'4 nhất' của đường sắt cao tốc Trung Quốc: Bận nhất, nhanh nhất, dài nhất và đắt nhất
Mặc dù bắt đầu xây dựng đường sắt cao tốc khá muộn nhưng Trung Quốc vẫn xác lập nhiều kỷ lục khiến thế giới phải trầm trồ.
Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc, là tuyến Bắc Kinh - Thiên Tân, đã hoàn thành vào năm 2008, đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống đường sắt cao tốc của quốc gia này. Mặc dù bắt đầu chậm hơn so với các nước phát triển khác ít nhất 40 năm nhưng ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng. Đến năm 2023, chiều dài hệ thống này đã vượt 42.000km, chiếm hơn 70% tổng số km đường sắt cao tốc trên toàn thế giới.
Dưới đây là 4 cái nhất về hệ thống đường sắt ở Trung Quốc:
Tuyến đường sắt bận rộn nhất
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải chính thức bắt đầu hoạt động từ năm 2011 và tại thời điểm đó, nó là tuyến đường sắt cao tốc dài nhất và đạt tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Một đầu của tuyến kết nối với trung tâm chính trị và văn hóa Bắc Kinh, trong khi đầu còn lại liên kết với trung tâm kinh tế Thượng Hải. Tuyến này đi qua 7 tỉnh và thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, An Huy, Giang Tô và Thượng Hải, và chỉ mất 4 giờ cho một hành trình.
Vào tháng 2 năm 2013, tổng số lượt khách sử dụng tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải lần đầu tiên vượt quá 100 triệu. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên hơn 1,3 tỷ lượt khách.
Nổi bật với lưu lượng hành khách lớn nhất và tấp nập nhất Trung Quốc, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải cũng nổi tiếng với chi phí đầu tư đắt đỏ. Theo thông tin phê duyệt thiết kế, tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 220,94 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 755.000 tỷ đồng).
Sau 12 năm vận hành an toàn và với tổng cộng hơn 1,6 tỷ lượt khách, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải đã chính thức khởi công tuyến thứ hai vào tháng 5 năm 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng.
Tốc độ nhanh nhất
Vào đầu những năm 1990, tốc độ trung bình của tàu khách ở Trung Quốc chỉ đạt 48,1km/h. Ngày nay, hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang duy trì tốc độ vận hành nhanh nhất trên thế giới, với nhiều tuyến đường sắt cao tốc có tốc độ vận hành tối đa lên đến 350km/h.
So sánh với các quốc gia khác có hệ thống đường sắt cao tốc phát triển, tốc độ cao nhất của đường sắt cao tốc là 320km/h ở Nhật Bản và Pháp, 310km/h ở Tây Ban Nha, 300km/h ở Đức và Italy.
Sau khi đạt được mục tiêu 350km/h, ngành đường sắt Trung Quốc đặt ra đích nhắm tiếp theo là tốc độ 450km/h. Vào đầu năm 2021, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã khởi động "Dự án đổi mới công nghệ CR450" Fuxing. Dự án này nhằm phát triển thế hệ sản phẩm Fuxing EMU mới với tốc độ cao hơn, an toàn hơn, thân thiện với môi trường hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và thông minh hơn thông qua việc cải tiến toàn diện công nghệ thiết bị di động đường sắt tốc độ cao.
Ngày 21/4/2022, tàu thử nghiệm Fuxing đã thành công chạy trên tuyến đường sắt cao tốc Bộc Dương - Trịnh Châu, với tốc độ tối đa một chiều của đoàn tàu đạt 435km/h và tổng tốc độ của hai đoàn tàu khi gặp nhau đạt 870km/h.
Trong lần thử nghiệm tiếp theo vào cuối tháng 6/2023 trên cầu vượt biển Vịnh Mị Châu, tốc độ tối đa một chiều của đoàn tàu đạt 453km/h và hai chiều của hai đoàn tàu đạt 891km/h.
