Bất động sản khó khăn, lương Chủ tịch Phát Đạt giảm trên 80%
Quý III/2023, doanh thu của Bất động sản Phát Đạt tăng 32 lần nhưng lợi nhuận giảm 86%. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT chỉ nhận mức lương 485 triệu đồng, giảm 84% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT nhận mức lương gần 485 triệu đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, ông Đạt nhận gần 162 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch HĐQT nhận mức lương 265,6 triệu đồng, giảm 75% cùng kỳ. Với mức lương như vậy trong quý III, bà Hường nhận 88,5 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, khối điều hành cũng ghi nhận mức lượng giảm trong quý III của các thành viên. Theo đó, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc nhận lương hơn 1,4 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng ông Vũ nhận 467 triệu đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Về kết quả kinh doanh quý III, doanh thu thuần của Phát Đạt đạt gần 355 tỷ đồng, gấp gần 32 lần so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng đất chiếm hơn 346 tỷ đồng (gấp 45 lần).
Tuy nhiên, doanh thu tài chính của Phát Đạt trong quý III/2023 chỉ đạt 509 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 con số này là 1.251 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính “bốc hơi” mạnh khiến lợi nhuận sau thuế quý III của Phát Đạt chỉ đạt gần 102 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Phát Đạt giảm gần 3 lần, chỉ đạt 550 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu tài chính cũng bốc hơi gần 2,4 lần chỉ đạt 528 tỷ đồng.
Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Phát Đạt chỉ ghi nhận lãi sau thuế 337 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022 (1.558 tỷ đồng).
Giải thích về lý do lợi nhuận sụt giảm, Phát Đạt cho biết tình hình chung của ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư các dự án của công ty không được thuận lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang trong quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Kết phiên giao dịch ngày 20/10, cổ phiếu PDR đạt 23.450 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* TC6: Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, CTCP Than Cọc Sáu – Vinacomin ghi nhận doanh thu thuần 1,515 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Công ty lãi ròng 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 350 tỷ đồng.
* PNJ: CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu thuần 6.918 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hơn 253 tỷ đồng, gần như tương đương cùng kỳ năm trước.
* HVT: CTCP Hóa chất Việt Trì trong quý III ghi nhận doanh thu đạt 303 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; lãi sau thuế chỉ 1,2 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ tới 98%. Lũy kế 9 tháng, HVT đạt 942 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 5%; lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 66 tỷ đồng và 53 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.
*TCM: Quý III/2023, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công ghi nhận doanh thu thuần hơn đạt 919 tỷ đồng; lãi ròng khoảng 54 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu thuần 2.510 tỷ đồng và lãi sau thuế 111 tỷ đồng, giảm tương ứng 26% và 50% so với cùng kỳ.
* HNA: Kết quả kinh doanh quý III/2023 của CTCP Thủy điện Hủa Na với doanh thu giảm 45% so với cùng kỳ, còn 236 tỷ đồng; lãi sau thuế 106 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.
* SLS: Quý 1 niên độ 2023-2024 (từ ngày 1/7-30/9/2023), CTCP Mía Đường Sơn La ghi nhận doanh thu thuần 431 tỷ đồng và lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng tương ứng 26% và 47% so với cùng kỳ.
*WCS: CTCP Bến xe Miền Tây công bố BCTC quý III với doanh thu thuần đạt 36,8 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 18,9 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 105,4 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 51,2 tỷ đồng, tăng 106%.
* VND: CTCP Chứng khoán VNDIRECT vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý III/2023 với doanh thu hoạt động đạt hơn 1.751 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; lãi ròng 636 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ.
* TPB: BCTC quý III vừa công bố cho thấy, TPBank giảm 26% lãi trước thuế, chỉ còn gần 1.576 tỷ đồng, do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro. Đáng chú ý, nợ xấu cuối quý III lên mức 5.350 tỷ đồng, gấp 4 lần đầu năm.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 20/10, VN-Index tăng 20,8 điểm (+1,86%) lên 1.108,03 điểm, HNX-Index tăng 5 điểm (+2,24%) lên 228,45 điểm, UpCOM-Index tăng 0,62 điểm (+0,73% ) lên 85,62 điểm.
Theo Chứng khoán VNDIRECT, trái với kỳ vọng rằng đà phục hồi có thể được duy trì, thị trường chứng khoán liên tiếp ghi nhận 4 phiên điều chỉnh mạnh trong tuần qua và chỉ phục hồi một phần trong phiên giao dịch Thứ 6.
Thêm vào đó, đà bán mạnh thường bất ngờ xuất hiện trong phiên buổi chiều làm nhà đầu tư trở tay không kịp và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường. Điều này có thể là do hoạt động chủ động hạ hoặc giải chấp margin của một số bên cho vay. Vì vậy, nhà đầu tư cần quan sát thêm tác động của diễn biến này tới xu thế thị trường trong những phiên tới.
Theo Trung tâm phân tích DSC, nguyên nhân chính cho đà điều chỉnh của thị trường này tới từ kỳ vọng chính sách của nhà đầu tư liên quan tới dòng tiền. Phát biểu gần đây của Thống đốc NHNN cho rằng: "Nếu xu hướng lạm phát bùng lên, thì chính sách tiền tệ có nhiệm vụ phòng ngừa, chuẩn bị xu hướng thắt chặt".
DSC nhận định, thị trường đang có phần phản ứng với những thông tin này khi kỳ vọng tiền rẻ bị tác động.