Vĩ mô

7 sự kiện và vấn đề nổi bật của ô tô Việt Nam năm 2023

Hoàng Hiệp 31/12/2023 - 15:14

Ô tô Việt Nam năm 2023 gặp khá nhiều khó khăn khi sức mua đi xuống dù giá xe liên tục giảm. Tuy vậy, chúng ta vẫn có những dấu mốc và điểm nhấn đáng chú ý, ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Dưới đây là 7 sự kiện và vấn đề nổi bật trong năm 2023 của ngành ô tô Việt Nam theo ghi nhận của VietNamNet:

1. VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ

Ngày 15/8/2023, VinFast rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử của ngành ô tô Việt Nam, đồng thời cũng là dấu mốc lịch sử của thị trường vốn Việt Nam.

vinfast len san my.jpeg
Hình ảnh vui mừng của các lãnh đạo VinFast tại sàn chứng khoán Mỹ

VinFast trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ. Sau bước khởi động tiến sâu vào thị trường tài chính toàn cầu, VinFast liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ. Dù các mẫu xe điện của VinFast còn gặp nhiều thách thức trên sân ngoại nhưng cho đến thời điểm này, đây vẫn là doanh nghiệp duy nhất chạm được vào giấc mơ "đưa thương hiệu ô tô Việt đi ra thế giới" mà hơn 30 năm qua, ngành ô tô Việt Nam chỉ loay hoay với bài toán nội địa hóa và chưa bao giờ làm được.

2. Ô tô điện mini lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, khai mở phân khúc mới

Màn chào sân ngày 29/6/2023 của mẫu xe điện cỡ nhỏ giá rẻ Wuling HongGuang Mini EV do Công ty TMT Motors sản xuất, lắp ráp tại Hưng Yên có thể coi là một cột mốc đáng nhớ của thị trường ô tô Việt Nam năm 2023.

xe dien mini trung quoc wuling c.jpeg
Xe Wuling HongGuang mini EV lần đầu ra mắt Việt Nam do TMT Motor sản xuất tại Hưng Yên

Theo đó, sự xuất hiện của HongGuang mini EV đã chính thức khai mở phân khúc ô tô điện mini tại Việt Nam, một phân khúc hoàn toàn lạ vốn gây nhiều tranh cãi về tính khả thi, sự phù hợp với người dùng trong nước. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là mẫu xe điện mini duy nhất, có mức giá rẻ nhất trên thị trường. Tuyên bố của người đứng đầu TMT Motors là muốn mang tới một chiếc xe xanh giá rẻ nhằm thay thế xe máy cho người Việt Nam, đón đầu thực hiện lộ trình cấm xe máy trong đô thị của Hà Nội và TP. HCM cũng như lộ trình khai tử xe động cơ đốt trong của Chính phủ.

Wuling HongGuang Mini EV vốn là mẫu xe điện mini bán chạy nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022 do liên doanh ô tô Mỹ -Trung SAIC-GM-Wuling (SGMW) sản xuất. Khi mới ra mắt, chiếc xe từng gây sốt ở nhiều nước vì giá siêu rẻ. Dù vậy, ở thị trường Việt Nam, mẫu xe điện mini này sẽ khó thành công ấn tượng như ở Trung Quốc và đang gặp nhiều thách thức để có thể chiếm được lòng tin của người dùng.

3. Làn sóng ô tô Trung Quốc cấp tập vào Việt Nam, nhắm vào phân khúc xe sang

Sau Wuling HongGuang mini EV, một loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam, dồn dập ở nửa cuối năm 2023. Các tên tuổi chính thức đã làm lễ ra mắt người dùng Việt là Haval ngày 2/8/2023, Lynk & Co ngày 16/12/2023 và Haima ngày 17/12/2023.

W-haima-7x-10-1.jpg
Xe Haima 7x ra mắt lần đầu thị trường Việt Nam ngày 17/12/2023

Tuy nhiên, khác với Wuling HongGuang giá rẻ được lắp ráp trong nước, 3 thương hiệu trên đều ở dạng nhập khẩu nguyên chiếc và nhắm vào phân khúc hạng sang. Haval H6, Haima 7X-E hay Lynk & Co 09 đều có giá trên 1 tỷ đồng. Đây là mức giá khá cao và cần vượt qua tâm lý phổ biến của người dùng Việt Nam khi chọn ô tô Trung Quốc là phải rẻ.

