Doanh nghiệp thép không hoàn toàn có lỗi trong cú sốc thua lỗ quý 3 vừa qua. Tuy nhiên, bài toán kinh doanh, mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường luôn phải đánh cược với rủi ro và biến cố.
Cách đây 6 năm, tại ĐHCĐ bất thường CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã HSG - HOSE) hồi tháng 9/2016, trong khuôn khổ lấy ý kiến cổ đông về dự án Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD và tạo ra 16 triệu tấn thép mỗi năm), Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ từng có phát ngôn gây chú ý cho toàn bộ khán phòng đại hội: "Nhìn Hòa Phát vừa rồi (quý 2/2016) lời đến 2.000 tỷ đồng, 80% là từ thép thì ngu gì không làm".
Thế nhưng, dự án Cà Ná của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã không thể được thực hiện. Cuối năm 2016, dự án Cà Ná được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035 nhưng sau đó bị loại bỏ.
Giữa năm 2017, Thủ tướng cũng yêu cầu tạm dừng dự án để tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, đồng thời làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị.
Và... đến năm 2020, Hoa Sen đã chính thức rút khỏi dự án, sau khi chuyển nhượng 100% vốn góp/cổ phần tại 2 công ty con quản lý dự án Cà Ná.
Thực tế, ngành thép từ đầu năm 2022 đến nay đang trải qua những khó khăn chưa từng thấy. Thậm chí ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng từng lên tiếng cảnh báo sự "thê thảm" về tình hình kinh doanh của nhóm này trong khuôn khổ ĐHCĐ thường niên hồi tháng 2/2022.
Sau sự đi xuống trong quý 2, mùa báo cáo tài chính quý 3 sắp qua đi đã để lại cho ngành thép hàng loạt khoản lỗ khủng trong đó: Hòa Phát lỗ gần 1.800 tỷ đồng, Pomina lỗ 716 tỷ đồng, VNSteel lỗ 535 tỷ đồng, Nam Kim lỗ 419 tỷ đồng, SMC lỗ 188 tỷ đồng, Vicasa lỗ 24 tỷ đồng, Thủ Đức lỗ 23 tỷ đồng, Tisco lỗ 23 tỷ đồng, HMC lỗ 15 tỷ đồng và Hoa Sen cũng lỗ tới 887 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp trong số này thậm chí đã ghi nhận lần đầu báo lỗ hoặc tái lỗ sau nhiều năm thắng lợi.
Trong khi đó, dù vẫn có một số doanh nghiệp báo lãi nhưng con số lợi nhuận tạo ra chỉ "như muối bỏ bể" so với thực trạng chung.
Chỉ tính riêng 6 ông lớn ngành thép trong quý này, tổng mức lỗ ròng được ghi nhận đã lên tới 4.500 tỷ. Ước tính, tổng lợi nhuận quý 3/2022 của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán có thể âm đến 4.700 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Theo đó, nếu so với mức đỉnh lịch sử hồi quý 2/2021, lợi nhuận toàn ngành thép ước giảm gần 19.000 tỷ trong quý này.
Với riêng Tập đoàn Hoa Sen, việc kinh doanh dưới giá vốn (8.170 tỷ đồng) khiến tập đoàn lỗ gộp hơn 230 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Trong kỳ, HSG ghi nhận doanh thu tài chính giảm 35 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Các khoản chi phí hoạt động như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm so với cùng kỳ 111,5 tỷ - 662 tỷ - 104 tỷ song Tập đoàn của Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ vẫn lỗ ròng gần 900 tỷ đồng trong quý cuối niên độ 2021 - 2022 này.
Đáng nói, đây cũng là quý đầu tập đoàn này báo lỗ kể từ mức lỗ 102 tỷ đồng trong quý 4/2018 (từ 1/7 - 30/9/2018).
Trở lại với phát ngôn của ông Lê Phước Vũ 6 năm về trước, xét trên góc độ quý 3/2022, có thể nói thật may khi Hoa Sen không vấp vào dự án Thép Cà Ná bởi nếu siêu dự án này được triển khai, con số thua lỗ của Hoa Sen trong quý 3 có thể sẽ không dừng ở mức gần 900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nói như vậy đôi khi là không hoàn toàn chính xác bởi biến cố xung đột Nga - Ukraine dẫn đến đình đốn thương mại và gia tăng lạm phát trên toàn cầu là không thể dự báo trước. Biến cố dịch COVID-19 cũng là không thể dự báo trước... Và ngành thép có thể vẫn sẽ hưng vượng nếu như không có những biến cổ này.
Hòa Phát đã không lỗ kể từ năm 2009 cho tới con số âm gần 1.900 tỷ trong quý 3 vừa qua; Hoa Sen kể từ mức lỗ trăm tỷ hồi quý 3/2018 cũng đã ghi nhận mức lãi tăng gần 28 lần (từ mức 61 tỷ trong quý 4/2018 lên mức đỉnh lịch sử 1.702 tỷ hồi quý 2/2021).
Điều đáng nói ở chỗ, việc các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản suất luôn đem đến nguồn ngân sách lớn cho Nhà nước và chỉ một quý thua lỗ là không đủ để khẳng định rằng Hòa Phát - Hoa Sen hay các doanh nghiệp cùng ngành "gặp may" hay "xui" với các dự án/siêu dự án hay với các nhà máy - công xưởng,... của mình.
Dự án Cà Ná không có lỗi... và doanh nghiệp thép không hoàn toàn có lỗi. Tuy nhiên, bài toán kinh doanh, mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường luôn phải đánh cược với rủi ro và biến cố. Và việc tồn kho của cả HPG, HSG,... vẫn ở mức "khổng lồ" cùng sự "phát tướng" của các khoản trích lập dự phòng giảm giá hay lỗ tỷ giá trong quý vừa qua là những thứ các ông lớn này phải đánh đổi và phải bằng lòng.
Quý 3/2022, tồn kho của Hòa Phát giảm từ trên 58.000 tỷ về còn 44,779 song khoản trích lập dự phòng tiếp tục tăng mạnh lên 900 tỷ đồng.
Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận giá trị tồn kho tăng lên mức 12.344 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng giảm giá gần 160 tỷ.
Thời gian qua, báo chí, các chuyên gia đã nói nhiều đến những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm thép ở nhiều góc độ như thị trường bất động sản gặp khó trước áp lực siết dòng tín dụng gây ảnh hưởng đến tiến độ các công trình; xung đột tại Nga - Ukraine khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sâu và giá thép đi xuống (trong khi giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao và giá than vẫn chưa hạ nhiệt).
Những yếu tố này đã khiến lượng cung của ngành thép vượt xa so với lượng cầu dẫn tới tồn kho ngành thép tăng cao. Chính vì thế, thời gian gần đây nhiều nhà máy thép trong nước đã bắt đầu cắt giảm sản lượng cho công nhân làm việc luân phiên.
Đến khi nào doanh nghiệp thép trở lại đỉnh cao hiện vẫn đang là dấu hỏi lớn. Song có một thực tế là không ít nhà đầu tư đã phần nào vơi đi ấn tượng tốt về các ông lớn và những cổ phiếu thép đầu ngành.
Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế