Bất động sản trở thành 'điểm trũng' của dòng vốn FDI với 2,4 tỷ USD
Có khoảng 20% vốn FDI "chảy" vào bất động sản chỉ trong vòng 8 tháng vừa qua.
Trong tổng số gần 12 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới giai đoạn 8 tháng vừa qua, có 2,4 tỷ USD thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng 20%.
Theo như số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố vào 6/9, tính đến 31/8, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (gồm vốn đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, có khoảng 2.247 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký).
>> 4 trường hợp đất lấn chiếm, vi phạm vẫn được xem xét cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đạt khoảng 8,53 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 20%; các ngành còn lại đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 8,9%.
Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện vẫn đang có dấu hiệu tích cực.
Đặc biệt vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh đều tăng cả về số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư.
Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,66 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc gần 1,7 tỷ USD, chiếm 14,2%; Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 1,41 tỷ USD, chiếm 11,7%; Nhật Bản 1,24 tỷ USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 731,3 triệu USD, chiếm 6,1%; Đài Loan (Trung Quốc) 660,3 triệu USD, chiếm 5,5%.
Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản (BĐS) chứng tỏ rằng BĐS vẫn là một thị trường tiềm năng với cơ hội phát triển lớn.
Phân tích từ các chuyên gia tài chính BĐS cho thấy, Việt Nam đã và đang thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở thị trường này là yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Một động lực quan trọng khác dự kiến sẽ mang đến "làn gió mới" cho thị trường BĐS trong thời gian tới là tác động tích cực mà các luật mới liên quan đến đất đai chính thức có hiệu lực.
Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định rằng thị trường BĐS cả nước đang dần hồi phục và chuẩn bị bước vào một chu kỳ phát triển mới. Vì vậy, đây sẽ là một thị trường tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Đính, trong bối cảnh chứng khoán biến động mạnh, vàng liên tục tăng giá, và lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức thấp nhất, chỉ khoảng 4 - 5% cho kỳ hạn 12 tháng, BĐS vẫn sẽ là kênh đầu tư triển vọng trong tương lai.
>> Giá đất nền ở TP đáng sống nhất Việt Nam trên đà tăng trưởng và sẽ không quay đầu tụt giảm