Doanh nghiệp

Amazon chỉ 'gõ' nhẹ, thêm một doanh nghiệp dệt may Việt Nam chìm trong thua lỗ buộc phải 'bán mình'

Hoàng Ngân 14/06/2024 - 11:27

Việc 'đặt cược' toàn bộ tương lai doanh nghiệp vào một đối tác có thể sẽ mang lại lợi nhuận lớn những cũng tiềm ẩn rủi ro khôn lường.

CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex, UPCoM: LGM) đã trải qua một năm đầy biến động khi toàn bộ Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát nộp đơn từ nhiệm, đón nhận nhóm cổ đông mới đến từ một công ty chỉ hai tháng tuổi.

Ngày 10/5, nhóm cổ đông lớn gồm 5 cá nhân, nắm giữ tổng cộng 72,67% vốn LGM, đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần. Cụ thể, bà Dư Nguyễn Khánh Linh chuyển nhượng gần 1,69 triệu cổ phiếu, ông Đỗ Văn Huy gần 1,66 triệu cổ phiếu, bà Bùi Thị Thủy Chung gần 1,34 triệu cổ phiếu và ông Nguyễn Hoàng Vi 696.000 cổ phiếu.

Công ty Hà Nam là đơn vị nhận chuyển nhượng số cổ phiếu này, nâng sở hữu lên 72,67% vốn LGM với giá trị thương vụ hơn 81 tỷ đồng. Đáng chú ý, Hà Nam mới được thành lập ngày 25/3/2024 và hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, có vốn điều lệ 90 tỷ đồng. Ông Đỗ Văn Huy, sinh năm 1992, là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của LGM đã chấp thuận cho Hà Nam sở hữu cổ phần mà không cần chào mua công khai, theo đề nghị của nhóm cổ đông lớn.

Giày da và May mặc Xuất khẩu LGM
CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu - Legamex

>> 'Đại gia' dệt may từng sa thải 4.000 nhân sự, nay rao bán tài sản không ai mua

Đầu năm nay, LGM đã miễn nhiệm toàn bộ các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát gồm ông Lê Xuân Khanh – Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Diễm My – Thành viên HĐQT, ông Phạm Ngọc Hiếu – Trưởng Ban kiểm soát, ông Lâm Thanh Xuân – Thành viên Ban kiểm soát và bà Tạ Thị Hồng Thắm – Thành viên Ban kiểm soát. Các cá nhân này đều có liên quan tại CTCP Dệt may Gia Định (Giditex), đơn vị đã thoái sạch vốn tại LGM vào đầu năm 2024.

Legamex đang phải đối mặt với khó khăn kinh doanh sau khi mất các đơn hàng gia công tủ vải cho Gilimex, một doanh nghiệp dệt may lớn khác. Gilimex đã khởi kiện Amazon Robotics LLC vào cuối năm 2022 vì vi phạm cam kết, gây khó khăn cho các bên liên đới như Garmex Sài Gòn và Legamex.

Cụ thể, vào tháng 4 và tháng 5/2022, Amazon đã thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó khiến Gilimex rơi vào tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Do đó, Gilimex đã tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Amazon. Trước đó, Amazon là khách hàng lớn nhất của Gilimex, năm 2021, tổng giá trị các đơn đặt hàng của Amazon tại GIL đạt khoảng 3.451 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu cả Gilimex vào khoảng 4.150 tỷ đồng. Năm 2023, lãi ròng của Gilimex tiếp tục giảm tới 92%, Garmex Sài Gòn đã phải cắt giảm gần hết nhân sự, bán đất đai tài sản để trang trải, Legamex cũng không khá hơn.

Sau khi hợp đồng tủ vải với với Gilimex bị cắt, Legamex đã chuyển hướng sang gia công các mặt hàng thời trang nhưng việc kinh doanh kém hiệu quả do năng suất thấp và doanh thu không đủ chi trả lương nhân viên.

Về kết quả kinh doanh của Legamex năm 2023, công ty này ghi nhận doanh thu chỉ hơn 31 tỷ đồng, giảm 76% so với năm trước và lỗ kỷ lục gần 63 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên trên 133 tỷ đồng. Trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 56,6 tỷ đồng nhưng dự kiến vẫn lỗ gần 41 tỷ đồng.

>> Một công ty dệt may hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận năm 2024, cổ phiếu tăng 37% từ đầu năm

NLG, RIC, SC5, VJC, DGT, LGM: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu

DXG, VJC, TL4, DTE, TV6, LGM, SJC: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/amazon-chi-go-nhe-them-mot-doanh-nghiep-det-may-viet-nam-chim-trong-thua-lo-buoc-phai-ban-minh-238626.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Amazon chỉ 'gõ' nhẹ, thêm một doanh nghiệp dệt may Việt Nam chìm trong thua lỗ buộc phải 'bán mình'
POWERED BY ONECMS & INTECH