Hạ tầng giao thông đóng vai trò rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu thụ nông sản, trong đó có vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Nếu như những năm trước, tình trạng ùn tắc giao thông mùa vải trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều chủ phương tiện lưu thông qua địa bàn thì sau khi đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới nhiều tuyến đường, tình trạng trên đã phần lớn được khắc phục.
Đường rộng, tăng tính kết nối
Vào vụ thu hoạch vải thiều, một trong những vấn đề được ngành chức năng, chính quyền địa phương tại huyện Lục Ngạn luôn quan tâm đó là bảo đảm việc lưu thông cho các phương tiện được thuận lợi, an toàn, góp phần cho vải thiều được tiêu thụ nhanh chóng.
Tuy nhiên do các phương tiện giao thông đổ về rất đông trong cùng thời điểm, nhất là đầu giờ sáng, trong khi điểm cân thường được đặt bên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ dẫn đến gây ùn ứ, tắc nghẽn cục bộ.
Để giải bài toán này, ngoài cải tạo, nâng cấp quốc lộ 31, những năm qua huyện Lục Ngạn được quan tâm xây dựng nhiều tuyến đường mới cũng như nâng cấp các tuyến cũ. Qua đó tăng tính kết nối giữa các vùng cây ăn quả với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, giúp cho lưu thông dễ dàng hơn.
Tại xã Quý Sơn và Phượng Sơn, các đơn vị đã và đang thi công 5 tuyến đường giao thông kết nối thuộc dự án cải tạo hạ tầng thiết yếu vùng trồng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao huyện Lục Ngạn.
Tuyến số 1 nối quốc lộ 31 với đường vành đai thị trấn Chũ có chiều dài , mặt đường 14m. Tuyến số 2 từ thị trấn Chũ đi trung tâm xã Quý Sơn dài khoảng 5,6km, mặt đường rộng 6m. Tuyến số 3 từ ngã ba Cầu Cao vào trung tâm xã Quý Sơn dài 2,5km, mặt đường rộng 3,5m. Tuyến số 4 từ ngã ba Tam Tầng vào trung tâm xã Quý Sơn dài 2,9km, mặt đường rộng 6m. Tuyến số 5 từ trung tâm phố Kim, xã Phượng Sơn đi trung tâm xã Quý Sơn dài 2,9km, mặt đường rộng 6m. Đến mùa vải, mặc dù còn một số đoạn chưa hoàn thành song các phương tiện di chuyển lên thị trấn Chũ và Sơn Động đã đi qua đây khá đông, giúp giảm tải ách tắc ở quốc lộ 31.
Tương tự, tại xã Mỹ An, trước khi có tuyến đường Nam Dương - Mỹ An người dân phải chở vải qua cầu phao An Phú, bến phà Đầm để sang phố Kim tiêu thụ rất khó nhọc, những hôm trời mưa gió, nhiều chuyến hàng bị đổ, vải dập vỡ. Từ năm 2021 đến nay, khi có tuyến đường mới, phương tiện lưu thông thuận lợi nên nhiều điểm cân vải được thương nhân đặt trên địa bàn, người dân không còn phải di chuyển xa để bán vải như trước.
Để tắc đường không còn là điệp khúc
Với quan điểm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa và vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia, tháng 6/2021 huyện ủy Lục Ngạn ban hành Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị và khu dân cư tập trung giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư lớn, tạo ra không gian mới cho kết nối giữa các khu vực, thúc đẩy giao thương hàng hóa. Về tiến độ, huyện đã hoàn thành các dự án: Cải tạo, nâng cấp tuyến Trù Hựu - Sơn Hải - Hộ Đáp; tuyến Nam Dương - Đèo Gia, đường vành đai thị trấn Chũ. Cùng đó tổ chức thi công, nâng cấp xong tuyến đường 289 từ thị trấn Chũ đi Khuôn Thần, tuyến đường Trần Phú kéo dài...
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, địa phương đang giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công dự án xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An - quốc lộ 31 - quốc lộ 1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa - Khuôn Thần. Đồng thời tổ chức phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Trù Hựu - Sơn Hải - Hộ Đáp dài 35 km, chuẩn bị làm tuyến Na Hem (xã Hộ Đáp) đến Bừng Ruộng (xã Thanh Hải) dài 9 km và mở mới tuyến từ quốc lộ 31 đi thôn Muối (xã Giáp Sơn) dài khoảng 1,2 km. Ngoài ra còn lập dự toán đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ xã Tân Sơn (Lục Ngạn) đi xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn)...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống giao thông của huyện còn một số khó khăn, nhất là ở khu vực vùng cao địa bàn rộng, địa hình phức tạp, suất đầu tư các công trình giao thông lớn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn hạn chế. Các dự án chủ yếu là cải tạo và cứng hóa mặt đường cũ, chưa có nhiều công trình mở mới quy mô lớn và tính kết nối liên vùng.
Thời gian tới, Lục Ngạn tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ trung ương, tỉnh thông qua các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư trung hạn để nâng cấp các công trình giao thông đối ngoại, tuyến đường huyện trọng yếu; nâng cấp một số đường liên xã lên thành đường huyện.