ADB: Vì sao lạm phát giảm sâu nhưng các ngân hàng trung ương vẫn ‘giữ phanh’?
Lạm phát hạ nhiệt, kỳ vọng lãi suất giảm dâng cao. Nhưng theo ADB, “cuộc chơi tiền tệ” tại châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa thể bắt đầu sớm như nhiều người tưởng.
Báo cáo Asian Development Outlook – April 2025 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẽ nên bức tranh trái chiều về kinh tế vĩ mô khu vực châu Á – Thái Bình Dương: trong khi lạm phát đang dần lùi xa, thì chính sách tiền tệ lại chưa thể nới lỏng. “Việc nới lỏng chính sách tiền tệ cần được thực hiện từ từ và có kiểm soát” – ADB khuyến nghị.
Trái ngược với kỳ vọng của thị trường tài chính, ADB cho rằng các ngân hàng trung ương khu vực vẫn cần giữ nguyên “phanh tiền tệ” để tránh rủi ro lan rộng trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Những rủi ro từ thuế quan Mỹ, bất ổn địa chính trị và thị trường bất động sản Trung Quốc khiến không gian chính sách trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Lạm phát giảm mạnh, nhưng chưa đủ để cắt giảm lãi suất sớm
Theo báo cáo của ADB, tốc độ tăng giá tiêu dùng trung bình tại khu vực châu Á đang giảm nhanh: từ 3,3% năm 2023 xuống 2,6% năm 2024, tiếp tục giảm còn 2,3% trong năm 2025 và 2,2% vào năm 2026.
Xu hướng giảm này diễn ra trên diện rộng, nhờ giá năng lượng và lương thực toàn cầu hạ nhiệt, cũng như độ trễ của các chính sách tiền tệ thắt chặt trong giai đoạn 2022–2023. Tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, lạm phát hiện đã thấp hơn mức trung bình tiền đại dịch, cho phép các ngân hàng trung ương có điều kiện để nới lỏng chính sách.
![]() |
Cơ cấu đóng góp vào lạm phát tại châu Á đang phát triển (không bao gồm Trung Quốc), giai đoạn 2022–2025. Nguồn: Tính toán của chuyên gia ADB từ dữ liệu Haver Analytics, CEIC Data Company. |
Tuy nhiên, ADB nhấn mạnh rằng: “Chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng, nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến ban đầu”. Dù lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng lạm phát lõi – vốn phản ánh áp lực giá cả cơ bản – vẫn ở mức gần 2% trong quý I/2025, đặc biệt tại các nền kinh tế công nghệ cao như Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
Điều này phản ánh sức cầu nội địa vẫn mạnh và các yếu tố chi phí vẫn chưa hoàn toàn tiêu biến, buộc các ngân hàng trung ương phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
![]() |
Chênh lệch giữa lạm phát thực tế và mục tiêu của ngân hàng trung ương tại một số quốc gia châu Á, tính đến tháng 2/2025. Nguồn: CEIC Data Company; trích từ Báo cáo Asian Development Outlook – April 2025, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). |
Không chỉ vậy, sự khác biệt về chính sách giữa Mỹ và châu Á khiến việc điều chỉnh lãi suất trở nên nhạy cảm hơn. “Kỳ vọng lãi suất cao kéo dài tại Mỹ đang khiến nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á phải thận trọng để tránh chênh lệch lãi suất quá lớn gây bất ổn tỷ giá”, theo ADB.
Mức lãi suất chính sách tại nhiều nước dự kiến sẽ chỉ giảm nhẹ vào cuối năm 2025, chẳng hạn Indonesia và Philippines vẫn duy trì mức 6,0–6,5%, Ấn Độ ở khoảng 6,25%.
![]() |
Dự báo lãi suất điều hành đến cuối năm 2025 tại một số nền kinh tế châu Á. Nguồn: Focus Economics, CEIC Data Company; trích từ Báo cáo Asian Development Outlook – April 2025, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). |
Bẫy tài khóa và nợ công: rào cản gián tiếp với nới lỏng tiền tệ
Một trong những yếu tố khiến các ngân hàng trung ương dè dặt trong việc giảm lãi suất là tình trạng “bẫy tài khóa”. Theo ADB, nhiều quốc gia như Sri Lanka, Pakistan, Maldives và Ấn Độ đang chi trả lãi nợ công rất lớn – dao động từ 5% đến gần 9% GDP trong năm 2024.
