Chứng khoán

Ba vấn đề khiến cổ phiếu VEAM chưa thể 'chuyển nhà'

Quốc Trung 20/06/2024 - 16:49

Tại ĐHCĐ vừa kết thúc, cổ đông VEAM (Mã VEA) đặt nhiều câu hỏi cho ban lãnh đạo liên quan đến câu chuyện hiệu quả kinh doanh, niêm yết, khởi tố...

Sáng ngày 20/6, Tổng CTCP Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (Mã VEA - UPCoM) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024, thông qua kế hoạch kinh doanh công ty mẹ với tổng doanh thu 6.414 tỷ đồng - giảm 22% và lợi nhuận sau thuế giảm 19% còn 5.489 tỷ. VEAM cho biết, kế hoạch lợi nhuận này chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm.

Ba vấn đề khiến cổ phiếu VEAM chưa thể 'chuyển nhà'
VEAM hiện có tổng cộng 13 công ty con, 8 công ty liên kết

Ngoài ra, công ty cũng dự kiến dành gần 6.700 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền cho năm 2023.

Tại Đại hội, cổ đông đặt nhiều câu hỏi cho ban lãnh đạo liên quan đến câu chuyện hiệu quả kinh doanh, niêm yết...

Cổ đông hỏi: "Tình hình hoạt động các đơn vị thành viên của VEAM trong năm qua như thế nào?". Theo ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT, VEAM có tổng cộng 13 công ty con, 8 công ty liên kết.

Trong năm 2023, 10/13 công ty con đã hoạt động kinh doanh có lãi, tổng lợi nhuận là hơn 500 tỷ đồng. Ở nhóm công ty liên doanh, liên kết, 6/8 công ty báo lãi trong đó CTCP Matexim Hải Phòng (VEAM sở hữu hơn 20% vốn) và CTCP Nakyco (VEAM nắm 49% vốn) sau nhiều năm thua lỗ cũng có lợi nhuận dương trở lại.

Cổ đông hỏi: "Việc niêm yết cổ phiếu của VEAM đã nằm trong kế hoạch nhiều năm qua song chưa thực hiện được. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu VEA trong thời gian tới ra sao?".

Phúc đáp, ông Hải cho biết, ban lãnh đạo của VEAM đều xác định việc niêm yết cổ phiếu là mục tiêu dài hạn và kiên trì để đạt mục tiêu đó trong thời gian tới. Trước mắt, công ty cần thời gian để giải quyết, xử lý các vướng mắc liên quan.

Báo cáo kiểm toán năm 2023 của VEAM có ba ý kiến ngoại trừ bao gồm: (1) Chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị 44 tỷ đồng; (2) Khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 739 triệu đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn đọng/chậm luân chuyển là gần 107 tỷ đồng; (3) một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị gần 457 tỷ đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ quan điểm trong thời gian tới, VEAM sẽ kiên trì xử lý các ý kiến ngoại trừ, nâng cao năng lực quản trị từ công ty mẹ tới công ty con.

Liên quan đến câu hỏi về việc Tổng Giám đốc VEAM bị khởi tố ảnh hưởng ra sao tới công ty, người đứng đầu công ty cho biết: "Tôi thay mặt cho ban lãnh đạo VEAM xin gửi lời xin lỗi tới cổ đông về sự việc trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Phan Phạm Hà và đang tiến hành điều tra theo quy định. Nội dung chi tiết về vụ việc VEAM sẽ công bố sau khi có kết luận cụ thể.

Sự việc này rất bất ngờ, VEAM đã kịp thời xử lý dưới chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, HĐQT đã họp 4 phiên liên tục. Sự việc đó xảy ra tại công ty mẹ nên không ảnh hưởng tới các đơn vị thành viên của VEAM, không ảnh hưởng tới các đối tác, liên doanh của VEAM".

>> Điều hành công ty lãi 5.000 - 7.000 tỷ đồng/năm, CEO và Kế toán trưởng VEAM nhận lương bao nhiêu trước khi bị khởi tố vì 'rút ruột'?

VEAM (VEA) kinh doanh ra sao trước khi Tổng Giám đốc bị khởi tố?

Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà bị khởi tố và chuyển động nóng tại VEA

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ba-van-de-khien-co-phieu-veam-chua-the-chuyen-nha-239438.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ba vấn đề khiến cổ phiếu VEAM chưa thể 'chuyển nhà'
POWERED BY ONECMS & INTECH