Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt được giao cho Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư.
Ngày 18/6, Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được khởi công xây dựng. Đây là dự án quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Dự án cầu Phước An có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4.378m; trong đó đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục: phần cầu dài 3.514m, đường dẫn trên tuyến 247m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An tỉnh Đồng Nai dài 617,34m; tổng mức đầu tư 4.877 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 2.877 tỷ đồng.
Cầu Phước An sẽ kết nối tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), kết nối các tuyến cao tốc liên vùng như Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn gần 30km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam bộ và ngược lại, đồng thời giảm tải cho tuyến đường độc đạo đi Vũng Tàu - Quốc lộ 51 vốn đã quá tải nhiều năm nay.
Về thiết kế, dự án có tổng chiều dài phần cầu 3,5km, thiết kế nhịp chính có hình dạng cánh buồm, chiều cao thông thuyền 55m, bề rộng mặt cầu dẫn 23,5m, bề rộng mặt cầu chính 27m đảm bảo cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Dự án cầu Phước An được phê duyệt chủ trương năm 2009. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan như nguồn vốn đầu tư lớn, thay đổi hình thức đầu tư, dự án được triển khai trên địa bàn 2 tỉnh nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Việc khởi công dự án cầu Phước An phù hợp với quy hoạch từ 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ trong đó xác định “…đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định: Cầu Phước An khi đi vào hoạt động sẽ giúp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khu Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép hạ và các khu công nghiệp trong khu vực; từng bước tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, thông suốt, nâng cao khả năng kết nối vùng; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Từ ngày 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập lại một huyện sau 20 năm chia tách
Sau khi công bố danh mục đấu giá, tiến độ 9 khu đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giờ ra sao?