2 trụ cột của siêu cường châu Á lao đao vì thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh
Nhật Bản phải đối mặt với sức ép bảo vệ ngành ô tô và nông nghiệp giữa lúc chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Thượng viện.
Một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Anh đang khiến giới chức Nhật Bản lo ngại, trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quan trọng và đối mặt với áp lực bảo vệ các ngành ô tô và nông nghiệp.
Phát biểu trên Đài truyền hình Fuji hôm 11/5, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhấn mạnh Tokyo sẽ theo đuổi mục tiêu dỡ bỏ thuế quan trong các cuộc đàm phán với Washington. Đề cập đến thỏa thuận Mỹ - Anh, ông gọi đây là "một mô hình" cho các thỏa thuận thương mại, nhưng khẳng định Nhật Bản hướng đến mức thuế "0%".
Theo thỏa thuận được công bố hôm 8/5, Mỹ sẽ giảm thuế đối với ô tô Anh, trong khi vẫn giữ mức thuế nhập khẩu cơ bản 10%. Đây là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi động lại đàm phán với các đối tác từng bị đe dọa áp thuế cao. Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực vào tháng 7, sau thời gian tạm hoãn 90 ngày.
Tổng thống Trump cho biết mức thuế 10% sẽ là cơ sở cho các thỏa thuận tương lai, trừ khi các quốc gia chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn trong thương mại.

Hiện tại, xuất khẩu ô tô Nhật Bản sang Mỹ đang chịu mức thuế 25%. Ngoài ra, một mức thuế "có đi có lại" 24% cũng có thể áp dụng cho một số mặt hàng khác từ Nhật Bản.
Chuyên gia Robert Ward, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Nhật Bản, nhận định rằng ô tô vẫn là một trong những vấn đề nan giải nhất trong đàm phán Tokyo - Washington. Ông lưu ý, Nhật Bản xuất khẩu hơn một triệu xe hơi sang Mỹ mỗi năm, trong khi ngành sản xuất ô tô và chuỗi cung ứng liên quan là trụ cột kinh tế đất nước.
Theo chuyên gia này, việc Anh chấp nhận mức thuế 10% cho 100.000 xe đầu tiên xuất sang Mỹ và thuế cao hơn sau đó đã làm dấy lên lo ngại tại Tokyo. "Điều này cho thấy Mỹ đang thiết lập một chuẩn mực thương mại mới khi đàm phán với các đối tác khác như Nhật Bản", ông nhận xét.
Chuyên gia Ward nhận định, thỏa thuận cuối cùng giữa Nhật Bản và Mỹ nhiều khả năng sẽ bao gồm một số nhượng bộ trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, cùng với việc Nhật Bản gia tăng đầu tư vào Mỹ. “Mối quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ quá quan trọng để Nhật Bản mạo hiểm bước vào một cuộc chiến thương mại,” ông nói, đồng thời lưu ý Nhật Bản là một trong những quốc gia nhập khẩu lớn các mặt hàng năng lượng và thực phẩm từ Mỹ.
Ông cảnh báo, bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng cũng có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng tê liệt, do nước này khó có thể nhanh chóng thay thế các mặt hàng từ Mỹ. “Việc thay thế sẽ mất thời gian, và trong ngắn hạn, Nhật Bản sẽ rất dễ tổn thương,” ông Ward cho biết.
Trong khi đó, giáo sư kinh tế Sayuri Shirai từ Đại học Keio nhận định, Mỹ và Anh dễ dàng đạt được thỏa thuận hơn nhiều vì cán cân thương mại song phương nghiêng về phía Mỹ, trong khi Anh chỉ xuất khẩu khoảng 100.000 ô tô sang thị trường này trong năm ngoái.
Bà cho rằng các sản phẩm nông nghiệp sẽ là một chủ đề "rất nhạy cảm về chính trị" trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7.
“Do nguồn cung gạo trong nước đang thiếu hụt và giá gạo tăng, Nhật Bản có thể sẽ mở rộng hạn ngạch nhập khẩu trong lĩnh vực này,” bà Shirai nhận định. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng mọi điều chỉnh cần được thiết kế thận trọng.
