50 triệu USD hàng hóa qua biên giới không phải đóng thuế mỗi ngày, chuyên gia đề xuất bỏ miễn thuế cho hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng
Theo chuyên gia, trong nửa đầu năm nay, mỗi ngày có khoảng 50 triệu USD hàng hóa giá trị nhỏ nhập về không phải đóng thuế, cho thấy cơ chế chính sách hiện tại đang không phù hợp.
50 triệu USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế mỗi ngày
Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên đến năm 2023, theo thống kê của Bộ Công Thương, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Với tốc độ phát triển rất nhanh, duy trì ở mức 20-25%/năm trong 5 năm gần đây và quy mô thị trường thương mại điện tử được dự đoán sẽ đạt 10% vào năm 2025.
Chuyên gia: “Không cần phải miễn thuế cho hàng hóa giá trị nhỏ”. |
Nhờ quy mô được mở rộng, doanh thu thuế từ thương mại điện tử từ đó cũng tăng mạnh. Năm 2023 đạt gần 97.000 tỷ đồng và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng.
Dự phóng năm 2024, lần đầu tiên thu thuế thương mại điện tử sẽ vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.
Dẫu vậy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn tồn tại một thực tế buồn là mỗi năm doanh thu từ thương mại điện tử của những ông lớn như Google, Youtube, Facebook,…tại thị trường Việt Nam rất lớn, lên đến hàng tỷ USD nhưng lượng thuế họ nộp lại chưa tương xứng.
Không chỉ vậy, ông Thịnh cũng dẫn số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Trong khi đó, rõ ràng lượng thuế những hàng hóa này phải đóng là rất lớn. Bình quân mỗi ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách hiện tại đang không phù hợp.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, nhiều quốc gia khác đã điều chỉnh chính sách thuế đối với các mặt hàng có giá trị nhỏ. Ví dụ: EU đã bãi bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro không phải đóng thuế. Hay như Thái Lan, tất cả hàng hóa ra, vào đều phải chịu thuế suất 7%.
Với Việt Nam, năm 2010, Thủ tướng ban hành Quyết định 78 giảm tải thủ tục thông qua theo hướng không thu thuế đối với những món hàng nhỏ dưới 1 triệu đồng.
"Nhưng đến bây giờ đã là thời đại khác, kinh tế số chỉ cần 1 giây là có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó", ông Thịnh nhấn mạnh.
Do đó, để quản lý được thương mại điện tử thì cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn. Mục đích không chỉ thu thuế mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quản lý còn khó khăn nhưng sẽ dần đi vào nề nếp
Mặt khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc làm sao thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động thương mại điện tử vẫn đang là khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu…
“Lĩnh vực thương mại điện tử phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua và thời gian tới lĩnh vực này tiếp tục phát triển nhanh và đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên việc quản lý nó cũng là một vấn đề chứa đựng nhiều khó khăn, phức tạp”, ông Thịnh nêu rõ.
Quản lý còn khó khăn nhưng sẽ dần đi vào nề nếp. |
Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã có sự thay đổi cũng như đã có sự tích hợp, kết hợp với nhau. Tuy nhiên việc này phải làm dần dần để hoàn thiện, bởi bản chất vấn đề là làm sao chúng ta phải xây dựng được cơ sở dữ liệu và sự kết nối giữa các bộ, ban, ngành một cách tốt nhất.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc xuất hoá đơn điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia kể cả trên hoạt động thương mại điện tử lẫn trong hoạt động truyền thống, đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hoá đơn để có thể khiếu nại, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động thương mại điện tử tốt nhất.
“Quản lý thương mại điện tử là quản lý số, chúng ta phải số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động thương mại điện tử, lúc đó mới đem lại hiệu quả”, ông Thịnh nói.
Với quyết tâm và sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành có liên quan, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thì hoạt động thương mại điện tử sẽ dần đi vào nền nếp, việc thu thuế cũng như tính toán doanh thu và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn.
>>Phát hiện hơn 125.000 website giả mạo doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử lừa đảo người dùng
TỔNG THUẬT: Tọa đàm về 'Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử'
Tọa đàm về 'Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử'