Điều hành công ty lãi 5.000 - 7.000 tỷ đồng/năm, CEO và Kế toán trưởng VEAM nhận lương bao nhiêu trước khi bị khởi tố vì 'rút ruột'?
Dù nhận thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng tại VEAM vẫn không kiềm chế được lòng tham mà đi vào "vết xe đổ" của không ít người tiền nhiệm.
Chiều ngày 12/6, Công an TP. Hà Nội (Cơ quan Cảnh sát điều tra) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mua bán trái phép hóa đơn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - UPCoM: VEA).
Thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam |
Theo tài liệu điều tra, ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới kê khống giá trị hợp đồng, chỉ đạo lập hồ sơ thanh toán chi phí tiếp khách sai quy định, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho VEAM.
Ngoài ra, Thái Đức Minh - Trưởng ban Kinh doanh và Phát triển thị trường, Nguyễn Thị Mai Hương - Kế toán trưởng và nhiều nhân viên mua, sử dụng hóa đơn tiếp khách khống để “rút” tiền của Tổng công ty, gây thiệt hại cho doanh nghiệp là hơn 1 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 6/6, Phan Phạm Hà và Nghiêm Trọng Thăng - Phụ trách Văn phòng VAEM đã bị bắt tạm giam để điều tra. Các đối tượng: Thái Đức Minh và Nguyễn Thị Mai Hương hiện đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang truy tìm để xử lý theo quy định của pháp luật.
CEO và Kế toán trưởng VEAM đang nhận lương hàng tỷ đồng mỗi năm
VEAM được thành lập vào năm 1990 là công ty 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Bộ Công Thương, hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, kinh doanh ô tô. Năm 2017, VEAM trở thành công ty cổ phần và niêm yết trên sàn UPCoM vào năm 2018 với mã chứng khoán VEA. Cổ đông lớn gồm Bộ Công Thương (sở hữu 88,47% vốn), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hòa An (sở hữu 6% vốn) và các cổ đông nhỏ lẻ khác.
Về kết quả kinh doanh, VEAM thường xuyên duy trì mức lợi nhuận sau thuế từ 5.000 - 7.000 tỷ đồng trong 5 năm trở lại đây nhờ nắm giữ cổ phần tại các liên doanh ô tô hàng đầu là Toyota Vietnam, Honda Vietnam và Ford Vietnam.
Nguồn: Tự tổng hợp |
Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 3.086,4 tỷ đồng, lãi gộp 447,8 tỷ đồng. Nhưng lãi từ tiền gửi ngân hàng là 1.205,1 tỷ đồng và lãi từ công ty liên doanh, liên kết là 5.640,1 tỷ đồng đã giúp VEAM lãi ròng 6.265,2 tỷ đồng sau khi trừ đi các khoản chi phí, thuế. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2023 là 610,7 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân viên quản lý là 296 tỷ đồng.
Ông Phan Phạm Hà được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc từ giữa năm 2020, và thu nhập 1,05 tỷ đồng trong năm đó. Thu nhập các năm tiếp theo của ông này: năm 2021 nhận 2,04 tỷ đồng; năm 2022 nhận 2,01 tỷ đồng; năm 2023 nhận 2,04 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng ông Hà nhận 170 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương đảm nhiệm vị trí Kế toán trưởng từ năm 2022, thu nhập 473,1 triệu đồng. Sang năm 2023, bà này nhận 1,09 tỷ đồng thu nhập (bình quân 91 triệu đồng/tháng).
Đáng chú ý, tại VEAM, nhiều Tổng Giám đốc đời trước đã bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cụ thể, tháng 5/2022, Trần Ngọc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc) chịu án 11 năm tù, Lâm Chí Quang (nguyên Tổng Giám đốc) chịu án 8 năm tù; tháng 12/2023, Nguyễn Thanh Giang (nguyên Tổng Giám đốc) chịu án 5 năm tù...
>> Tổng giám đốc VEAM bị khởi tố: Khối ngoại bán tháo, cổ phiếu giảm mạnh