Áp lực tỷ giá giảm dần
Từ đầu quý 3 đến nay, chỉ số USD có chiều hướng đi xuống. Tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định hơn vào những tháng cuối năm.
Tỷ giá hạ nhiệt 4 tuần liên tiếp
Cuối tuần qua, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mạnh, nối dài chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp kể từ ngày 22/7. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam ngày 17/8 với USD giảm 6 đồng, ở mức 24.254 đồng.
Tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động từ 23.400 – 25.450 VND/USD. Tỷ giá USD cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 - 25.450 VND/USD.
Vietcombank có mức mua bán ở 24.860 - 25.230 VND/USD. Giá mua và bán USD tại các ngân hàng nằm trong khoảng từ 23.400 – 25.450 VND/USD.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục giảm mạnh ở 2 chiều mua - bán so với phiên trước đó, giao dịch (mua - bán) ở mức 25.298 -25.388 VND/USD, giảm 155 VND ở chiều mua và 145 VND chiều bán so với ngày 16/8.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do NHNN quy định. Báo cáo của NHNN cho biết đồng Việt Nam từng mất giá gần 5% so với USD từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, tỷ lệ này đã giảm còn 3,85%.
Chỉ số DXY, đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt chốt tuần giảm 0,71%, xuống mức 102,40 trong bối cảnh các nhà đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất sâu vào tháng tới, trước một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ cũng như sau những động thái bất ổn vào tuần trước.
MBS cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.300 – 25.700 VND/USD trong thời gian còn lại năm 2024 dưới những yếu tố tích cực như: thặng dư thương mại tích cực (7 tháng thặng dư hơn 14 tỷ USD), FDI giải ngân đạt hơn 12,5 tỷ USD (mức cao nhất từ trước tới nay) và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Với 10 triệu khách quốc tế trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam ghi nhận tốc độ phục hồi trở về thời kỳ tăng trưởng mạnh 2009 và có khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu 18-19 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Trước kịch bản Fed hạ lãi suất, ông Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói, chỉ số CPI của Mỹ tháng 7/2024 đã giảm về mức 3% – thấp hơn dự báo 3,1%, trong khi đó chỉ số thất nghiệp lại tăng lên 4,3% trong tháng 7 – cao hơn so với mức 4,1% trong tháng 6. Điều này thúc đẩy khả năng Fed phải sớm hành động giảm lãi suất để tránh nền kinh tế Mỹ rơi vào một đợt suy thoái mặc dù vẫn còn một số nghi ngờ về quy mô của đợt cắt giảm.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế ổn định, chênh lệch giá giữa vàng trong và ngoài nước giảm, góp phần giảm bớt các áp lực đầu cơ lên tỷ giá.
Nếu không có những diễn biến bất ngờ, khả năng rất cao tỷ giá tiếp tục giảm về mức quanh 25.000-25.100 VND/USD, và nằm trong mục tiêu biến động dưới 3% mà NHNN đưa ra hồi đầu năm.
Nhận định xoay quanh tỷ giá cũng được Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự đoán, VND dự kiến sẽ phục hồi khi Fed thay đổi chính sách tiền tệ và khi chi tiêu đầu tư công cùng dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Dự báo từ Shinhan cho thấy tỷ giá bình quân năm 2024 có thể đạt khoảng 25.040 VND/USD.
Ổn định tỷ giá, hỗ trợ doanh nghiệp
Nếu như nửa đầu năm 2024, tỷ giá là vấn đề rất được nhà đầu tư và cơ quan quản lý quan tâm, thì hiện nay tỷ giá đã hạ nhiệt và dự kiến xu hướng tỷ giá những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Những áp lực lên tỷ giá đã giảm dần, trong đó có cả yếu tố bên trong và bên ngoài.
Áp lực tỷ giá giảm đã giúp NHNN giảm lãi suất hoạt động thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu từ 4,5% xuống 4,25% vào ngày 5/8/2024, xu hướng lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng giảm dần sau đó. Theo thông tin từ nguồn liên ngân hàng, thanh khoản thị trường vẫn khá dồi dào, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD duy trì ở mức âm nhẹ khoảng 0,3-0,4%.
Việc tỷ giá USD ổn định và có xu hướng giảm trong thời gian tới mang lại nhiều triển vọng tích cực cho doanh nghiệp. Sự ổn định này không chỉ giảm áp lực lãi suất mà còn kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ chi phí vay ngoại tệ giảm, giúp họ tăng cường cạnh tranh và mở rộng cơ hội ký kết hợp đồng mới.
“Mỗi tháng chúng tôi cần nhập 11 tỷ đồng tiền hàng, toàn bộ giao dịch được thanh toán bằng ngoại tệ. Nhờ tỷ giá VND/USD giảm trong thời gian gần đây nên chi phí mỗi đơn hàng đều giảm từ 2 - 4% so với lúc cao điểm”- đại diện Công ty CP EMIN Việt Nam thông tin.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, nhận định, tỷ giá giảm sẽ giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ. Đồng thời, khi tỷ giá dịu lại, NHNN có thể mở rộng cung tiền, hạ lãi suất điều hành, từ đó mặt bằng lãi suất có thể giảm hoặc duy trì ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Dù vậy, TS. Nguyễn Đức Độ cũng khuyến nghị, vẫn cần dự phòng những yếu tố bất ngờ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang phục hồi chậm và vẫn còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra khắp nơi, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng khó dự báo. Bên cạnh đó, cuối quý 3 và đầu quý 4 nhu cầu USD thường tăng cao do hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; cùng với đó là sự gia tăng áp lực tỷ giá do các yếu tố liên quan đến cán cân thanh toán. Do đó, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá vẫn duy trì sự ổn định và đảm bảo thị trường ngoại tệ thông suốt, giúp cân bằng cung cầu ngoại tệ, duy trì trạng thái ngoại tệ dương tại các ngân hàng thương mại và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực, áp lực từ lãi suất USD cao vẫn là một thách thức đáng kể. Đại diện NHNN cho biết, tỷ giá có thể giảm áp lực trong nửa cuối năm, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá một cách linh hoạt và kịp thời, nhằm đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế.