Bất động sản

8 căn biệt thự bỏ hoang trên khu đất 4ha giữa TP: Từng là nơi ở của gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, tồn tại suốt gần một thế kỷ

Hải Đăng 08/05/2025 15:30

Nơi đây từng là nơi ở của vị đại gia nức tiếng Sài Thành xưa - một trong những "vua nhà đất" của Việt Nam thời Pháp thuộc.

Án ngữ tại giao lộ Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Trần Bình Trọng, gần ngã 6 Cộng Hòa là khu đất 3 mặt tiền rộng gần 4ha với 8 căn biệt thự bị bỏ hoang đã nhiều năm. Xung quanh khu đất và các căn biệt thự là cỏ mọc um tùm bịt kín lối đi.

Theo như ghi chép, nơi đây từng là nơi nghỉ ngơi của gia đình đại gia nức tiếng Sài Gòn vào thế kỷ XIX- Hứa Bổn Hòa (Hui Bon Hoa hay còn gọi là chú Hỏa). Ông Hỏa (sinh năm 1854) được mệnh danh là "vua nhà đất" Sài Gòn xưa.

>> Sân bay được xây dựng từ thời Pháp thuộc ở hòn đảo lọt TOP đẹp nhất hành tinh tại Việt Nam sắp được lên đời

8 căn biệt thự bỏ hoang trên khu đất 4ha giữa TP: Từng là nơi ở của gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, tồn tại suốt gần một thế kỷ- Ảnh 1.
Toàn cảnh khu đất có 8 căn biệt thự bỏ hoang giữa lòng TP. Ảnh: Báo Dân Trí

Vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, khu vực nay là đại lộ Lý Thái Tổ từng nằm ở rìa trung tâm Sài Gòn, cách chợ Bến Thành hơn 2km. Khi ấy, tuyến đường còn vắng vẻ, ít người qua lại, chỉ có ba làn xe và điều kiện hạ tầng hết sức sơ sài: đến tận năm 1952, nơi đây vẫn chưa có điện lưới hay hệ thống cấp nước máy. Khu dân cư chủ yếu là nhà trệt đơn sơ, lợp mái ngói âm dương hoặc tôn, vách làm bằng tường gạch, ván hoặc tôn ghép tạm.

Qua thời gian, dân cư từ nhiều nơi đổ về lập nghiệp khiến diện mạo khu vực thay đổi dần, các tuyến đường lân cận trở nên sầm uất hơn. Tuy nhiên, nổi bật giữa vùng đô thị phát triển này vẫn là cụm tám biệt thự nằm trên khu đất rộng hơn 3,7ha – một dấu tích kiến trúc mang đậm hơi thở châu Âu thời thuộc địa.

8 căn biệt thự bỏ hoang trên khu đất 4ha giữa TP: Từng là nơi ở của gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, tồn tại suốt gần một thế kỷ- Ảnh 2.
Cỏ dại mọc um tùm xung quanh. Ảnh: Báo VnExpress

Được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp nhưng có sự cải biến để phù hợp với khí hậu nhiệt đới, các biệt thự tại đây sử dụng vật liệu hiện đại thời bấy giờ như đá rửa cho mặt tiền thay thế tường tô vôi truyền thống.

Thiết kế của các kiến trúc sư Pháp cũng đặc biệt chú trọng đến khả năng chống nắng và thông gió, với các yếu tố như mái đón, ban công rộng, sân thượng, hiên nhà và khu vườn cây xanh. Mỗi biệt thự đều mang dáng dấp của mô hình nhà ở đơn lập điển hình, phản ánh xu hướng phát triển kiến trúc Sài Gòn trước năm 1975.

8 căn biệt thự bỏ hoang trên khu đất 4ha giữa TP: Từng là nơi ở của gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, tồn tại suốt gần một thế kỷ- Ảnh 3.
Khu biệt thự này từng được đánh giá là mắt xích trong chuỗi không gian xanh thấp tầng kéo dài từ Thị Nghè (Thảo Cầm Viên) qua đường Lê Duẩn, đến Dinh Độc Lập, chạy dọc Nguyễn Thị Minh Khai và kết nối tới đường Lý Thái Tổ. Ảnh: Báo VnExpress

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu từng nhận định khu biệt thự này chính là mắt xích trong chuỗi không gian xanh thấp tầng kéo dài từ Thị Nghè (Thảo Cầm Viên) qua đường Lê Duẩn, đến Dinh Độc Lập, chạy dọc Nguyễn Thị Minh Khai và kết nối tới đường Lý Thái Tổ một ý tưởng quy hoạch theo địa hình tự nhiên và có tính toán khí hậu. Người Pháp khi xây dựng Sài Gòn đã chủ trương mở rộng thành phố về hướng Đông, theo triết lý phong thủy phương Đông, đồng thời tạo một trục cây xanh đệm nhằm dẫn gió biển từ phía Vũng Tàu thổi vào nội đô, giúp điều hòa không khí cho khu vực tiếp giáp giữa Sài Gòn và Chợ Lớn.

Ban đầu, khu biệt thự được xây dựng làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình đại phú Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa). Tuy nhiên, từ năm 1954, toàn bộ cụm biệt thự đã được trưng dụng làm nơi làm việc và cư trú của Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến – cơ quan quốc tế được thành lập theo Hiệp định Genève cùng năm, nhằm giám sát lệnh ngừng bắn ở ba nước Đông Dương. Ủy hội này bao gồm đại diện từ Ấn Độ, Ba Lan và Canada.

8 căn biệt thự bỏ hoang trên khu đất 4ha giữa TP: Từng là nơi ở của gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, tồn tại suốt gần một thế kỷ- Ảnh 4.
Các căn biệt thự này được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp. Ảnh: Báo VnExpress

Đến năm 1955, chính quyền Đệ nhất Cộng hòa dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đổi tên đại lộ Hui Bon Hoa thành Lý Thái Tổ, và tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Các căn biệt thự bỏ hoang trên đã phần đều mang kiến trúc đơn lẻ, từng là kiến trúc tiêu biểu cho giai đoạn phát triển kiến trúc của Sài Gòn trước năm 1975. Theo ghi chép, một căn biệt thự trong số đã đã bị hư hỏng, chỉ còn lại 7 căn.

Sau 1975, những căn biệt thự này đã trở thành nhà khách Chính phủ, chịu sự quản lý của Bộ Ngoại giao, dùng để đón tiếp các đoàn khách cấp cao đến thăm và làm việc tại TP. HCM.

Theo ghi nhận trên báo Dân Trí, do bị bỏ hoang từ năm 2017, các công trình này hiện nay rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, khuôn viên, lối đi bị cây cối phủ kín cỏ mọc um tùm.

Vì không có người trông coi, bảo vệ nên khu vực cổng chính của khu biệt thự được trưng dụng làm bãi đỗ xe ô tô.

Trước tình trạng bỏ hoang lãng phí này, tại nhiều cuộc họp, người dân và cử tri TP. HCM đã không ít lần kiến nghị cần có giải pháp khai thác khu đất này một cách hiệu quả, đề xuất xây dựng trung tâm thương mại hay các công trình công cộng.

8 căn biệt thự bỏ hoang trên khu đất 4ha giữa TP: Từng là nơi ở của gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, tồn tại suốt gần một thế kỷ- Ảnh 5.
Hứa Bổn Hòa từng là gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, ông cũng được mệnh danh là "vua nhà đất" tại Sài Gòn xưa. Ảnh: Internet

Năm 2024, chính quyền TP. HCM và Bộ Ngoại giao đã thống nhất chuyển giao cụm biệt thự này cho TP quản lý.

Việc chính quyền TP.HCM và Bộ Ngoại giao thống nhất chuyển giao cụm biệt thự cổ về cho thành phố quản lý là bước đi quan trọng, mở ra cơ hội hồi sinh một khu đất từng mang dấu ấn lịch sử đặc biệt.

Theo quy hoạch, khu đất rộng gần 4ha này sẽ được phát triển thành một khu phức hợp trong tương lai, kỳ vọng không chỉ góp phần giải bài toán sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị, mà còn là cơ hội để hài hòa giữa giá trị kinh tế và yếu tố bảo tồn di sản.

Điều còn lại, chính là cách TP hiện thực hóa tầm nhìn ấy như thế nào, để nơi từng bị bỏ hoang không trở thành "vết tích" của sự lãng phí, mà là biểu tượng cho một giai đoạn đổi thay bền vững và có chiều sâu.

Trong các câu chuyện kể về gia tộc Hui Bon Hoa, người dân truyền tụng câu thành ngữ để gọi tên 4 người giàu nhất Sài Gòn và cả xứ Nam Kỳ xưa "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa".

Gia tộc Hui Bon Hoa – thường được biết đến với tên gọi Chú Hỏa là một trong những dòng họ giàu có và có ảnh hưởng lớn nhất tại Sài Gòn vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Người sáng lập, ông Huỳnh Văn Hoa (1845–1901), gốc Phúc Kiến, Trung Quốc, sang Việt Nam khoảng năm 1863 và nhập quốc tịch Pháp với tên Jean Baptiste Hui Bon Hoa.

Khởi nghiệp từ nghề thu mua ve chai, ông nhanh chóng phát triển thành một doanh nhân bất động sản lớn, sở hữu khoảng 20.000–30.000 căn nhà phố tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1925, gia đình thành lập Tổng công ty Bất động sản Hui Bon Hoa để quản lý khối tài sản này.

Gia tộc Hui Bon Hoa không chỉ nổi tiếng về sự giàu có tại Sài Gòn và Đông Dương mà còn để lại nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và văn hóa, như Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM (trước đây là dinh thự của gia đình), Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ và nhiều dãy nhà phố cổ tại trung tâm của TP.

>> Biệt thự ẩn mình hơn 100 năm tuổi bị bỏ hoang ở Long An: Dấu tích huy hoàng của nhị phú hào đất Cần Giuộc

Từ giờ, mức án phí trong tranh chấp đất đai thừa kế có thể lên đến hàng trăm triệu đồng

Đề xuất đầu tư 44.355 tỷ đồng làm cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum qua Măng Đen

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/8-can-biet-thu-bo-hoang-tren-khu-dat-4ha-giua-tp-tung-la-noi-o-cua-gia-toc-giau-bac-nhat-dong-duong-ton-tai-suot-gan-mot-the-ky-202250508111952341.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    8 căn biệt thự bỏ hoang trên khu đất 4ha giữa TP: Từng là nơi ở của gia tộc giàu bậc nhất Đông Dương, tồn tại suốt gần một thế kỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH