Ấn Độ "chơi lớn" xây siêu cảng kết nối với EU, vùng Vịnh
Quốc gia Nam Á đã quyết định chi hàng tỷ USD để xây dựng một trong những cảng nước sâu lớn nhất thế giới và châu Á, nhằm kết nối nước này với châu Âu và khu vực Trung Đông.
Tờ South China Morning Post ngày 30/6 đưa tin, Ấn Độ đang đầu tư 9 tỷ USD để xây dựng một siêu cảng hàng đầu châu lục và thế giới, nhằm hỗ trợ đắc lực cho Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC), đóng vai trò cửa ngõ đối với Hành lang Vận tải Bắc - Nam quốc tế (INSTC).
Theo đó, siêu cảng mới này đang được xây dựng tại Vadhavan thuộc bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ. Đây được coi là một trong những cảng nước sâu lớn nhất thế giới và khủng nhất châu Á, nhằm kết nối Ấn Độ với châu Âu bằng các tuyến đường biển và đường sắt tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi, Jordan và Israel.
Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, siêu cảng Vadhavan là một phần không thể thiếu của hành lang IMEC cũng như đóng vai trò cửa ngõ đối với hành lang INSTC.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2036, cảng Vadhavan sẽ lọt danh sách 10 cảng lớn nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ tạo được khoảng 1,2 triệu việc làm và giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa đường dài.
Các nhà phân tích cho biết, hàng lang IMEC, được ra mắt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thủ đô New Delhi hồi tháng 9/2023, có tiềm năng định hình lại năng lực thương mại khu vực và thu hút sự hỗ trợ từ các quốc gia phương Tây.
Kế hoạch nhằm mục đích xây dựng một hành lang hậu cần liền mạch nối Ấn Độ với khu vực Nam Âu thông qua các cảng, đường sắt và đường bộ của UAE, Ả Rập Saudi, Jordan và Israel.
Một số chuyên gia quốc tế gần đây bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch thiết lập hành lang IMEC sẽ bị cản trở do chịu tác động từ cuộc xung đột Israel-Gaza.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Ấn Độ cho rằng căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông chỉ gây ra những khó khăn trong ngắn hạn đối với dự án hàng lang IMEC. Giáo sư quan hệ quốc tế Sreeradha Dutta tại Đại học Toàn cầu Jindal (Ấn Độ) cho biết: “Tôi tin bất ổn chính trị tại Trung Đông sẽ sớm chấm dứt. Tôi lạc quan về dự án hàng lang IMEC vì chính quyền Thủ tướng Modi đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn”.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích nhận định, hành lang IMEC phù hợp với nỗ lực của New Dehli nhằm thu hút các công ty toàn cầu như Apple và Tesla (Mỹ) tìm kiếm các giải pháp thay thế thị trường Trung Quốc. Việc Ấn Độ hiện thiếu các cảng nước sâu khiến dự án cảng Vadhavan trở thành sự bổ sung chiến lược cho các mục tiêu thúc đẩy đầu tư.
Thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ từng cho hay, nước này sẽ tận dụng hiệu quả những công nghệ hiện đại để tạo ra một cảng nước sâu thông minh, có khả năng xử lý linh hoạt các tàu thuyền lớn hoạt động trên các tuyến vận tải quốc tế giữa khu vực Viễn Đông, châu Âu, Tây Á, châu Phi và châu Mỹ.
Ấn Độ từ lâu nỗ lực phát triển các hành lang thương mại mới tới châu Âu, nhằm tránh sự phụ thuộc vào mạng lưới cảng do Trung Quốc điều phối trên khắp Nam Á và Trung Đông.
Theo giáo sư Dutta, siêu cảng mới ở Vadhavan có thể trở thành cửa ngõ thương mại nhộn nhịp của Ấn Độ với châu Âu và khu vực vùng Vịnh, hỗ trợ đắc lực cho hành lang IMEC.
Dự án IMEC cũng tích hợp chuỗi cung ứng để thúc đẩy sản xuất chung, phù hợp với kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế của các quốc gia vùng Vịnh.
“Ấn Độ đã đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047, chính vì vậy dự án hành lang IMEC và cảng Vadhavan “chắc chắn sẽ thành công dù phải đối mặt nhiều rào cản”- bà Dutta khẳng định.
Ấn Độ làm gì để trở thành quốc gia phát triển?
Bình Định sắp có trung tâm khoa học, công nghệ từ doanh nghiệp Ấn Độ