng hoạt động kinh doanh của họ ở Nga.
Giới lãnh đạo Nga cho rằng đứng sau việc các ngân hàng đẩy nhanh kế hoạch rút khỏi các dự án hợp tác với doanh nghiệp Nga là sự hối thúc từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các tổ chức tài chính ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
>> Chủ tịch quốc hội Nga: EU đạo đức giả khi cấm truyền thông Nga