Vĩ mô

Bà Phạm Chi Lan: Thành tựu của quý III sẽ tạo ra những niềm tin về phục hồi tăng trưởng

Khúc Văn 16/10/2024 13:51

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng dù GDP quý III tăng kéo theo GDP bình quân đầu người tăng, trên thực tế cuộc sống của đông đảo của người dân vẫn chưa được cải thiện.

Tăng trưởng quý III gây nhiều bất ngờ

Tổng cục Thống kê cho biết trong quý III/2024, tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 7,4% so với năm ngoái. Tính chung 9 tháng của năm 2024, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.

Để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm, tỉnh Đồng Nai dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh lũy kế đến năm 2030 theo giá hiện hành khoảng 1.003.700 tỷ đồng (tương đương khoảng 41 tỷ USD).
Nền kinh tế phục hồi tích cực nhưng chủ yếu từ khu vực xuất khẩu và FDI chứ sức khoẻ nền kinh tế trong nước còn yếu.

Bình luận về con số tăng trưởng này, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup cho rằng nền kinh tế phục hồi tích cực nhưng chủ yếu từ khu vực xuất khẩu và FDI chứ sức khoẻ nền kinh tế trong nước còn yếu. Lạm phát đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, đầu tư FDI dẫn dắt, đầu tư công còn chậm và đầu tư tư nhân yếu.

Với chính sách tiền tệ, chúng ta đang bước vào giai đoạn nới lỏng dần nhưng tốc độ nới lỏng còn chậm. Tuy nhiên, đây đã là tín hiệu tích cực sau giai đoạn thắt chặt.

“Tổng thể nền kinh tế đã đạt được mục tiêu và mọi thứ đang tốt đẹp trở lại nhưng chủ yếu nhờ ngoại lực và đây là biến số mà chúng ta cần chú ý trong vòng nửa năm đến một năm tới”, ông Báu nói.

Đánh giá kỹ hơn về sức khỏe kinh tế, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho biết, GDP quý III gây bất ngờ cho nhiều tổ chức khi dường như không bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích các cấu phần của nền kinh tế thì con số này không quá xa rời thực tế.

Bà Phạm Chi Lan: 'GDP tăng cao nhưng tôi không thật sự vui vì người dân còn khó khăn'
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng quý III/2024 đã tiếp nối sự tăng trưởng của quý II đã đạt được. Điều này, khiến bà Lan thực sự rất mừng.

“Thời gian qua, khi theo dõi tình hình kinh tế, chúng tôi rất lo liệu năm nay có đạt được mục tiêu tăng trưởng hay không. Nếu năm 2024 không đạt tốc độ tốt thì rất khó để thúc đẩy thời gian tới, thậm chí mục tiêu phát triển cho cả thời kỳ 5 năm”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Bà Lan cho rằng, thành tựu của quý III sẽ tạo ra những niềm tin về phục hồi tăng trưởng tiếp trong thời gian tới. Trên thực tế, không chỉ các tổ chức doanh nghiệp đã phấn chấn hơn nhiều mà đời sống xã hội cũng ổn định hơn.

>>Chuyên gia: Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ đã cạn

Tiêu dùng chưa phục hồi như trước dịch

Bên cạnh điểm tích cực, bà Phạm Chi Lan cũng lưu ý về những khó khăn, thách thức đan xen cần xem xét.

Thứ nhất, tăng trưởng trong quý III vẫn dựa vào 2 động lực chính là xuất khẩu và FDI. Xuất khẩu đến nay chiếm 73,5% nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi tăng trưởng chủ động về xuất khẩu chủ yếu vẫn nhờ “bàn tay” các doanh nghiệp FDI. Ở đây không phải chỉ xuất khẩu mà cả nhập khẩu đều cho thấy tăng lên khá nhiều.

Theo bà Lan, nhập khẩu tăng lên là cần thiết để có được thành tựu xuất khẩu và có thể được sử dụng cho các nguồn lực trong nước để từ đó các doanh nghiệp khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tăng xuất khẩu, nhập khẩu là điều đáng mừng, duy trì được vai trò động lực, tuy nhiên cũng không nên quá dựa vào nguồn lực này.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8%.
Tiêu dùng chưa phục hồi như trước dịch.

Thứ hai, chỉ tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, người ta đo sự phục hồi kinh tế hay chưa là phải so sánh với mức trước dịch Covid-19. Nếu những chỉ tiêu nào vẫn thấp hơn thì chứng tỏ kinh tế vẫn chưa phục hồi.

Theo bà Lan, đây là điều rất đáng lưu ý, bởi nó thể hiện đến cuộc sống của người dân. Do đó, dù GDP quý III tăng, kéo theo GDP bình quân đầu người tăng, song trên thực tế cuộc sống của đông đảo của người dân vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Thách thức thứ ba, theo vị chuyên gia, trong bảng tăng trưởng nhắc đến vị trí rất quan trọng đến từ ngành dịch vụ, công nghiệp nhưng ngành nông nghiệp lại chưa cao. Nhìn vào thực tế, nền kinh tế Việt Nam vừa qua ổn định được, cuộc sống của người dân tương đối ổn là nhờ rất nhiều vào nông nghiệp.

“Tôi kiến nghị chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng hơn cho nông nghiệp, và đóng góp của người dân vào nền nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn là một ngành hết sức quan trọng và đóng vai trò rất lớn trong tương lai”, bà Lan nói.

Thứ tư, về lạm phát, bà Lan cho rằng Việt Nam kiểm soát được vấn đề này khá tốt, nhưng nếu vào nhìn vào cuộc sống của người dân, nhìn vào giá cả thì những chi phí vẫn tăng lên nhiều. Do đó, cần điều tiết để từ đó giảm cho tiêu dùng nhiều hơn.

Bà kỳ vọng trong tương lai, nhất là gần đây khi Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp các doanh nghiệp lớn và đề nghị họ tham gia vào các dự án lớn của Nhà nước, vai trò của nội lực, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong nước đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam sẽ được tăng cường.

>>Chính sách tiền tệ toàn cầu đang dịch chuyển: Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh ra sao?

Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện tốt cho DN, ngân hàng phát triển

Cán cân thương mại tháng 8 thặng dư 4,53 tỷ USD: Động lực mạnh mẽ để ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ba-pham-chi-lan-gdp-tang-cao-nhung-toi-khong-that-su-vui-vi-nguoi-dan-con-kho-khan-253975.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bà Phạm Chi Lan: Thành tựu của quý III sẽ tạo ra những niềm tin về phục hồi tăng trưởng
POWERED BY ONECMS & INTECH