Thế giới

Bài phát biểu từ năm 1989 và 3 mục tiêu của ông Trump khi áp thuế chấn động toàn cầu

Thanh Lê 03/04/2025 19:01

Ông Trump khẳng định động thái này là sự thực hiện cam kết tranh cử của ông.

Trong cuộc họp báo ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump đã công bố một loạt thuế quan mới với mục tiêu "Làm nước Mỹ giàu mạnh trở lại" (Make American Wealthy Again).

Trong số các mức thuế mới có thuế suất 25% áp dụng cho tất cả ô tô nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 3/4. Ngoài ra, chính quyền Trump cũng áp đặt thuế đối ứng lên các đối tác thương mại của Mỹ.

Bài phát biểu từ năm 1989 và 3 mục tiêu của ông Trump khi áp thuế chấn động toàn cầu - ảnh 1
Tổng thống Donald Trump đã công bố một loạt thuế quan mới với tên gọi "Làm nước Mỹ giàu mạnh trở lại"

Cụ thể, mọi quốc gia xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu mức thuế tối thiểu 10%. Những nước có thuế suất tổng hợp cao đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm thuế quan, rào cản phi thuế quan và các hình thức "gian lận" khác theo cách gọi của ông Trump, sẽ phải chịu thuế suất bằng một nửa mức đó.

Ví dụ, Trung Quốc, nước bị chính quyền Trump cáo buộc đánh thuế 67% lên hàng hóa Mỹ, sẽ bị Mỹ áp thuế bổ sung 34%, ngoài mức thuế 20% trước đó. Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ lần lượt chịu thuế 24% và 25%, trong khi Liên minh châu Âu đối mặt với mức thuế 20%.

Ông Trump khẳng định động thái này là sự thực hiện cam kết tranh cử của ông. Tuy nhiên, niềm tin vào thuế quan của ông đã có từ lâu.

"Tôi tin tưởng rất mạnh mẽ vào thuế quan", ông Trump từng phát biểu trên chương trình "Nightline" của ABC vào năm 1989. Ông nhấn mạnh rằng Nhật Bản và các quốc gia lợi dụng Mỹ cần phải chịu mức thuế từ 15% đến 20% khi bán hàng hóa vào Mỹ. Khi đó, ông cho rằng các đối tác thương mại lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út và Tây Đức đang "bóc lột" Mỹ.

"Mỹ là một quốc gia mắc nợ, và chúng ta phải đánh thuế, phải áp thuế quan để bảo vệ đất nước này. Nhưng chẳng ai làm điều đó cả", ông Trump nói trên "Nightline".

Trong phiên điều trần xác nhận chức vụ đầu năm nay, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã trình bày ba mục tiêu chính của chính sách thuế quan dưới thời Trump: Khắc phục các hành vi thương mại không công bằng, tăng nguồn thu cho ngân sách liên bang và dùng thuế quan như một công cụ đàm phán.

Tạo ra thương mại công bằng hơn và thúc đẩy sản xuất trong nước

Chính quyền Trump cho rằng việc các nước áp thuế vào hàng hóa Mỹ trong khi Mỹ không làm điều tương tự là không công bằng. Do đó, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng để cân bằng lại tình trạng này.

Theo ông Trump, điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ do chi phí sản xuất ở nước ngoài sẽ cao hơn.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng các công ty nhập khẩu sẽ chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí thuế quan sang cho người tiêu dùng. Mức độ ảnh hưởng cụ thể vẫn chưa rõ, nhưng Jeffrey Roach, chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial, cho rằng các doanh nghiệp có thể chấp nhận giảm lợi nhuận thay vì tăng giá quá cao do người tiêu dùng đang gặp khó khăn tài chính.

Ông Trump không lo ngại về khả năng giá xe nhập khẩu tăng. Trong cuộc phỏng vấn với NBC News, ông khẳng định giá xe ngoại tăng sẽ khiến nhiều người mua xe Mỹ hơn.

