5 loại viêm nhiễm thường gặp dễ 'biến hình' thành ung thư
Những người bị viêm nhiễm lâu dài có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Khi nhắc đến viêm nhiễm, đa số mọi người thường nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề nhỏ nhặt, thậm chí không liên hệ gì với ung thư. Nhưng thực tế, viêm mãn tính là một căn bệnh phát triển âm thầm qua nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được chú ý.
Một nghiên cứu quy mô lớn được công bố trên tạp chí The Lancet Oncology (Mỹ), đã phân tích tỷ lệ mắc 27 loại ung thư tại 184 quốc gia và khu vực. Kết quả cho thấy, khoảng 1/6 các trường hợp ung thư có liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Tương tự, một bài báo từ Trường Y Harvard cũng chỉ ra rằng những người bị viêm nhiễm lâu dài có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Viêm là một quá trình phức tạp do hệ thống miễn dịch của cơ thể kích hoạt. Các tế bào miễn dịch sẽ phản ứng nhanh chóng với những dấu hiệu xấu như vết thương, nhiễm trùng hoặc kích thích. Tuy nhiên, khi cơ thể ở trong trạng thái viêm kéo dài, các tế bào sẽ liên tục phân chia để sửa chữa các tổn thương, điều này làm tăng nguy cơ tổn thương DNA.
Thông thường, hệ thống miễn dịch sẽ phát hiện và loại bỏ các tế bào bị tổn thương. Nhưng đôi khi, một số tế bào có thể "lách" qua quá trình này và tiếp tục phát triển, dẫn đến ung thư.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, ngoài việc gây tổn thương tế bào và làm tăng nguy cơ ung thư, viêm mãn tính còn làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Các yếu tố viêm như protein phản ứng C, interleukin-1 và yếu tố hoại tử khối u alpha có thể khiến cơ thể dễ mắc bệnh ung thư và gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng khác.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và không khoẻ, có thể cơ thể bạn đang bị viêm mãn tính mà bạn chưa nhận ra. Viêm nhiễm không chỉ liên quan đến ung thư mà còn có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng khác như tiểu đường, bệnh tim mạch, đột quỵ hay Alzheimer.
5 loại viêm nhiễm thường gặp có thể dẫn đến ung thư
Viêm dạ dày mãn tính
Viêm dạ dày không teo là một tình trạng phổ biến, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể tiến triển thành viêm teo dạ dày mãn tính. Khi viêm dạ dày tái phát, niêm mạc dạ dày bị tổn thương liên tục và phải tự sửa chữa. Trong quá trình này, các tế bào bất thường như dị sản đường ruột và loạn sản có thể xuất hiện. Nếu không được phát hiện sớm, những tế bào này có thể dẫn đến ung thư.
Viêm tụy mãn tính
Viêm tụy là một bệnh gây đau đớn nghiêm trọng, đặc biệt khi ở giai đoạn viêm tụy cấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mãn tính. Các đợt viêm tụy mãn tính lặp đi lặp lại sẽ làm tổn thương mô tụy và tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Viêm mãn tính niêm mạc đại trực tràng
Viêm mãn tính ở niêm mạc đại trực tràng có thể gây ra các tổn thương, được gọi là polyp hoặc u tuyến. Trong đó, u tuyến có nguy cơ cao phát triển thành ung thư. Mặc dù polyp có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển thành ung thư, nhưng chỉ cần được phát hiện và loại bỏ kịp thời, có thể được ngăn chặn được nguy cơ này.
Viêm gan mãn tính
Khả năng viêm gan chuyển thành ung thư gan là khoảng 0,3%. Điều đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân viêm gan không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Vì gan không có cảm giác đau, nên các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi tổn thương đã phát triển thành khối u hoặc đã xâm lấn các cơ quan xung quanh. Khi đó, cơn đau có thể xuất hiện, nhưng lúc này bệnh thường đã ở giai đoạn nặng.
Viêm cổ tử cung mãn tính
Viêm cổ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh, sau sảy thai hoặc sau phẫu thuật gây tổn thương cổ tử cung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là viêm cổ tử cung sẽ chắc chắn dẫn đến ung thư. Nếu bạn bị viêm cổ tử cung kèm theo nhiễm virus HPV, đặc biệt là các chủng HPV16 hoặc HPV18, nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung sẽ tăng lên đáng kể.
>> Tìm ra phương pháp mới chống ung thư không cần dùng thuốc
Phát hiện loại cá là ‘ổ chứa’ chất gây ung thư cao gấp 40 lần mức an toàn
Tìm ra ‘công tắc’ đột phá diệt ung thư nhờ đưa khối u ra ngoài vũ trụ