500 tỷ phú giàu nhất thế giới đã mất 1.400 tỷ USD như thế nào trong năm qua?

31-12-2022 07:38|Huyền Anh

Top 500 người những người giàu nhất thế giới đã mất gần 1.400 tỷ USD trong năm nay, theo Bloomberg Billionaires Index.

2022 là một năm xảy ra nhiều biến động với nền kinh tế toàn cầu. Có rất nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra với các tỷ phú trong năm nay, chẳng hạn như xung đột tại Ukraine, sự sụp đổ của sàn FTX cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, áp lực từ lạm phát,… đã kéo khối tài sản ròng của nhiều tỷ phú xuống mức thấp hơn nhiều so với năm 2021.

Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của 500 người giàu nhất thế giới giảm tới 1.400 tỷ USD năm nay. Chỉ tính riêng 4 tỷ phú mất nhiều tiền nhất năm 2022, gồm Elon Musk, Jeff Bezos, Changpeng Zhao và Mark Zuckerberg, cũng đã chứng kiến khoảng 392 tỷ USD bị thổi bay khỏi giá trị khối tài sản ròng của họ.

Tuy nhiên, không phải tất cả thông tin đều tiêu cực. Vẫn còn đó một số thông tin nổi bật, chẳng hạn như việc tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani trở thành người châu Á đầu tiên lọt top ba người giàu nhất hành tinh hay việc một số gia tộc như Kochs và Mars chứng kiến khối tài sản ròng tăng lên.

tai-san-cua-cac-ty-phu-the-gioi.jpg
500 người giàu nhất hành tinh đã mất gần 1.400 tỷ USD trong năm 2022.

Dưới đây là đánh giá hàng tháng về dữ liệu và câu chuyện xác định một năm đầy biến động đối với các tỷ phú trên thế giới, theo Bloomberg.

Tháng 1: Cảnh báo

Musk, người giàu nhất thế giới vào thời điểm đó, đã mất 25,8 tỷ USD vào ngày 27/1 sau khi Tesla Inc. cảnh báo về những thách thức liên quan tới nguồn cung. Đây là mức giảm lớn thứ 4 trong một ngày trong lịch sử theo dõi của Bloomberg Billionaires Index, qua đó đưa ra cảnh báo về một năm đầu khó khăn của Elon Musk.

Tháng 2: Thời điểm khó khăn của giới tài phiệt Nga

Những người giàu nhất nước Nga đã mất tổng cộng 46,6 tỷ USD vào ngày 24/2, thời điểm Nga mở “chiến dịch đặc biệt” nhắm vào Ukraine. Trong một thời gian ngắn, các nhà chức trách ở Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Mỹ đã đưa ra các lệnh trừng phạt nhắm vào giới tài phiệt của Nga và các công ty của họ.

Điều này đã khiến các ông trùm kinh doanh gần như không thể tiếp tục kiểm soát tài sản của họ ở phương Tây. Tổng giá trị khối tài sản ròng của những người giàu nhất nước Nga sau đó tiếp tục giảm thêm 47 tỷ USD khi cuộc chiến tại Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết.

Tháng 3: Giới tỷ phú Trung Quốc lao dốc

Các thị trường của Trung Quốc ngày càng đi xuống, khiến khối tài sản ròng của những người giàu nhất nước này mất đi 64,6 tỷ USD vào ngày 14/3. Đến nay, họ đã mất thêm 164 tỷ USD nữa, do các chính sách phong tỏa chống dịch, thị trường bất động sản đi xuống, lĩnh vực công nghệ bị siết quản lý và căng thẳng thương mại với Mỹ.

Tháng 4: Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk được thông qua

elon-musk-twitter.jpeg.jpg
Elon Musk đã phải bán cổ phiếu Tesla để mua lại mạng xã hội Twitter.