Đây là mức cao vượt trội so với ngưỡng bền vững tài khóa thông thường (khoảng 3% GDP), khiến áp lực tài khóa không còn đủ chỗ để gánh đỡ nền kinh tế nếu có cú sốc xảy ra.
![]() |
Áp lực từ chi phí lãi vay đối với cân đối tài khóa tại các nền kinh tế châu Á, năm 2024. Nguồn: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cơ sở dữ liệu Asian Sovereign Debt Monitor. |
Cán cân ngân sách của các nước này cũng đang âm sâu, từ –5% đến –15% GDP, dẫn tới việc các chính phủ không thể triển khai các gói kích thích tài khóa mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng. Trong hoàn cảnh đó, gánh nặng ổn định vĩ mô bị dồn sang vai trò của chính sách tiền tệ. “Nếu các nước giảm lãi suất quá sớm, hệ quả có thể là mất ổn định tỷ giá, cán cân thanh toán xấu đi và rủi ro khủng hoảng thanh khoản trở nên hiện hữu”, ADB cảnh báo.
Bên cạnh đó, giá lương thực vẫn là yếu tố nhạy cảm nhất ảnh hưởng đến cảm nhận của người dân về lạm phát. Trong báo cáo, ADB chỉ rõ: “Tại một số quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, giá lương thực năm 2024 vẫn tăng hơn 9% so với cùng kỳ”. Những rủi ro không thể kiểm soát như thời tiết cực đoan, gián đoạn chuỗi cung ứng hay xung đột địa chính trị có thể đẩy giá thực phẩm tăng vọt trở lại, bóp nghẹt mọi nỗ lực giảm lãi suất.
Đáng chú ý, nhiều đồng nội tệ trong khu vực đã suy yếu kể từ tháng 10/2024 và đặc biệt sau ngày 2/4/2025 – thời điểm Mỹ công bố loạt thuế quan mới. Điều này càng củng cố lập luận rằng nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh, dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể tiếp tục rút ròng, gây áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Thuế quan Mỹ và bất ổn toàn cầu: 'liều thuốc thử' cho chính sách tiền tệ
Một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất hiện nay, theo ADB, là cú sốc thuế quan do Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ châu Á. “Nếu toàn bộ các biện pháp thuế được thực thi đầy đủ từ ngày 2/4, các nền kinh tế châu Á đang phát triển sẽ phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu của Mỹ lên tới gần 50%”, ADB cảnh báo. Cụ thể, Việt Nam có thể phải chịu mức thuế sau điều chỉnh khoảng 46% – một trong những mức cao nhất trong khu vực.
![]() |
Tác động tiềm tàng từ mức thuế bổ sung của Mỹ ngày 2/4/2025 đối với các nền kinh tế châu Á đang phát triển. Nguồn: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trích từ Asian Development Outlook – April 2025. |
Không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu, các mức thuế này còn tác động mạnh đến triển vọng tăng trưởng và chính sách tiền tệ. Theo ADB: “Việc Mỹ tăng thuế có thể gây áp lực lớn lên hoạt động xuất khẩu, từ đó làm suy giảm niềm tin doanh nghiệp và tăng rủi ro thị trường tài chính”. Thị trường chứng khoán khu vực đã giảm điểm mạnh từ đầu tháng 4/2025, trong khi dòng vốn đầu tư gián tiếp bị rút ròng liên tục kể từ tháng 10/2024.
Ngoài ra, các nước như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay Philippines đều đang ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của Mỹ – đặc biệt là đối với các mặt hàng điện tử, công nghệ cao và dệt may. “Điều này làm gia tăng tính dễ tổn thương của khu vực trước bất kỳ cú sốc nào đến từ kinh tế Mỹ”, ADB nhấn mạnh. Tình trạng “chính sách bất định” (policy uncertainty) từ chính quyền mới của Mỹ cũng khiến các doanh nghiệp trong khu vực dè dặt hơn trong kế hoạch đầu tư – làm giảm hiệu quả của chính sách nới lỏng tiền tệ nếu được triển khai.
Tóm lại, dù nền tảng kinh tế vĩ mô tại châu Á – Thái Bình Dương vẫn khá vững, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn chưa thể “nhả phanh” chính sách tiền tệ. “Việc nới lỏng cần được tiến hành một cách thận trọng, từng bước và có kiểm soát – đó là cách duy nhất để khu vực vững vàng vượt qua cơn sóng dữ”, ADB kết luận trong báo cáo.
Việt Nam sẽ tăng trưởng ra sao năm 2025? Dự báo mới nhất từ ADB
Chuyên gia ADB: Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực