Ăn gà ủ muối có dễ bị nhiễm khuẩn?
Gà ủ muối là món ăn liền, không cần chế biến nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Gà ủ muối thực chất là gà được làm chín không phải bằng hơi nước, cũng không phải bằng cách luộc, nướng mà bằng sức nóng của hạt muối. Thịt gà ủ muối thường đậm đà, thơm, không quá mặn, màu sắc bắt mắt.
Khác với các loại gà sống, mua về phải tự giết thịt hoặc chế biến mất vài tiếng đồng hồ. Với gà ủ muối, khách có nhu cầu chỉ cần đặt hàng khoảng 15 đến 30 phút là có hàng. Gà ủ muối cũng thường được chặt làm 2 nửa, đóng trong túi hút chân không để ăn đến đâu bỏ ra đến đó nên rất tiện.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hầu hết các loại gà ủ muối hiện nay đều được đổ mối bán lẻ, giao hàng tận nơi và không có nhãn mác. Đặc biệt, gà ủ muối không cần chế biến lại mà có thể sử dụng ngay khiến người tiêu dùng dễ đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe.
Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong 100 g thịt gà chứa 199 calo, 20,3g protein, 4,3g chất béo và nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Thịt gà giàu phốt pho sẽ giúp hỗ trợ xương, răng phát triển, chắc, khỏe, phù hợp với người muốn giảm cân. Đây là món ăn dinh dưỡng và phổ biến trong bữa cơm gia đình Việt.
Tuy nhiên, gà là loại thực phẩm rất dễ nhiễm khuẩn nếu sản xuất không đúng quy trình. Chưa kể, việc bảo quản lạnh nếu không đủ nhiệt độ, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng dễ gây ra các hiện tượng ngộ độc. Về lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, gà ủ muối nếu được chế biến sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thì chỉ là thực phẩm bình thường, hơn nữa lại rất ngon lành nên mọi người có thể yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, khi ăn nên chọn lọc thật kỹ nguồn gốc sản phẩm.
Để đảm bảo an toàn, bạn cần chọn mua loại có nhãn mác hoặc biết rõ nguồn gốc, hạn sử dụng của sản phẩm. Sau khi bóc cần ăn ngay, không để lẫn với thịt sống. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Các cơ sở sản xuất nên tuân thủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bạn nên rửa tay sạch sẽ khi chế biến và ăn để tránh nhiễm khuẩn. Nếu có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, đau bụng quặn từng cơn, nôn ói là dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm. Một số trường hợp nặng có thể đi ngoài, xuất hiện máu ở trong phân, sốt cao cần đi viện kiểm tra.
>> Loại thịt có nhiều protein nhất, 2 lạng đủ nhu cầu cả ngày