AI của 'nhà' Vingroup: Từ ChatGPT phiên bản Việt đầu tiên đến trợ lý ảo linh hoạt như người thật
Bên cạnh VNPT AI, FPT AI, iCare AI, VietAI… thì VinBigdata đã đạt những thành quả vượt bậc trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo của McKinsey Global Institute, các quốc gia đang phát triển sẽ chi khoảng 600 tỷ USD cho AI vào năm 2030. Hãng nghiên cứu và tư vấn thị trường kỹ thuật số Gartner (Mỹ) cũng nhận định, 2024 tiếp tục sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ của AI. Gartner cho rằng, AI sẽ tạo ra 10% tổng số dữ liệu của thế giới vào năm 2025. Không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam cũng đang phát triển công nghệ này với những tên tuổi hàng đầu như VinBigdata, VNPT AI, FPT AI, iCare AI, VietAI…
VinBigdata, đơn vị phát triển AI hàng đầu, đã đạt được những thành tựu đáng kể với các sản phẩm tích hợp công nghệ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói như ViVi, ViChat, ViVoice, và ViBio. Những sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn khẳng định vị thế của VinBigdata trong lĩnh vực AI.
Sản phẩm nổi bật nhất của VinBigdata phải kể đến ViVi 2.0, trợ lý ảo thế hệ mới tích hợp công nghệ AI tạo sinh vượt trội. Sản phẩm này nổi bật với khả năng trả lời linh hoạt các câu hỏi về lịch sử, địa lý và tư vấn các quán ăn, điểm du lịch một cách tự nhiên, giống như người thật. Khả năng tương tác linh hoạt theo ngữ cảnh của ViVi 2.0 đã nhận được đánh giá cao từ người dùng và giới chuyên gia. "ViVi 2.0 tích hợp công nghệ AI tạo sinh khá ấn tượng.
Từ câu trả lời về lịch sử, địa lý tới tư vấn quán ăn, điểm du lịch đều không làm khó được ViVi, cách trả lời cũng linh hoạt, giống như người thật", anh Hoàng Linh, một khách hàng trải nghiệm ViVi 2.0, chia sẻ.
Bên cạnh ViVi, VinBigdata còn phát triển các sản phẩm AI khác như ViChat, ViVoice, và ViGPT, đều tích hợp công nghệ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiên tiến. Các sản phẩm này đang được triển khai tại hệ sinh thái Vingroup cùng nhiều doanh nghiệp và cơ quan chính phủ như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng ACB, và Lado Taxi. Các sản phẩm này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng trải nghiệm người dùng một cách nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả.
Chỉ sau sáu tháng ra mắt ViGPT - "ChatGPT phiên bản Việt" đầu tiên, VinBigdata đã công bố một nghiên cứu mới tại hội nghị Interspeech 2024. Nghiên cứu này đề xuất kiến trúc mới sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn để cải thiện hệ thống nhận dạng tiếng nói trong các điều kiện khó khăn như môi trường nhiều tạp âm, giọng vùng miền và từ hiếm. Thành tựu này giúp hệ thống của VinBigdata cải thiện tỷ lệ lỗi từ trung bình lên tới 30% so với hệ thống thông thường.
ViBio, sản phẩm sinh trắc học giọng nói của VinBigdata, đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 19795-1 và ISO 19795-2 của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST). Thuật toán của ViBio có độ chính xác vượt trội với tỷ lệ xác thực sai chỉ 0,00175% trên các mẫu giọng thu thập tại Việt Nam.
Với gần 100 công bố khoa học tại các tạp chí và hội nghị hàng đầu thế giới, VinBigdata tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực AI. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu công nghệ, củng cố cơ sở dữ liệu và phát triển các sản phẩm AI tiên tiến, nhằm góp phần vào công cuộc chuyển đổi số toàn diện của đất nước và khẳng định năng lực công nghệ Việt trên trường quốc tế", TS. Nguyễn Kim Anh, Giám đốc Sản phẩm VinBigdata, chia sẻ.