Ngay sau khi tiết lộ sở hữu 9,1% cổ phần của Twitter, Musk đã đề nghị mua lại công ty vào ngày 14/4 với gói thầu trị giá 44 tỷ USD. Đó là một mức giá cao, ngay cả đối với người giàu nhất thế giới khi đó.

Để có tiền mua Twitter, ban đầu Elon Musk dự định vay hàng tỷ USD, bán cổ phiếu Tesla và huy động 21 tỷ USD tiền mặt. Sau đó, thị trường có những diễn biến xấu đi, khiến Elon Musk bắt đầu nghĩ cách “quay xe”.

Cuối cùng, Elon Musk đã phải hoàn tất thương vụ vào tháng 10 để tránh một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Vào thời điểm thỏa thuận hoàn tất vào tháng 10, giá trị tài sản ròng của Musk đã giảm 39 tỷ USD so với khi ông đưa ra lời đề nghị ban đầu.

Tháng 5: Thời điểm bận rộn của tỷ phú Todd Boehly và Chelsea.

Một nhóm do tỷ phú Mỹ Todd Boehly đứng đầu đã thành công trong việc mua lại CLB Chelsea từ tỷ phú Nga Roman Abramovich với giá 4,25 tỷ bảng Anh (5,25 tỷ USD).

Đó là mức giá cao nhất từng được trả cho một CLB thể thao, vượt qua quá trình kéo dài hai tháng, thu hút hơn 100 nhà thầu trên khắp nơi trên thế giới, bao gồm tỷ phú người Anh Jim Ratcliffe, đồng sáng lập Apollo Global Management Josh Harris,…

Số tiền thu được từ việc bán CLB Chelsea, bao gồm cả khoản nợ 1,6 tỷ bảng Anh mà tỷ phú Nga Roman Abramovich đã miễn đối với Chelsea, được dành cho tổ chức từ thiện mang lại lợi ích cho Ukraine.

Tháng 6: Gia tộc Walton sở hữu Broncos

Rob Walton, người thừa kế tài sản của đế chế Walmart, đồng ý mua Denver Broncos với giá 4,65 tỷ USD, lập kỷ lục cho một CLB thể thao tại Mỹ và nhấn mạnh sức hấp dẫn lâu dài của việc sở hữu nhượng quyền thương mại tại NFL.

Tháng 7: Các tỷ phú bất động sản Trung Quốc bên bờ vực sụp đổ

Yang Huiyan mất danh hiệu người phụ nữ giàu nhất châu Á sau khi giá trị khối tài sản ròng của bà giảm hơn một nửa trong 7 tháng đầu năm khi cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Country Garden Holdings, nhà phát triển mà Yang được thừa kế từ cha mình vào năm 2005, đã hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường nhà đất Trung Quốc trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong hai năm qua đã khiến giá cổ phiếu Country Garden và hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty gặp nhiều khó khăn, qua đó trực tiếp ảnh hưởng tới giá trị khối tài sản ròng của bà Yang.

Tháng 8: Tỷ phú Gautam Adani lọt top 3 người giàu nhất hành tinh

ty-phu-adani.jpg
Tỷ phú Gautam Adani trở thành người kiếm nhiều tiền nhất năm 2022 khi có thêm hơn 55 tỷ USD.

Cuộc xung đột tại Ukraine mở ra một thời kỳ tươi sáng cho các ông trùm ngành nhiên liệu, trong đó đặc biệt phải kể tới tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani. Tỷ phú Ấn Độ đã mở rộng đế chế của mình nhanh chóng, vượt qua Bill Gates và Bernard Arnault để trở thành người giàu thứ ba thế giới vào cuối tháng 8.

Điều này đánh dấu lần đầu tiên châu Á có một tỷ phú lọt vào top 3 người giàu nhất thế giới. Bước sang tháng 9, tỷ phú này từng có thời điểm vượt qua cả cựu CEO Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới.

Năm 2022, tỷ phú người Ấn Độ đã trở thành người kiếm nhiều tiền nhất thế giới. Hiện tại, khối tài sản ròng của ông đang là gần 134 tỷ USD.

Tháng 9: Tài sản ròng của Mark Zuckerberg “bốc hơi” hàng chục tỷ USD

Dù các tỷ phú công nghệ năm nay đều mất tiền, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg thiệt hại nặng nhất. Đến giữa tháng 9, tài sản của anh giảm tới 71 tỷ USD so với tháng 1, chủ yếu do chiến lược chuyển hướng sang metaverse (vũ trụ ảo) tốn kém của Meta Platforms và ngành công nghệ nói chung đi xuống sau đại dịch. Zuckerberg năm nay tụt 19 bậc trong bảng xếp hạng người giàu của Bloomberg. Hiện tại, anh đứng thứ 25 – vị trí thấp nhất kể từ năm 2014.

Tháng 10: Các tỷ phú kiếm nhiều tiền trong đại dịch sụp đổ

Những người kiếm tiền nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch bắt đầu chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của họ lao dốc. Những ông trùm đã kiếm được khối tài sản khổng lồ từ vắc xin (Stephane Bancel của Moderna), ô tô đã qua sử dụng (Ernie Garcia II và Ernie Garcia III của Carvana), mua sắm trực tuyến (Coupang's Bom Kim) và tất nhiên là cả ứng dụng Zoom (Eric Yuan) là những ví dụ tiêu biểu.

58 tỷ phú chứng kiến giá trị khối tài sản ròng tăng lên với tốc độ chóng mặt từ những ngành công nghiệp bùng nổ thời đại dịch như vậy đã chứng kiến ​​giá trị tài sản ròng của họ giảm trung bình 58% so với mức đỉnh.

Tháng 11: Sự sụp đổ của sàn FTX

su-sup-do-cua-san-ftx.jpg
Sự sụp đổ của sàn FTX đã khiến nhiều tỷ tiền số phú lao đao.

Sàn giao dịch tiền điện tử FTX của Bankman-Fried sụp đổ là sự kiện đáng chú ý nhất trong tháng 11. Khối tài sản ròng trị giá 16 tỷ USD của người đàn ông 30 tuổi bị xóa sạch trong vòng chưa đầy một tuần. Vào thời kỳ đỉnh cao, giá trị khối tài sản ròng của ông được định giá 26 tỷ USD.

Không chỉ Sam Bankman-Fried, nhiều tỷ phú tiền số khác đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm mạnh trong năm nay. CEO Binance Changpeng Zhao đã chứng kiến ​​giá trị khối tài sản ròng của mình giảm khoảng 84 tỷ USD trong năm nay, trong khi các tỷ phú tiền điện tử khác như Cameron và Tyler Winklevoss, Michael Novogratz và Brian Armstrong cũng tìm cách tránh xa sự sụp đổ của FTX.

Tháng 12: Ngôi vị giàu nhất thế giới đổi chủ

Vị trí người giàu nhất thế giới được tỷ phú Elon Musk nắm giữ trong nhiều năm đã bị soán ngôi bởi ông chủ đế chế xa xỉ LVMH Bernard Arnault. Dù giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú người Pháp cũng giảm khoảng 16 tỷ USD trong năm nay, nhưng con số này vẫn tốt hơn nhiều so với mức giảm 138 tỷ USD của Elon Musk. Hiện tại, Arnault sở hữu 165 tỷ USD, còn Musk có 138 tỷ USD.

Bất ngờ với khối tài sản của Chủ tịch Hóa chất Đức Giang (DGC) Đào Hữu Huyền

‘Ông trùm’ tiền điện tử chi 6,2 triệu USD mua... một quả chuối

Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/500-ty-phu-giau-nhat-the-gioi-da-mat-1400-ty-usd-nhu-the-nao-trong-nam-qua-164440.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    500 tỷ phú giàu nhất thế giới đã mất 1.400 tỷ USD như thế nào trong năm qua?
    POWERED BY ONECMS & INTECH