Thành phố trực thuộc Trung ương diện tích lớn nhất VN có di sản văn hóa đầu tiên đạt tiêu chuẩn công trình xanh
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận lại đạt chuẩn công trình xanh, mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn di sản theo định hướng phát triển bền vững.
Ngày 19/4, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đã trao chứng nhận “Công trình xanh LOTUS” cho Điện Thái Hòa – một trong những công trình trọng điểm thuộc quần thể di tích Hoàng cung Huế. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận lại đạt chuẩn công trình xanh, mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn di sản theo định hướng phát triển bền vững.

Việc trao chứng nhận không chỉ khẳng định những giá trị lịch sử, kiến trúc quý báu của Điện Thái Hòa mà còn thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền và người dân Huế trong công tác bảo tồn di sản gắn liền với bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, chứng nhận này càng chứng minh rằng di sản văn hóa không chỉ là ký ức của quá khứ mà còn là nền tảng cho tương lai, nếu được gìn giữ và phát huy đúng cách.
Được xây dựng từ năm 1805 dưới triều vua Gia Long, sau đó được tu bổ quy mô lớn vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng, Điện Thái Hòa là công trình tiêu biểu mang tính biểu tượng cho quyền lực của triều Nguyễn. Với kiến trúc gỗ đặc sắc và vị trí trung tâm trong Hoàng thành Huế, nơi đây từng là nơi tổ chức các nghi lễ trọng đại của triều đình.

Mới đây, Điện Thái Hòa đã được trùng tu, phục hồi các yếu tố kiến trúc và nghệ thuật, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc và tạo điều kiện cho du khách tham quan, khám phá, tìm hiểu về di sản quý báu này.
Trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 11/2024, Điện Thái Hòa được tiến hành trùng tu một cách công phu và nghiêm ngặt. Dự án có tổng kinh phí gần 128 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục quan trọng như phục hồi hệ thống kết cấu gỗ chịu lực, mái, tường, nền; bảo quản và làm mới các chi tiết trang trí nội ngoại thất.
Đáng chú ý, công đoạn sơn son thếp vàng là một phần không thể thiếu trong kiến trúc cung đình Huế đã được thực hiện kỹ lưỡng, khôi phục vẻ đẹp vàng son tráng lệ vốn có, tái hiện không gian uy nghi, lộng lẫy như xưa.
Dự án trùng tu còn ứng dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại trong bảo tồn, kết hợp sử dụng vật liệu truyền thống với công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động môi trường, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ tối đa giá trị nguyên bản của di tích.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Nghị quyết chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện có của tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích hơn 4.947km2 và dân số đạt khoảng 1.236.393 người. Với quy mô này, Huế trở thành thành phố có diện tích lớn nhất cả nước, vượt qua Hà Nội (3.359km2) và TP.HCM (2.095km2).
Đặc biệt, Huế cũng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất của Việt Nam có đường biên giới quốc gia, giáp với nước bạn Lào về phía Tây, tạo lợi thế trong giao thương và hợp tác khu vực.
>>Sau sáp nhập, đây là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất nhưng giàu có top đầu Việt Nam