Doanh nghiệp

Bách Hóa Xanh nhập giá đỗ ngâm chất cấm, MWG vẫn được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 36%

Thuỷ Trúc 30/12/2024 - 10:36

Bách Hoá Xanh đang gấp rút xử lý khủng hoảng bán giá đỗ ngâm chất cấm bằng việc hoàn tiền cho khách hàng với điều kiện 'xuất trình hoá đơn mua hàng'.

Gần đây, thông tin về việc 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm chất cấm bị phát hiện tại Đắk Lắk đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Có đến 20 tấn giá đỗ bị thu giữ.

Theo lời khai, có một cơ sở đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Được biết, mỗi ngày có khoảng 350-400kg giá đỗ được nhập về chuỗi này, trên bao bì dán các khẩu hiệu như "Vì sức khỏe của mọi người", "Không hóa chất", "Không chất kích thích".

Cách xử lý khủng hoảng của Bách Hóa Xanh khiến nhiều khách hàng không hài lòng. Công ty cam kết hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm cho khách hàng mua giá đỗ nhãn hiệu Lâm Đạo, nhưng yêu cầu khách phải xuất trình hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử từ ứng dụng mua sắm của hệ thống.

>> Thông tin về đơn vị cung ứng giá đỗ ủ chất cấm cho Bách Hoá Xanh

Thế Giới Di Động lại gặp khó trong quá trình tái cơ cấu sau vụ Bách Hoá Xanh

Thế Giới Di Động (MWG) là đơn vị chủ quản của các chuỗi Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, và Nhà thuốc An Khang.

Thế Giới Di Động hiện đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ với loạt thông tin về đóng bớt cửa hàng, cắt giảm hàng nghìn nhân sự. Báo cáo của VCBS cho thấy, từ đầu năm 2024 đến tháng 10/2024, công ty đã đóng cửa:

  • 55 cửa hàng Thế Giới Di Động
  • 159 cửa hàng Điện Máy Xanh
  • 200 cửa hàng An Khang

Tuy nhiên, chuỗi Bách Hóa Xanh lại mở mới thêm 37 cửa hàng, nâng tổng số lên 1.735 điểm bán. Thế Giới Di Động đang đặt mục tiêu mở thêm 200 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong năm 2025, trong khi giảm tốc độ mở rộng các chuỗi khác.

Việc mở rộng nhanh chóng, cùng với sự cố không kiểm soát được chất sản phẩm đầu vào đã khiến người dùng đặt dấu hỏi lớn về khả năng kiểm soát chất lượng và xây dựng niềm tin của Bách Hóa Xanh.

Bất chấp những thách thức, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu ấn tượng trong 11 tháng đầu năm 2024, đạt gần 37.400 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành hàng thực phẩm tươi sống và FMCG đều có mức tăng trưởng hai chữ số, với doanh thu mỗi cửa hàng duy trì trên 2 tỷ đồng/tháng.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu Thế Giới Di Động đạt 99.767 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng.

Báo cáo của VCBS cho thấy MWG tiếp tục duy trì đà tăng trưởng:

  • Năm 2024: Doanh thu dự kiến đạt hơn 133.100 tỷ đồng, tăng 12,53%, lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.500 tỷ đồng, tăng mạnh 1.987%.
  • Năm 2025: Doanh thu dự kiến đạt 147.900 tỷ đồng, tăng trưởng 10,71%. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng vượt 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23,91%.
Bách Hóa Xanh nhập giá đỗ ngâm chất cấm, MWG vẫn được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 36%
Nguồn: VCBS

Cổ phiếu MWG: Kỳ vọng tăng 36%

Sau sự cố nhập hàng giá đỗ ngâm chất cấm của Bách Hoá Xanh, cổ phiếu MWG đã có chuỗi giảm điểm liên tiếp. Hiện cổ phiếu MWG đang giao dịch ở mức 60.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với mức giá mục tiêu 82.700 đồng/cổ phiếu mà VCBS đưa ra, tương ứng mức tăng trưởng kỳ vọng 36%.

Sự cố nhập giá đỗ ngâm chất cấm là bài học đắt giá cho Thế Giới Di Động trong việc quản lý chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng. Dù vậy, với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, cổ phiếu MWG vẫn là lựa chọn hấp dẫn với các nhà đầu tư dài hạn.

>> Lời khai của chủ cơ sở giá đỗ ngâm chất cấm: 'Thị trường mà sạch hết với nhau, thì tôi cũng thích làm giá sạch cho nó nhàn'

Lời khai của chủ cơ sở giá đỗ ngâm chất cấm: 'Thị trường mà sạch hết với nhau, thì tôi cũng thích làm giá sạch cho nó nhàn'

Ai chịu trách nhiệm vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm trong Bách Hóa Xanh?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bach-hoa-xanh-nhap-gia-do-ngam-chat-cam-mwg-van-duoc-khuyen-nghi-mua-ky-vong-tang-36-268713.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bách Hóa Xanh nhập giá đỗ ngâm chất cấm, MWG vẫn được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 36%
    POWERED BY ONECMS & INTECH