Nếu như giai đoạn 2012 - 2017, thị trường chứng khoán chỉ ghi nhận những đợt giảm điểm trên dưới 15% so với đỉnh gần nhất, thì đến năm 2017 - 2022, thị trường đã trải qua những đợt giảm mạnh hơn 20%.
Ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán từ tháng 7/2017 khi là Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP .HCM (HOSE). Từ đó đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chinh phục hàng loạt đỉnh cao mới như 1.200 điểm, 1.500 điểm. Tuy nhiên, trong gần 5 năm này, thị trường cũng trải qua không ít biến động và sự cố.
5 năm vừa qua có lẽ là giai đoạn phát triển mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi đi vào vận hành năm 2000.
Từ thị trường với hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết và giao dịch tập trung, quy mô vốn hóa đạt 70 tỷ USD với khoảng 1,6 triệu nhà đầu tư, sau 5 năm, vốn hóa thị trường ở thời điểm tích cực nhất đã lên tới 342 tỷ USD (tháng 3/2022) - tăng gần 5 lần dù số lượng doanh nghiệp niêm yết và giao dịch tập trung chỉ tăng 60% với khoảng 1.600 đơn vị.
Cũng trong thời gian này, số lượng nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước đã tăng lên hơn 5,2 triệu - cao hơn 3,25 lần so với 5 năm trước - hoàn thành sớm 3 năm so với mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Với VN-Index giai đoạn 2017 - 2022, dù trải qua nhiều đợt điều chỉnh mạnh nhưng xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đi lên.
Tính từ khi ông Dũng ngồi ghế điều hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 60%; thậm chí, nếu so với mức đỉnh tháng 4/2022, mức tăng của thị trường trong 5 năm này lên tới hơn 100%.
Không chỉ VN-Index, chỉ số HNX-Index giai đoạn này cũng ghi nhận mức tăng trên 200% nếu so với giá hiện tại. Còn nếu so với giá đỉnh hồi đầu năm nay, mức tăng từ tháng 7/2017 đến nay của chỉ số này đã gấp gần 5 lần.
Tuy nhiên, cùng với việc tăng trưởng và mở rộng kỷ lục, từ năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trải qua nhiều phen biến động chưa từng có với nhiều lý do khác nhau.
Nếu như giai đoạn 2012 - 2017, thị trường chứng khoán chỉ ghi nhận những đợt giảm điểm trên dưới 15% so với đỉnh gần nhất, thì đến năm 2017 - 2022, thị trường đã trải qua những đợt giảm mạnh hơn 20%.
Đầu năm 2018, thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tích cực với chỉ số VN-Index tăng từ vùng 760 điểm (tháng 7/2017) lên vượt mốc 1.200 điểm (tháng 4/2018), đánh dấu lần thứ hai chứng khoán Việt vượt mốc 1.200 điểm.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh 1.211 điểm, chỉ số VN-Index đã lao dốc một mạch về vùng 900 điểm chỉ sau 3 tháng.
Hãng tin Bloomberg khi đó đưa ra bình luận "Người đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày này phải có dây thần kinh thép" cho thấy thị trường đang ở trạng thái tiêu cực khi giảm hơn 27% từ đỉnh.
Nhiều nguyên nhân sau đó được đưa ra để giải thích như chứng khoán đã tăng quá nóng 2 năm trước đó, nhà đầu tư kỳ vọng thái quá vào thị trường, Mỹ tăng lãi suất 4 lần liên tiếp, hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,...
Sau cú sụt đầu tiên, thị trường có giai đoạn đi ngang vùng 1.000 điểm đến đầu năm 2020 trước khi ghi nhận đợt giảm mạnh thứ 2.
Diễn biến chỉ số VN-Index kể từ năm 2017 đến nay (Nguồn: Tradingview)
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới và Việt Nam xuất hiện những ca bệnh đầu tiên. Chưa biết tác động của dịch bệnh ra sao, phản ứng của các nhà đầu tư khi đó là bán tống bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá.
Giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đã quen với việc cứ mở bảng điện ra là thấy thị trường giảm 40 - 50 điểm. Từ vùng 1.000 điểm, VN-Index rơi về vùng 650 điểm trong chưa đầy 3 tháng - tương đương mức giảm ròng 35%.
Sau khi xác nhận đáy ở vùng 650 điểm, thị trường đã có 2 năm liên tiếp tăng trưởng tích cực đưa VN-Index vượt mốc 1.500 điểm vào đầu năm nay. Giữa lúc nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán sẽ tăng lên vùng 1.600 điểm (đầu tháng 4/2022) thì VN-Index lại một lần nữa quay đầu giảm nhanh về vùng 1.160 điểm vào giữa tháng 5 vừa qua - tương đương mức giảm ròng 24%.
Khác với 2 đợt giảm mạnh trước đó, lần giảm thứ 3 này được lý giải chủ yếu do những thông tin bất lợi trên thị trường.
Tại kỳ họp thứ 15 mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung liên quan đến Ủy ban Chưng khoán Nhà nước như:
- Cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.
- Khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.
- Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Cảnh cáo các ông: Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
FPT Software ‘bắt tay’ với doanh nghiệp Đức để phát triển ngành năng lượng
Lý do cựu chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng không bị xử lý hình sự