Một trong những điểm tích cực của kinh tế năm 2022 là tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 208.300, tăng 30,3% so với năm 2021.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 12/2022, có 11.384 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó là 3.776 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.847 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung cả năm 2022, cả nước có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy trung bình có mỗi ngày có khoảng 400 doanh nghiệp đóng cửa. Trong số đó có: 73.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 34,3% so với năm 2021); 50.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, (tăng 5,5%); 18.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 11,2%).
Những con số này cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 cũng đã ghi nhận nhiều điểm tích cực. Trong chiều ngược lại, năm 2022 cả nước có đến 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (148.500 doanh nghiệp) và quay trở lại hoạt động (59.800 doanh nghiệp), tăng 30,3% so với năm trước. Bình quân mỗi ngày năm 2022 có đến hơn 570 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Con số này cao gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2017-2021 (167.029 doanh nghiệp).
Theo thống kê, 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2022 có tổng số vốn đăng ký là 1,59 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981.300 lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng.
Nếu tính cả 3,172 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 50.400 doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2022 là 4,763 triệu tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm trước.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý I/2023, có 31,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2022; 37,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 31,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5,679 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Điều này cho thấy sức mua của người tiêu dùng tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh.
Một doanh nghiệp dự kiến đầu tư xây khu nghỉ dưỡng khoáng nóng 33.000m2 phục vụ CBCNV
Cuối năm nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao để có người làm