Tăng nguồn thu ngân sách

Vì thuế quan là một hình thức thuế đánh vào hàng nhập khẩu, chính quyền Trump kỳ vọng nó sẽ giúp tăng nguồn thu.

Chính quyền Trump đang tìm cách gia hạn Đạo luật Cắt giảm Thuế năm 2017, dự kiến hết hạn vào cuối năm 2025. Theo ước tính của Tax Foundation, nếu gia hạn, nó sẽ làm giảm thu ngân sách 4,5 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2025-2034.

Cố vấn kinh tế Peter Navarro cho rằng thuế nhập khẩu có thể bù đắp khoản thiếu hụt này, thậm chí có thể mang về hơn 6.000 tỷ USD trong thập kỷ tới. Ông Trump từng gợi ý rằng thuế quan có thể thay thế thuế thu nhập như một nguồn thu chính của chính phủ.

Theo Tax Foundation, mức thuế 20% trên tất cả hàng nhập khẩu chỉ có thể mang về 3,3 nghìn tỷ USD đến năm 2034, chưa tính đến tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Trong năm tài chính 2024, Mỹ chỉ thu được 77 tỷ USD từ thuế quan, chiếm 1,57% tổng thu ngân sách liên bang, theo báo cáo của Congressional Research Service. Để thay thế thuế thu nhập, mức thuế quan phải tăng lên một cách "không tưởng", theo phân tích của chuyên gia Erica York từ Tax Foundation.

Dùng thuế quan làm đòn bẩy trong đàm phán

Chính quyền Trump coi thuế quan là công cụ mạnh hơn lệnh trừng phạt kinh tế để ép các quốc gia khác làm theo yêu cầu của Mỹ.

Một tài liệu từ Nhà Trắng khẳng định việc áp thuế lên các đối tác thương mại lớn nhằm buộc Mexico, Canada và Trung Quốc thực hiện cam kết kiểm soát nhập cư bất hợp pháp và ngăn chặn dòng chảy ma túy như fentanyl vào Mỹ.

Sau khi ông Trump công bố thuế quan mới, Trung Quốc đã áp mức thuế 15% lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Canada và Mexico cũng tuyên bố sẽ đáp trả, trong khi EU sẵn sàng áp đặt thuế quan trả đũa nếu cần thiết.

Lịch sử cho thấy các cuộc leo thang thuế quan có thể dẫn đến chiến tranh thương mại. Đạo luật Thuế quan năm 1930 (Smoot-Hawley) đã khiến 9 quốc gia áp thuế trả đũa và làm suy giảm thương mại toàn cầu, góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái.

Các chính sách thuế quan của Trump đang khiến thị trường tài chính biến động và làm dấy lên lo ngại từ người tiêu dùng. Chuyên gia Sam Stovall từ CFRA nhận định rằng nếu tình hình kinh tế xấu đi, ông Trump có thể sẽ tìm cách tuyên bố chiến thắng và điều chỉnh chiến lược.

"Tổng thống Trump hiểu rằng nếu gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu, hậu quả có thể nghiêm trọng như thời kỳ Smoot-Hawley", Stovall nói. "Vì vậy, ông ấy có thể sẽ tận dụng bất kỳ cơ hội nào để tuyên bố chiến thắng, ngay cả khi các quốc gia khác chỉ đơn giản là cam kết thực hiện những điều họ đã đồng ý từ trước".

Theo CNBC

>> Chuyên gia cảnh báo thuế quan mới của ông Trump nguy hiểm hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu

Thuế quan gây bất mãn, tỷ lệ ủng hộ ông Trump chạm đáy

Một quốc gia bất ngờ ‘vui mừng’ trước đòn thuế quan của ông Trump, tuyên bố sẽ không áp thuế đáp trả: Chuyện gì đây?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/bai-phat-bieu-tu-nam-1989-va-3-muc-tieu-cua-ong-trump-khi-ap-thue-chan-dong-toan-cau-139634.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bài phát biểu từ năm 1989 và 3 mục tiêu của ông Trump khi áp thuế chấn động toàn cầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH