Phường rộng nhất Hà Nội sau sáp nhập: Sở hữu 4 cây cầu lớn nhất Thủ đô, một cây cầu là 'phòng thí nghiệm sống' biểu tượng 2 quốc gia
Với diện tích hơn 16km2 và dân số khoảng 126.000 người, Hồng Hà trở thành “siêu phường” lớn nhất Thủ đô cả về quy mô lẫn dân cư.
Từ ngày 1/7/2025, Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động phường Hồng Hà – một đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường ven sông Hồng trải dài qua 5 quận nội đô. Với diện tích hơn 16km2 và dân số xấp xỉ 126.000 người, Hồng Hà không chỉ là phường lớn nhất về diện tích mà còn là phường đông dân nhất Thủ đô tính đến thời điểm hiện tại.
Phường Hồng Hà mới có ranh giới phía Đông giáp sông Hồng, phía Tây giáp các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, phía Nam giáp cầu Vĩnh Tuy và phía Bắc giáp cầu Nhật Tân. Phường Hồng Hà trải dài từ chân cầu Nhật Tân đến khu vực cầu Vĩnh Tuy.

Đơn vị hành chính mới này bao gồm toàn bộ hoặc phần lớn các phường cũ như Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); một phần phường Phú Thượng, Quảng An (Tây Hồ); cùng với các khu dân cư thuộc phường Ngọc Thụy và Bồ Đề (quận Long Biên).
Trụ sở UBND – HĐND của phường được đặt tại số 30 Tứ Liên (quận Tây Hồ), đồng thời duy trì một số điểm làm việc tại các khu vực hành chính cũ như Nhật Tân, Bạch Đằng nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong thời gian chuyển tiếp.
Trục giao thông chính trên địa bàn phường Hồng Hà là tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm. Tuyến đường này giúp bảo đảm giao thông kết nối trung tâm Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đồng thời nâng cao năng lực phòng chống lũ của tuyến đê Hữu Hồng, bảo vệ thủ đô.

Hồng Hà là khu vực có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, với bốn cây cầu lớn – Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương và Vĩnh Tuy – đóng vai trò kết nối huyết mạch giữa nội đô Hà Nội và các khu vực ngoại thành, cửa ngõ phía Đông Bắc.
Đặc biệt, cầu Nhật Tân là biểu tượng của mối quan hệ Việt - Nhật. Cầu có tổng chiều dài là 9,17km trong đó phần cầu chính là 3,9km (đoạn cầu vượt sông Hồng là 1,5km) và phần cầu dẫn dài 5,27km. Theo nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân - ông Nguyễn Lê Minh "Cầu Nhật Tân là 'phòng thí nghiệm sống' của công nghệ xây dựng cầu hiện đại, các nhà thầu đã triển khai hàng loạt công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng tại Việt Nam và đã thành công".
Giới chuyên gia và người dân kỳ vọng Hồng Hà trở thành một phường ven sông kiểu mẫu – nơi kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản, phát triển văn hóa truyền thống (đào Nhật Tân, quất Tứ Liên) và nâng cao chất lượng đô thị hiện đại.
Việc thành lập phường Hồng Hà được xem là bước đi quan trọng trong chiến lược sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với quy hoạch phát triển Thủ đô.