“Chính phủ Nhật Bản muốn bảo vệ nông dân trong nước vì tỷ lệ tự cung tự cấp về nông nghiệp còn thấp,” bà nói thêm. Tỷ lệ này phản ánh mức độ một quốc gia dựa vào sản xuất nội địa để đáp ứng nhu cầu trong nước — càng thấp, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu càng cao.

Hiện Nhật Bản nhập khẩu khoảng 770.000 tấn gạo mỗi năm từ Mỹ theo hạn ngạch tiếp cận tối thiểu và không chịu thuế. Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì chính sách hạn chế mở cửa thị trường gạo nhằm giữ giá ổn định và bảo vệ nông dân trong nước.
Bất chấp những lời kêu gọi tự do hóa thương mại, Tokyo vẫn thận trọng trước việc để gạo nước ngoài cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nội địa. Giá gạo trong nước gần đây tăng cao, một phần do thời tiết nắng nóng làm giảm năng suất mùa vụ, lượng du khách nước ngoài đạt mức kỷ lục, và tình trạng tích trữ của người dân vì lo ngại xảy ra trận động đất lớn dọc rãnh Nankai.
Giáo sư Sayuri Shirai cho biết, Nhật Bản cũng có thể sẽ tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ, nhưng những thỏa thuận như vậy cần thời gian vì thường được ký kết dưới dạng hợp đồng dài hạn.
Trong khi đó, giáo sư Stephen Nagy thuộc Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Nhật Bản nhận định Tokyo có “vốn chính trị” lớn hơn nhiều so với London khi đàm phán với Washington. “Nhật Bản là đồng minh quốc phòng chủ chốt của Mỹ trong khu vực giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng. Bên cạnh đó, nước này sở hữu năng lực công nghệ hàng đầu và nền kinh tế có quy mô gấp đôi nước Anh thời hậu Brexit,” ông nói.
Theo hiệp ước phòng thủ song phương, hơn 50.000 binh sĩ Mỹ hiện đang đóng quân tại Nhật Bản. Hồi tháng 3, Washington đã phê duyệt thỏa thuận trị giá 200 triệu USD nhằm cung cấp thiết bị và dịch vụ giúp Nhật Bản phát triển tên lửa siêu thanh — một phần trong chiến lược tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước
Giáo sư Stephen Nagy nhận định Tokyo tin rằng họ có thể đối phó với các chiến thuật thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump bằng cách dựa vào lợi thế so sánh, đặc biệt là để bảo vệ những ngành dễ tổn thương trong nền kinh tế. “Tokyo sẽ tận dụng những yếu tố này để lập luận và phản đối thuế quan cũng như áp lực mở cửa thị trường từ phía Washington,” ông nói.
Về phía Mỹ, Nagy cho rằng Tổng thống Trump có thể sử dụng các thỏa thuận xuất khẩu khí đốt và đầu tư từ Nhật Bản như một chiến thắng mang tính biểu tượng nhằm củng cố hình ảnh với những người ủng hộ phong trào "Make America Great Again" (MAGA).
Tuy nhiên, chuyên gia Robert Ward chỉ ra rằng bối cảnh chính trị nội bộ Nhật Bản đang khiến các cuộc đàm phán trở nên phức tạp hơn. Sự suy giảm ủng hộ dành cho Thủ tướng Shigeru Ishiba và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có thể làm suy yếu vị thế của Tokyo trên bàn đàm phán.
Theo khảo sát của Jiji Press, tỷ lệ ủng hộ nội các Ishiba đã giảm xuống còn 23,1% trong tháng trước — mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái.
Ông Robert Ward cũng cho biết phe đối lập tại Nhật đang tận dụng các cuộc đàm phán thương mại để công kích chính phủ, cáo buộc chính quyền Ishiba quá yếu trước sức ép từ Washington. “Chính phủ Nhật Bản có thể đang tìm cách kéo dài tiến trình đàm phán và trì hoãn các quyết định lớn cho đến sau cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7,” ông nhận định.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP), Reuters