Bão mùa đông đe doạ nước Mỹ: Nguy cơ mất điện và gián đoạn cung ứng khí đốt
Năm 2021, Mỹ từng hứng chịu một đợt lạnh sâu bất thường do hiện tượng "Polar Vortex" dẫn tới thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 195 tỷ USD.
Hàng triệu người dân trên khắp Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với một cơn bão mùa đông khắc nghiệt, với các dự báo cho thấy nguy cơ mất điện diện rộng và gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Các bang từ miền Trung Tây đến vùng Đông Bắc có thể hứng chịu những đợt lạnh sâu, bão tuyết mạnh và gió giật nguy hiểm, gây ra tình trạng căng thẳng trên toàn bộ mạng lưới năng lượng quốc gia.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khí đốt tự nhiên đóng vai trò quan trọng, cung cấp khoảng 43% sản lượng điện và sưởi ấm cho 45% hộ gia đình trên cả nước. Tuy nhiên, khi nhiệt độ giảm mạnh, nhu cầu nhiên liệu để sưởi ấm và sản xuất điện có thể đạt mức cao kỷ lục.
Dự báo từ công ty tài chính LSEG cho thấy, tổng lượng khí đốt sử dụng tại Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, có thể đạt 156,4 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào ngày 9/1. Điều này gần sát mức cao kỷ lục 168,4 bcfd được thiết lập vào tháng 1/2024 trong đợt băng giá lịch sử khác.
Hiện tượng "đóng băng" đã trở thành mối đe dọa lớn với sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ. Ảnh minh hoạ |
Hiện tượng "đóng băng" – khi các giếng dầu, đường ống khí đốt bị đóng băng do nhiệt độ thấp – đã trở thành mối đe dọa lớn với sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ. Theo dữ liệu từ LSEG, những mùa đông trước đây ghi nhận mức giảm sản lượng nghiêm trọng: Tháng 1/2024 mất 16,5 bcfd sản lượng; Tháng 12/2022 mất 19,4 bcfd; Tháng 2/2021 mất 20,4 bcfd, gây ra khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tại Texas.
Mỗi tỷ feet khối khí đốt đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 5 triệu hộ gia đình trong một ngày, do đó, tình trạng giảm nguồn cung sẽ để lại hậu quả lớn.
Sự kết hợp giữa nhu cầu tăng cao và nguồn cung giảm có khả năng đẩy giá khí đốt lên mức cao hơn nhiều so với hiện tại. Giá khí đốt tại Henry Hub – tiêu chuẩn khí đốt tại Louisiana – đã chạm mốc 3,65 USD/mmBtu, mức cao nhất kể từ tháng 1/2024. Trong đợt băng giá năm 2024, giá khí đốt tại đây từng vượt ngưỡng 13 USD/mmBtu.
Khoảng 250 triệu người tại 40 tiểu bang dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng bởi không khí lạnh, đặc biệt là các khu vực như Missouri, Illinois, Indiana, và Kentucky, nơi có khả năng xảy ra hiện tượng tích tụ băng lớn, dẫn đến nguy cơ mất điện nghiêm trọng. Một số công ty năng lượng lớn đã bắt đầu triển khai kế hoạch đối phó:
CenterPoint Energy đã kích hoạt kế hoạch hành động ứng phó thời tiết lạnh giá tại các bang như Texas, Louisiana, Indiana, Ohio, và Mississippi.
North American Electric Reliability Corp (NERC) – đơn vị giám sát độ tin cậy điện lưới quốc gia – cảnh báo về nguy cơ suy giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên và kêu gọi các nhà cung cấp điện thực hiện biện pháp khẩn cấp để duy trì độ tin cậy. NERC cho biết họ "đặc biệt quan ngại về nguồn cung khí đốt tự nhiên do sản lượng đáng kể ở vùng Trung Đại Tây Dương và Đông Bắc". NERC cho biết họ "đặc biệt quan ngại về nguồn cung khí đốt tự nhiên do sản lượng đáng kể ở vùng Trung Đại Tây Dương và Đông Bắc".
Polar Vortex dẫn tới thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 195 tỷ USD. Ảnh minh hoạ |
>> Châu Âu 'săn lùng' nguồn năng lượng của tương lai, Mỹ là nhà cung cấp hàng đầu thế giới
Trong quá khứ, Mỹ từng hứng chịu một đợt lạnh sâu bất thường do hiện tượng "Polar Vortex" đã quét qua bang Texas và nhiều khu vực khác ở miền Nam nước Mỹ. Sự kiện này đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Texas, để lại hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn nhân mạng.
Vào tháng 2 năm 2021, một khối không khí lạnh cực mạnh từ Bắc Cực tràn xuống miền Nam nước Mỹ, kéo nhiệt độ tại Texas xuống mức thấp kỷ lục, có nơi đạt -18°C. Đây là một hiện tượng hiếm gặp tại khu vực Texas, nơi thường có khí hậu ấm áp ngay cả trong mùa đông.
Texas vận hành một lưới điện độc lập qua Cơ quan Độ tin cậy Điện Texas (ERCOT), không kết nối hoàn toàn với các lưới điện liên bang. Điều này khiến bang không thể nhanh chóng nhập khẩu điện từ các khu vực khác trong thời gian khủng hoảng. Cơ sở hạ tầng năng lượng, bao gồm cả nhà máy điện khí đốt, điện than, điện hạt nhân và điện gió, không được "chuẩn bị để chịu lạnh", dẫn đến sự cố diện rộng.
Hậu Quả là hơn 4,5 triệu người dân rơi vào tình trạng mất điện kéo dài nhiều ngày trong nhiệt độ đóng băng. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ hạ thân nhiệt, không thể sử dụng thiết bị sưởi ấm và không có nước sinh hoạt do đường ống nước bị đóng băng. Ít nhất 246 người thiệt mạng, nguyên nhân chính bao gồm hạ thân nhiệt, ngộ độc khí CO do sử dụng thiết bị sưởi không an toàn, và các sự cố liên quan. Texas rơi vào khủng hoảng nước sinh hoạt do ác nhà máy xử lý nước không hoạt động được do mất điện, dẫn đến thiếu nước uống sạch. Hàng triệu người dân mất nước do các đường ống bị đóng băng hoặc vỡ.
Polar Vortex dẫn tới thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 195 tỷ USD, bao gồm chi phí sửa chữa hạ tầng, thiệt hại sản xuất, và các hóa đơn điện tăng đột biến. Một số công ty năng lượng phá sản vì không thể đáp ứng nhu cầu và bị phạt nặng. Đồng thời, sự kiện trên cũng dẫn tới khủng hoảng chuỗi cung ứng: Các tuyến đường vận chuyển bị gián đoạn, khiến hàng hóa không thể lưu thông; Các cửa hàng thiếu hụt thực phẩm, và giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao.
ERCOT bị chỉ trích nặng nề vì không có kế hoạch dự phòng và không "chuẩn bị cho mùa đông". Một số quan chức cao cấp của ERCOT đã từ chức sau sự kiện. Sự kiện này làm nổi bật nguy cơ của biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Với cơn bão mùa đông dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều ngày, Mỹ đang đối mặt với một bài kiểm tra lớn về khả năng ứng phó với thiên tai và duy trì ổn định năng lượng. Người dân được khuyến cáo theo dõi sát sao các thông tin từ chính quyền và chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình trong giai đoạn khó khăn này.
>> Tổng thống Biden sẽ cấm khoan dầu vĩnh viễn trên diện tích lớn tại vùng biển của Mỹ
Thêm 28 công ty Mỹ bị Trung Quốc 'siết gọng kìm' xuất khẩu
Tổng thống Biden sẽ cấm khoan dầu vĩnh viễn trên diện tích lớn tại vùng biển của Mỹ