Vĩ mô

Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần có đánh giá chi tiết các tác động

Hải Liên 20/11/2023 - 20:58

Để giảm thiểu những tác động bất lợi, bên cạnh việc ban hành nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, cũng cần phải ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn, đáp ứng cả hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế, đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.

Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần có đánh giá chi tiết các tác động- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải sớm ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp

Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 20/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 36 lượt ý kiến phát biểu.

Các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế TTTC, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp

Các ý kiến đại biểu nhấn mạnh, nội dung thực hiện thuế TTTC này đã đạt được sự thoả thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế TTTC thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế TNDN thực tế dưới 15%.

Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế TTTC từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế TTTC có thể kê khai thuế TNDN bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.

Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế TTTC từ 01/01/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) khẳng định, việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp chúng ta đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình; giúp Việt Nam thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu; bảo đảm tính công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới; đồng thời vẫn giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các trường hợp áp dụng là các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, dù việc ban hành này là không bắt buộc, nhưng để đảm bảo lợi ích đất nước cần thiết phải ban hành Nghị quyết, song song với đó cũng cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết này có thể sẽ có tác động làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay. Vì vậy, để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, bên cạnh việc ban hành nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cũng cần phải ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn, đáp ứng cùng một lúc cả hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.

Về quan điểm phải khẳng định, việc ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư, do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD. Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng, hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách của chúng ta hướng tới, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.

Nhấn mạnh đây là nội dung có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, trong đó có môi trường đầu tư nước ngoài, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Nghị quyết. Tiếp tục đánh giá thận trọng, nghiên cứu thực tiễn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại các quốc quốc gia có sự tương đồng với quy mô, cơ cấu kinh tế với nước ta.

"Cần có đánh giá chi tiết các tác động. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo quy định của OECD cần chi tiết, cụ thể, đảm bảo chủ quyền lập pháp và xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết", đại biểu Đinh Thị Phương Lan nêu quan điểm.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những nội dung lớn của dự thảo Nghị quyết về mục tiêu, quan điểm, hình thức và tên của Dự thảo Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh; việc quy định chi tiết về kê khai và nộp thuế; vấn đề bảo đảm đầu tư; việc tổ chức thực hiện và điều kiện đảm bảo cho việc thi hành Nghị quyết;…

Sớm ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, tất cả các đại biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải sớm ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị phải có chính sách đầu tư ưu đãi song hành để giữ chân các nhà đầu tư, tiếp tục thu hút đầu tư.

Các đại biểu cũng đề nghị đánh giá kỹ tác động để quy định phù hợp trong Nghị quyết và có giải pháp đảm bảo môi trường đầu tư và thống nhất cao đề nghị rà soát, đánh giá lại các chính sách ưu đãi để sửa đổi toàn diện các quy định có liên quan cho phù hợp với tình hình mới, có tính toán đến các ưu đãi với các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua.

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Ước tính số thuế TNDN nộp bổ sung vào NSNN khoảng 14.600 tỷ đồng

Lộ tên 6 ông lớn Việt Nam khả năng phải áp thuế tối thiểu toàn cầu?

Đề xuất áp mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-can-co-danh-gia-chi-tiet-cac-tac-dong-102231120161719026.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần có đánh giá chi tiết các tác động
POWERED BY ONECMS & INTECH