Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt được đúng mục tiêu đề ra từ cuối năm 2020, xây dựng kịch bản tích cực phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2022 cao nhất là 42,5 - 43,5 tỷ USD.
Chia sẻ tại Họp báo Hội nghị tổng kết 2021 do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức sáng 7/12, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đặc biệt trong quý 3, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Nếu quý I/2021, DN phấn khởi bởi ngay từ đầu năm đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí hết năm. Sang quý II/2021, dịch bùng phát ở khu vực phía Bắc khiến DN rơi vào trạng thái lo lắng. Quý III/2021, dịch bắt đầu bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh và lan rộng ra các tỉnh khu vực phía Nam khiến sản xuất của các DN khu vực này gần như đóng băng. Xuất khẩu (XK) dệt may tháng 7, 8, 9 liên tục giảm. Chỉ khi sang tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu qủa dịch Covid-19 được thực thi, sản xuất của DN bắt đầu hồi phục, XK khả quan hơn.
Theo đại diện VITAS, cũng chính bởi sản xuất của DN được khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm 2021 đã giúp ngành đạt 39 tỷ USD kim ngạch XK, tương đương với năm 2019. Trong đó, hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ, tăng trên 49%, trong đó chủ yếu XK sang Trung Quốc... Bên cạnh đó, ngành cũng nhập khẩu (NK) khoảng 21,7 tỷ USD.
Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của dệt may Việt Nam với 15,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc 4,4 tỷ USD - chủ yếu là sợi. Riêng thị trường khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), XK giảm nhẹ, đạt 5,1 tỷ USD, so với 5,3 tỷ USD của năm trước.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 từ ngày 1/10/2021 với việc thay đổi chiến lược từ “Zero Coid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, ngành dệt may đã có những khởi sắc đáng kể, đặc biệt nhất là trong Quý IV năm nay kim ngạch xuất khẩu năm 2021 có thể đạt 39 tỷ USD.
Họp báo của VITAS về Hội nghị Tổng kết năm 2021
Mục tiêu tham vọng xuất khẩu 43,5 tỷ USD năm 2022
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero COVID-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Trên cơ sở đó, VITAS cũng xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch XK 42,5 - 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; kịch bản trung bình đạt 40 - 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; kịch bản thấp nhất đạt 38 - 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
Doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ, địa phương chung tay
Ông Trương Văn Cẩm cho biết, điều kiện tiên quyết là tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động. Cùng với đó, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực của nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đã cạn kiệt. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về chính sách tài khóa, tiền tệ… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đặc biệt đối với ngành dệt may, ông Cẩm cho rằng vấn đề quan trọng là làm sao để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính vì thế ngành đã và đang tìm mọi cách để có thể là liên hệ, thu hút khách hàng đến với DN cũng như chia sẻ lợi ích, đồng hành mỗi khi DN gặp khó khăn. “Sự gắn bó giữa khách hàng với DN là một trong những điều kiện sống còn. Nếu như khách hàng chuyển sang thị trường khác, khi DN thu hút khách hàng quay trở lại sẽ tốn kém rất nhiều chi phí không chỉ của DN mà cho cả phía khách hàng”, ông Cẩm nói.
Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, điều rất cần nữa đối với các DN đó là các địa phương cần cùng chung tay, phối hợp với DN trong hoàn cảnh sống chung với dịch, mỗi khi có ca F0, F1 trong DN, rất cần có sự chung tay của địa phương để tháo gỡ, nếu không DN sẽ rất lúng túng, bởi DN chỉ lo sản xuất mà không có chuyên môn về y tế.
Ông trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin tại buổi họp báo
Tại họp báo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về Hội nghị tổng kết 2021 được tổ chức ngày 17/12, dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của hiệp hội trong năm 2021, chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và hiệp hội cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030. Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết, cũng sẽ diễn ra hội thảo xoay quanh tác động của đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may; biến đổi khí hậu trong ngành thời trang; thương mại bền vững; chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm; thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch COVID-19…