Trước đó, hai thương hiệu ô tô nổi tiếng của Trung Quốc cũng đã vào Việt Nam như Beijing từ tháng 10/2020, Hongqi từ tháng 1/2022. Cũng trong năm 2023, kế hoạch xâm nhập thị trường Việt của hãng xe Trung Quốc Chery đã được công bố với việc ký hợp đồng nguyên tắc cùng với Geleximco xây dựng nhà máy ở Thái Bình. Ngoài ra, rất nhiều hãng xe khác từ nước bạn cũng đang âm thầm tìm hiểu thị trường ô tô Việt.

Hiện, các mẫu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam năm 2023 đã phủ đầy các phân khúc với các loại động cơ từ xe xăng, hybrid đến xe thuần điện.

4. Ô tô Cộng hòa Séc vào Việt Nam

Ngày 23/9/2023, thương hiệu Skoda của Cộng hòa Séc đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam thông qua sự hợp tác với TC Motor. Các mẫu xe Skoda ở giai đoạn này được nhập khẩu từ châu Âu, sau đó, tiến tới sản xuất lắp ráp tại nhà máy đang xây dựng ở Quảng Ninh.

W-skoda-kodiaq-2024-15-2.jpg
Xe Skoda Kodiq ra mắt lần đầu thị trường Việt Nam ngày 23/9/2023

Sự xuất hiện của Skoda mang tới làn gió mới cho thị trường ô tô trong nước năm 2023 bởi cho đến nay, đây là thương hiệu xe chính thức duy nhất ở Việt Nam có nguồn gốc từ nước Đông Âu, ban đầu thuộc sở hữu Nhà nước. Trong 10 năm qua, không thêm có thương hiệu xe châu Âu mới nào khác đến Việt Nam.

Trước đó, hầu hết các hãng xe phổ thông châu Âu vào Việt Nam từ rất sớm như BMW (Đức) năm 1992, Mercedes (Đức) năm 1995, Volkswagen (Đức) năm 2007, Peugoet (Pháp) năm 2013... Trong đó, Volkswagen vẫn chưa đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Skoda là thương hiệu ô tô lớn nhất Cộng hòa Séc và lâu đời thứ 5 trên thế giới với lịch sử 128 năm tuổi. Ban đầu, Skoda là doanh nghiệp Nhà nước, sau đó, được tư nhân hóa. Từ năm 1991, Skoda thuộc sở hữu của Tập đoàn Volkswagen.

5. Đấu giá biển số ô tô lần đầu tiên đi vào hiện thực sau 30 năm đề xuất

Ngày 15/9/2023, phiên đấu giá biển số ô tô trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam đã được tổ chức với danh sách 11 biển số siêu đẹp, siêu VIP, gây sốt trong cộng đồng. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực quản lý phương tiện của Nhà nước.

W-dau-gia-bien-so-1.jpg

Từ việc Nhà nước chỉ cấp biển số qua hình thức "bấm ngẫu nhiên" của người dân, coi việc mua bán biển số xe là hành động trái phép (Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008), từ đây, người dân có thể được mua biển số theo sở thích thông qua đấu giá. Thay vì phải mua bán "ngầm" trên thị trường thì nay, thông qua đấu giá, giao dịch này là hoạt động công khai theo quy định. Tiền trúng đấu giá được nộp về Ngân sách Nhà nước.

Trên thực tế, ý tưởng đấu giá biển số đã được Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đề xuất từ năm 1993. Trong vòng 30 năm, ý tưởng chính sách này được đưa ra 5 lần nhưng đều chưa thành hiện thực. Mãi đến cuối năm 2022, Quốc hội mới thông qua tại kỳ họp thứ 15 với Nghị quyết 73 về thí điểm đấu giá biển số, có hiệu lực từ 1/7/2023 và thời hạn thực hiện là 3 năm.

Đến nay, sau hơn 3 tháng thực hiện, đã có 232.183 biển số ô tô được lên sàn thu hút đông đảo người dân tham gia. Hàng nghìn biển số đẹp trúng giá với mức giá hàng trăm triệu đến hơn chục tỷ đồng, đóng góp cho Ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

6. Giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe trong nước

Kể từ sau đại dịch Covid-19, chính sách giảm phí trước bạ ô tô nhằm kích cầu thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ô tô vẫn được Chính phủ áp dụng liên tục. Theo đó, từ 1/7- 31/12/2023, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tiếp tục được giảm 50% phí trước bạ (Nghị định 41/2023/NĐ-CP). Đây là lần giảm lệ phí trước bạ thứ 3 kể từ năm 2020 (Lần 1, áp dụng từ ngày 28/6-31/12/2020; lần 2 áp dụng từ 1/12/2021-31/5/2022). Nhờ đó, ô tô trong nước đã tăng trưởng mạnh với 5 tháng cuối năm liên tiếp có mức tăng trưởng dương, chốt tháng 12 là tháng có sản lượng cao nhất trong năm.

Dù vậy, tính chung cả năm 2023, tổng sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ ước đạt 347.400 chiếc, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu xe trong nước đã tăng mạnh, chiếm 74,7%, ô tô nhập khẩu chỉ còn chiếm 25,3% tổng sản lượng xe mới trong năm.

Ước tính, ở lần giảm phí trước bạ này, Ngân sách Nhà nước hụt thu 9.000 tỷ đồng (hai đợt giảm trước, Ngân sách Nhà nước giảm 16.000 tỷ đồng).

Cũng nhờ cú hích của Nhà nước, các mẫu ô tô nhập khẩu cũng liên tục được các hãng giảm tiếp 50% phí trước bạ còn lại, góp phần kéo giá xe lăn bánh giảm tới hàng trăm triệu đồng.

7. Giá ô tô liên tục giảm sập sàn

Dòng chảy chính của giá ô tô Việt Nam trong năm 2023 là cuộc đua giảm giá bán đến mức “kịch sàn” diễn ra ở nhiều phân khúc. Mức giảm mạnh nhất là các mẫu xe tồn VIN 2022. Tuy nhiên, không ít trường hợp xe mới ra mắt chỉ 1-2 tháng cũng đã được hãng giảm giá siêu hấp dẫn cho khách hàng.

mazda-cx-5.jpeg

Ghi nhận của VietNamNet trong năm 2023, thị trường luôn duy trì khoảng từ 20-25 mẫu xe áp dụng liên tục các gói như giảm, miễn phí trước bạ, miễn phí đăng ký xe, tặng phụ kiện và đặc biệt là tặng tiền mặt trực tiếp hoặc giảm giá niêm yết. Khoảng thời gian giảm sâu nhất là giai đoạn 2 tháng cuối năm. Cộng cả mức giảm phí trước bạ, các mức giảm giá ấn tượng tiêu biểu ở các hãng có thể kể đến như BMW 735i M Sport giảm 450 triệu đồng (tháng 10), Volkswagen Touareg Luxury giảm 400 triệu đồng (tháng 12), Subaru Forester 2.0 iL EyeSight giảm 280 triệu đồng (tháng 12), Haval H6 hybrid giảm 244 triệu đồng (tháng 10), Huyndai Tucson 2.0 Diesel giảm 191 triệu đồng (tháng 10), Nissan Navara giảm 140 triệu đồng (tháng 12)...

>> Bí mật đằng sau hành trình tạo ra thiết kế VF 7 của Torino Design


Đấu giá biển số chiều 29/12: Biển 'lộc phát' của Quảng Ninh giá gần 1,8 tỷ đồng

VinFast sắp 'trình làng' mẫu xe điện ý tưởng và công nghệ mới tại CES 2024

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/7-su-kien-va-van-de-noi-bat-cua-o-to-viet-nam-nam-2023-2232585.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    7 sự kiện và vấn đề nổi bật của ô tô Việt Nam năm 2023
    POWERED BY ONECMS & INTECH