8 địa phương 'bội thu' từ du lịch với doanh thu đạt trên 1.000 tỷ dịp Tết Ất Tỵ, có nơi chạm ngưỡng 7.690 tỷ
Không chỉ tăng trưởng về lượng khách, doanh thu du lịch tại nhiều tỉnh, thành cũng ghi nhận kết quả ấn tượng.
Theo số liệu do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các địa phương công bố vào chiều 2/2 (mùng 5 Tết), trong dịp Tết vừa qua, ngành du lịch nội địa đón khoảng 12,5 triệu lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế cũng tăng trung bình 30%, nhờ tác động tích cực từ chính sách thị thực mới, quá trình tái cơ cấu thị trường và những nỗ lực quảng bá mạnh mẽ từ doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương.
Không chỉ tăng trưởng về lượng khách, doanh thu du lịch tại nhiều tỉnh, thành cũng ghi nhận kết quả ấn tượng. Nếu như năm 2024, chỉ TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng vượt mốc 1.000 tỷ đồng doanh thu, thì năm nay, con số này đã mở rộng lên 8 địa phương. Bên cạnh 3 thành phố lớn, 5 tỉnh thành cũng đạt doanh thu trên 1.000 tỷ gồm Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Ninh, Lào Cai và Ninh Bình.
TP. HCM tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu với doanh thu ước tính 7.690 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2024. Hà Nội xếp thứ hai, đạt 3.530 tỷ đồng, tăng gần 8%. Trong khi đó, Đà Nẵng đứng thứ ba với doanh thu 1.887 tỷ đồng, tăng hơn 19%. Lượng chuyến bay cũng tăng mạnh, với chuyến bay nội địa tăng 70% và chuyến bay quốc tế tăng 45%, góp phần thúc đẩy doanh thu du lịch thành phố.
Tết Ất Tỵ đánh dấu một mùa du lịch bội thu tại Kiên Giang, đặc biệt là Phú Quốc, nơi đóng góp gần 70% tổng lượng khách và doanh thu của tỉnh. Kiên Giang ghi nhận doanh thu 1.886 tỷ đồng, ngang bằng Đà Nẵng, đạt mức tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Phú Quốc thu hút đông đảo khách quốc tế, với mức chi tiêu và thời gian lưu trú cao. Trong giai đoạn cận Tết, hòn đảo này đón trung bình 38-40 chuyến bay quốc tế mỗi ngày, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch địa phương.
Quảng Ninh cũng ghi nhận bước nhảy vọt về doanh thu với con số 2.665 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Dù lượng khách đến tỉnh chỉ tăng 21%, đạt 969.000 lượt, nhưng mức chi tiêu bình quân cao đã giúp doanh thu du lịch tăng trưởng vượt bậc.
Tại Khánh Hòa, từ ngày 27/1 đến 1/2 (tức 28 Tết đến mùng 4 Tết), tỉnh đón 940.500 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, giúp công suất phòng trung bình đạt 82%, đặc biệt cao điểm từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Các khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Bắc bán đảo Cam Ranh ghi nhận công suất trên 90%, phản ánh nhu cầu lưu trú lớn. Tổng doanh thu toàn tỉnh đạt 1.356 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Lào Cai cũng có một mùa du lịch Tết khởi sắc với doanh thu đạt 1.342 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế đóng góp khoảng 126 tỷ đồng, còn khách nội địa chiếm phần lớn với 1.215 tỷ đồng. Ngoài Sa Pa – điểm đến chủ lực, các khu vực khác như thành phố Lào Cai, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát và huyện Bảo Yên cũng thu hút đông đảo du khách, góp phần vào sự tăng trưởng ấn tượng của tỉnh.
Ninh Bình ghi dấu ấn trong dịp Tết với doanh thu ước đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Công suất phòng trung bình toàn tỉnh dao động từ 80-85%, phản ánh nhu cầu lưu trú cao. Các điểm tham quan nổi bật như Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, khu sinh thái Tràng An, Tam Cốc và hang Múa tiếp tục là những điểm đến hút khách, góp phần tạo nên không khí du lịch sôi động đầu năm.
Bên cạnh các địa phương đạt doanh thu nghìn tỷ, nhiều tỉnh, thành khác cũng ghi nhận một kỳ nghỉ Tết khởi sắc. Thanh Hóa đón khoảng 675.000 lượt khách, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, với tổng doanh thu đạt 570 tỷ đồng, tăng 12,6%. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút hơn 860.000 lượt khách, tăng 27%, mang về doanh thu 560 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2024.
Bộ VHTTDL thông tin về tình hình du lịch dịp Tết Nguyên đán, nhận định về ngành trong năm 2025
Thành phố lớn nhất miền Bắc thu hơn 3.500 tỷ đồng từ du lịch trong dịp Tết Nguyên đán