Cuộc thử nghiệm tương tự trong đường hầm Hải Vĩ đã đạt tốc độ tối đa một chiều là 420km/h và hai chiều là 840km/h vào ngày 29/6.
Với tốc độ 400km/h, khi đưa vào sử dụng, đoàn tàu sẽ giảm thời gian đi từ Bắc Kinh đến Thượng Hải xuống còn 2,5 giờ.
Khoảng cách một tuyến dài nhất
Đường sắt cao tốc Từ Châu - Tân Cương là tuyến đường sắt cao tốc được quy hoạch dài nhất thế giới, kết nối thành phố Từ Châu thuộc tỉnh Giang Tô, nằm ở bờ biển phía đông Trung Quốc, đến thành phố Urumqi thuộc khu tự trị Tân Cương ở phía tây bắc, với tổng chiều dài 3.176km.
Việc di chuyển từ Từ Châu đến Urumqi bằng tàu phổ thông mất khoảng 44 giờ, nhưng với tàu cao tốc, thời gian này giảm xuống chỉ còn 18,5 giờ. Hạn chế duy nhất là do sự sắp xếp vận hành trong khu vực, khiến tuyến đường sắt cao tốc này phải chuyển tuyến giữa đường ở Lan Châu.
Tuyến đường sắt cao tốc dài thứ hai là tuyến Bắc Kinh - Quảng Châu, có tổng chiều dài 2.298km và thời gian hành trình tổng cộng là 7 giờ 38 phút.
Theo nhiều quan điểm, quãng đường 800km được xem là ngưỡng giới hạn giữa việc sử dụng hàng không và đường sắt. Đối với các chuyến đi dưới 800 km, đường sắt cao tốc trở thành lựa chọn phổ biến nhất, trong khi máy bay được ưu tiên cho các chuyến đi xa hơn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đường sắt cao tốc Trung Quốc đã chứng tỏ sự vượt trội về mặt kinh tế và tiện ích, được nhiều hành khách ưa chuộng. Ngay cả trên quãng đường dài 1.100km từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, nhiều người hành khách vẫn sẵn lòng chọn lựa đường sắt cao tốc.
Giá vé đắt nhất
Vào tháng 9 năm 2018, tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu - Thâm Quyến - Hong Kong đã được mở rộng với tổng chiều dài là 141km.
Trong đó, đoạn từ Quảng Châu đến Thâm Quyến có tốc độ thiết kế là 350km/giờ, với giá vé khoảng 75-100 nhân dân tệ (khoảng 256.000-340.000 đồng). Đoạn từ Thâm Quyến đến Hong Kong có chiều dài chỉ 26km, tốc độ thiết kế là 200km/h, nhưng giá vé dao động từ 75-226 nhân dân tệ (tương đương khoảng 256.000-73.000 đồng), được coi là mức giá đắt nhất theo tỷ lệ quãng đường.
Sự chênh lệch giá vé này có thể được giải thích bởi chi phí xây dựng, vận hành và bảo trì đường sắt cao tốc qua biển đắt hơn, đồng thời là do nhu cầu thị trường về lưu lượng hành khách và mức tiêu dùng ở Hong Kong cao hơn.
Mặc dù vậy, giá vé tàu cao tốc ở Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác. Theo thống kê của truyền thông Tây Ban Nha, giá vé mỗi km của tàu cao tốc Trung Quốc là 0,04 euro, thấp hơn nhiều so với 0,19 euro của Tây Ban Nha, 0,22 euro của Pháp, 0,27 euro của Đức, 0,25 euro của Ý và 0,22 euro của Nhật Bản.
Quan trọng hơn, đường sắt cao tốc mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các khu vực công nghiệp và các dịch vụ đô thị hiện đại dọc theo tuyến đường cũng như sự gia tăng di chuyển dân cư và tích tụ dân số ở các khu vực dọc tuyến.
Nguồn: Sohu
>> Chi gần 2 triệu USD tách đôi đường cao tốc để ‘nhường chỗ’ cho hai cây cổ thụ