Vĩ mô

Đề xuất 2 trường hợp không bắt buộc phải sáp nhập tỉnh, xã

Phúc Lam 02/04/2025 - 11:14

Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo dự thảo Nghị quyết của Bộ Nội vụ, tiêu chí sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất, gồm: Diện tích tự nhiên, quy mô dân số; Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; Tiêu chí về địa kinh tế (trong đó đã bao gồm tiêu chí về địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế); Tiêu chí về địa chính trị; Tiêu chí về quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết đưa ra 2 trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Cụ thể:

- Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.

- Đơn vị hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng nếu thực hiện sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Theo đó, tờ trình của Bộ Nội vụ dự kiến cả nước có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp và 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thuộc diện sắp xếp là thành phố Hà Nội, thành phố Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cụ thể, thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

>>Lý do gì khiến 11 tỉnh, thành này giữ nguyên khi cả nước thực hiện sáp nhập?

Đề xuất 2 trường hợp không bắt buộc phải sáp nhập tỉnh, xã
Ảnh minh họa - Nguồn: VnEconomy

Bên cạnh đó, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.

Tiêu chí địa kinh tế, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mọi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Tiêu chí địa chính trị, cần cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất tiêu chuẩn và số lượng của đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp. Cụ thể, xã mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên tiêu chuẩn của xã quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Riêng đối với tiêu chuẩn quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia trên đất liền mà có từ 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu là 7.500 người.

Đối với phường sau sắp xếp, dự thảo Nghị quyết yêu cầu phường mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 35km trở lên; quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; riêng phường ở miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 35.000 người trở lên.

Trong trường hợp sắp xếp từ 4 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

>>Một tỉnh không thuộc diện sáp nhập thu gần 2.700 tỷ trong 9 ngày chỉ từ một ngành

Tổng Bí thư: Sắp xếp đơn vị hành chính để Đà Nẵng phát triển bứt phá

Nên giữ các thành phố thuộc tỉnh như một loại đơn vị hành chính cơ sở

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-2-truong-hop-khong-bat-buoc-phai-sap-nhap-tinh-xa-285451.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất 2 trường hợp không bắt buộc phải sáp nhập tỉnh, xã
    POWERED BY ONECMS & INTECH