Wayne Visser, tác giả cuốn Towards Transformative Business, cho rằng hoạt động xã hội của doanh nghiệp sẽ chuyển dịch qua 5 giai đoạn.
Giai đoạn một là thời đại của lòng tham, người ta cho đi một phần của cải cốt để bảo vệ tài sản của chính mình.
Giai đoạn hai là thời đại của lòng thiện lương, những người kinh doanh thành công thương cảm với những người yếu thế hoặc cảm thấy có trách nhiệm với những dấu tích tàn phá do hoạt động khai thác kinh doanh mà bỏ một phần thu nhập của mình để làm từ thiện hoặc đền bù cho những tổn thất môi trường do mình tạo ra.
Giai đoạn thứ ba là thời đại của marketing, khi mà trách nhiệm xã hội là một yêu cầu mang tính nhân văn và là điều kiện làm ăn giữa các doanh nghiệp có trách nhiệm toàn cầu, các doanh nghiệp xây dựng các chiến dịch CSR để quảng bá thương hiệu của mình, để gây thiện cảm với xã hội.
Giai đoạn thứ tư là thời đại của quản trị, CSR là một phần của chiến lược kinh doanh và vận hành doanh nghiệp, nó thu hút nhân lực bằng một môi trường làm việc lành mạnh, phát triển chuỗi giá trị bằng nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ những thị trường đang nổi, và nuôi dưỡng một xã hội ổn định, tiến bộ vì sự phát triển chung.
Ở giai đoạn thứ năm, Wayne Visser gọi là thời đại của trách nhiệm, khi mà các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Hoạt động CSR không chỉ đơn giản là đền bù cho những tổn thất của mẹ trái đất, mà là đáp ứng với các thách thức toàn cầu.
Từ giai đoạn 1 đến 4, ông gọi là CSR1.0, phương thức làm trách nhiệm xã hội một cách truyền thống. Khi doanh nghiệp phát triển đến giai đoạn thứ năm thì được gọi là CSR2.0, doanh nghiệp gắn tương lai của mình với tương lai của cộng đồng, của xã hội, của môi trường trái đất nơi họ thuộc về, với tư cách là một công dân doanh nghiệp (corporate citizen) có trách nhiệm.
Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi cuộc chiến tranh kỳ lạ nhất, khốc liệt nhất, chống COVID-19 nếu có đủ vắc-xin để đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng. Sự hồi phục, rồi phát triển của bất cứ một doanh nghiệp nào cũng nằm trong tổng thể sự phục hồi của cả quốc gia, nếu không nói là của toàn thế giới. Mối đe doạ của virus SARS-CoV-2 là thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay, và là bài toán của tất cả các doanh nghiệp thể hiện vai trò trách nhiệm của mình với toàn xã hội. Đó chính là lý giải của sự tham gia tự nguyện, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng của rất nhiều doanh nghiệp cho công cuộc phòng chống COVID-19, đặc biệt là cho Quỹ vắc-xin của chính phủ, nhất là các doanh nghiệp đang ở hoặc bắt đầu bước vào giai đoạn CSR2.0.
Thật may, trong những tình thế gian nan, người Việt Nam chúng ta thường biết đoàn kết, vượt qua những nghịch cảnh và thách thức lớn. Và may mắn hơn nữa, chúng ta có nhiều doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội ở mức độ cao nhất, gắn liền sứ mệnh phát triển của họ với sự tồn vong của đất nước.
#HumanBranding
#CSR