Báo động tình trạng ca nhiễm HIV gia tăng ở nhóm đàn ông quan hệ đồng giới
Số lượng ca nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng và gia tăng nhanh trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Hiện số người có HIV là nam giới chiếm đến 84,4%.
Ngày 9/11, tại buổi cung cấp thông tin về việc phòng chống HIV/AIDS, thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết tại Việt Nam, số người nhiễm HIV là 249.000 người. Số ca bệnh quản lý trên hệ thống là 321.000 người. Từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện năm 1990 đến nay số người tử vong do HIV là 113.698 người.
Số lượng ca nhiễm HIV có xu hướng giảm rõ ràng từ năm 2007 tới năm 2019. Tuy nhiên, từ năm 2020, tỷ lệ ca phát hiện mới tăng trở lại. Chỉ trong 9 tháng năm 2023, cả nước có 10.219 ca mới được phát hiện và 1.126 người tử vong.
Trong đó, hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP.HCM. Từ năm 2021, đường lây chủ yếu là qua đường tình dục chiếm tới 80%, lây truyền qua đường máu có xu hướng giảm. Nếu năm 2019 ,tỷ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn là khoảng 65%, năm 2020 đã tăng lên 75% và năm 2021 con số này là 79,1%. Điều đáng báo động là tình trạng lây nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng và gia tăng nhanh trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Hiện số người có HIV là nam giới chiếm đến 84,4%.
Hiện nay, nhiều quan niệm sai lầm, kỳ thị phân biệt đối xử với cộng đồng người đồng giới vẫn còn tồn tại. Điều này sẽ tiếp tục đẩy tình trạng nhiễm HIV trong nhóm này lên cao, đồng thời làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các cộng đồng dân cư khác, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
Về phương pháp điều trị, Tiến sĩ Eric Dzuiban, Giám đốc nghiên cứu quốc gia CDC Hoa Kỳ, cho biết thời điểm đầu, HIV được coi là bản án tử hình. Hiện tại, HIV có thể kiểm soát, tương tự các bệnh mạn tính khác. Tuy nhiên, hiện này còn khoảng 10% người sống chung với HIV từng bị kỳ thị trong cộng đồng, đặc biệt ở nữ đồng giới. Đây là rào cản to lớn trong công tác kiểm soát và phòng HIV.
Đánh giá về khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS, thạc sĩ Đức nhận định đó là kinh phí cần có để triển khai đầy đủ các hoạt động của chương trình hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 thiếu khoảng 20%. Tỷ lệ này sẽ tăng dần từ các năm sau.
Vì vậy, trong thời gian sắp tới, ông Đức cho biết Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tập trung các hoạt động theo đinh hướng quốc gia trong đó tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, chuyên môn, mở rộng điều trị BHYT, huy động thêm nguồn lực quốc tế.