Bán sầu riêng cho Trung Quốc: Việt Nam bứt phá, Thái Lan mở chiến dịch đặc biệt
Trong cuộc đua xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam ghi nhận bứt phá về kim ngạch và thị phần, Thái Lan phải “hoả tốc” mở chiến dịch đặc biệt chấn chỉnh chất lượng loại trái cây này.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng cấp số nhân
Năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới (khoảng 91%). Đặc biệt, với công thức “sầu riêng kết hợp cùng mọi thứ”, chiếc bánh thơm ngon và béo ngậy này đang ngày càng phình to, dự báo sớm chạm mốc 10 tỷ USD.
Vài năm trở lại đây, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng mạnh. Ngoài nỗ lực trồng thử nghiệm, Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho nhiều quốc gia xuất khẩu sầu chính ngạch như: Việt Nam, Philippines, Malaysia. Theo đó, cuộc đua xuất khẩu sầu sang Trung Quốc ngày càng nóng khi Thái Lan có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh tại thị trường này, đặc biệt là Việt Nam.
Kể từ giữa năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường tỷ dân tăng theo cấp số nhân khi nghị định thư được ký kết. Từ 421 triệu USD năm 2022 đã vọt lên 2,24 tỷ USD vào năm sau đó. Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng lập kỷ lục gần 3,3 tỷ USD, tong đó Trung Quốc chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.
Không chỉ vậy, thị phần sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh, từ 5% năm 2022 lên khoảng 35% năm 2023. Trong 11 tháng năm 2024, sầu riêng của Việt Nam chiếm 47,09% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, sắp bắt kịp đối thủ Thái Lan với 52,03%.
Ngược lại, năm 2024 Thái Lan xuất khẩu khoảng 860.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, giảm 13% so với mức 990.000 tấn của năm 2023, kéo theo giá trị giảm từ 4,12 tỷ USD xuống còn 3,75 tỷ USD.
Quan chức ngành nông nghiệp Thái Lan dự báo, sầu riêng của quốc gia này tiếp tục gặp thách thức trong thời gian tới. Bởi, sản lượng sầu riêng Việt Nam tăng nhanh và khoảng 1-2 năm nữa có thể ngang bằng Thái Lan.
Thực tế, ngay từ khi Việt Nam ký nghị định thư và xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, truyền thông và chuyên gia Thái Lan đã đưa ra nhiều cảnh báo với người nông dân ở xứ sở Chùa Vàng về sự cạnh tranh của hàng Việt.
Do đó, để giữ thị phần, Thái Lan không chỉ tự nâng tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu mà còn thúc đẩy việc vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt nhằm giảm thời gian, chi phí, đồng thời tăng độ tươi ngon của trái cây này.
Mới đây, khi sầu riêng xứ Chùa Vàng bị hải quan Trung Quốc phát hiện có chất vàng O và áp biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt, Văn phòng Chính phủ Thái Lan đã phát đi cảnh báo “Niềm tin vào mặt hàng trái cây chủ lực của Thái Lan bị lung lay”.
Người Thái mở "chiến dịch đặc biệt"
Ngay lập tức, người đứng đầu ngành nông nghiệp Thái Lan đã mở một chiến dịch lớn trên toàn quốc có tên: “Trái cây an toàn, chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”. Chiến dịch đặc biệt này được truyền thông Thái gọi là “Set Zero”.
Một loạt các biện pháp mạnh được thực hiện như: kiểm tra 100% container sầu riêng xuất khẩu, xét nghiệm tồn dư chất Cadimi và vàng O trong sầu riêng theo yêu cầu của Trung Quốc… Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ lập tức xử lý, thậm chí truy tố.
Bên cạnh đó, nhiều tốp cán bộ chuyên môn được cử đi những vùng trồng sầu riêng lớn, đặc biệt là khu vực phía nam của Thái Lan để chuẩn hoá chất lượng ngay từ bước đầu tiên trong chuỗi sản xuất.
Thông qua chiến dịch này, Thái Lan muốn củng cố lại niềm tin chất lượng với người tiêu dùng, đồng thời giữ vững thị phần của mình tại thị trường Trung Quốc.
Hiện, Thái Lan có 6 phòng thí nghiệm chỉ định xét nghiệm vàng O làm việc hết công suất để kịp thời đáp ứng các yêu cầu mới của Trung Quốc. Nước này cũng thí điểm xây dựng mô hình trồng sầu riêng hữu cơ quy mô lớn đầu tiên tại khu vực miền Đông, phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tại Việt Nam, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị “vạ lây” sau sự vụ phát hiện chất vàng O trên sầu Thái Lan. Nhiều xe container chở sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải quay đầu về nội địa tiêu thụ với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg do bị siết chặt kiểm tra.
Sau nhiều ngày gặp khó, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam đã có 9 trung tâm kiểm nghiệm chất vàng O được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận đủ điều kiện. Các lô hàng sầu riêng đạt chuẩn yêu cầu đã được thông quan.
Đến nay, ngoài xuất khẩu sầu riêng tươi nguyên trái, Việt Nam đã ký thêm nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu đông lạnh vào thị trường này. Theo lời Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, việc được xuất khẩu sầu riêng sang quốc gia tỷ dân sẽ góp phần tăng dần tỷ trọng sản phẩm chế biến - thứ luôn có giá trị gấp cả 10 lần, thậm chí gấp 100 lần giá trị so với xuất hàng thô mà chúng ta đang tìm kiếm.
Năm 2025, Bộ NN-PTNT dự báo diện tích sầu riêng ở nước ta tăng lên 160.000ha, sản lượng ước đạt 1,55 triệu tấn. Điều này cho thấy nguồn cung sầu riêng tiếp tục tăng mạnh và ngày càng dồi dào.
Nhìn nhận tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn vì mới có chưa đến 1% người dân Trung Quốc tiếp cận được với sầu riêng song chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng chuỗi ngành hàng sầu riêng cần làm bài bản hơn, từ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đến vấn đề chất lượng hàng hoá và thương hiệu sản phẩm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho mặt hàng sầu riêng và các mặt hàng rau quả chủ lực.
Theo ông, đã có một số tiêu chuẩn chung như độ ẩm, sự trầy xước, sượng, tổn thương do lạnh... nhưng hầu hết những tiêu chuẩn này chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
Ví dụ như sầu riêng, quy cách thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch cũng như vận chuyển, chế biến đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt. Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể, người nông dân có thể vô tình làm giảm chất lượng sản phẩm, lớp vỏ (biểu bì) bị trầy xước khiến thời gian bảo quản giảm.
Ông Bình nhấn mạnh, tiêu chuẩn về chất lượng sẽ giúp các bên có cơ sở chung để cùng sản xuất, thu hoạch, chế biến. Đây cũng là tiền đề giúp các bộ ngành tự tin tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, còn doanh nghiệp giữ vững được thị trường xuất khẩu mình.
Có hay không việc giả mạo hồ sơ xuất khẩu sầu riêng?
Hàng trăm tấn sầu riêng xuất Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn