Doanh nghiệp

Bất ngờ nguồn gốc tên gọi sữa Ông Thọ và câu chuyện đầy thú vị phía sau

Yên Hoàng 12/10/2023 05:10

Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, dù gặp bao nhiêu biến động, sữa Ông Thọ vẫn luôn được người tiêu dùng Việt ưu ái.

Nguồn gốc sữa Ông Thọ

Trước năm 1975, Công ty sữa đa quốc gia Foremost có hoạt động kinh doanh tại miền Nam Việt Nam, họ sản xuất sữa với nhãn hiệu Longevity (“Trường sinh”), mang hình ảnh một ông già cầm trái đào tiên, và gọi đó là sữa Ông Thọ một cách không chính thức để người Việt dễ hiểu…

Hành trình nỗ lực chạm vào trái tim người tiêu dùng Việt của hãng sữa hơn 50 năm tuổi

Sau năm 1975, các cơ sở sản xuất của Foremost bị nhà nước quốc hữu hóa rồi giao cho Vinamilk tiếp quản. Từ năm này đến năm 1990, Vinamilk sản xuất loại sữa đặc mang tên Ông Thọ kinh doanh tại Việt Nam, cũng với hình ảnh một ông già cầm quả đào tiên.

Thời gian sau đó, Công ty Foremost quay lại Việt Nam đầu tư kinh doanh, họ quyết định đòi lại nhãn hiệu sữa với hình ảnh ông già cầm quả đào tiên từ tay Vinamilk.

Vụ kiện kéo dài rồi được tòa án quốc tế tuyên rằng hình ảnh ông già cầm quả đào tiên là của Foremost (không bao gồm chữ Ông Thọ bằng tiếng Việt.

Sau khi thắng kiện, Công ty Foremost khuếch trương thương hiệu sữa này bằng tên gọi Longevity với ông già cầm quả đào tiên như đã từng nổi tiếng, đã đi vào tiềm thức và kí ức mọi người tại miền Nam Việt Nam trước 1975.

Nhưng trớ trêu thay, Foremost bị phản ứng ngược vì người Việt bây giờ đã quen với chữ Ông Thọ của Vinamilk rồi. Họ cho rằng Longevity là nhãn hiệu nhái với Ông Thọ nên sữa Ông Thọ lại càng được ưa chuộng và bán chạy nhiều hơn…

Để thay đổi cho chiến lược sai lầm này, Foremost đã Việt hóa chữ Longevity thành chữ Trường Sinh, và nhãn hiệu sữa này vẫn tồn tại “miễn cưỡng” đến ngày nay…

Hành trình nỗ lực chạm vào trái tim người tiêu dùng Việt của hãng sữa hơn 50 năm tuổi

Cuộc hành trình bắt đầu của Sữa Ông Thọ

Cuộc hành trình của sữa đặc bắt đầu từ sau giải phóng, khi Vinamilk tiếp quản 3 nhà máy tại miền Nam gồm nhà máy Thống Nhất, nhà máy Trường Thọ và nhà máy Dielac. Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thiết bị công nghệ cũ kỹ, không có nguồn ngoại tệ nhập khẩu nguyện liệu nên doanh nghiệp hoàn toàn thụ động trong sản xuất. Các nhà máy chỉ chạy chưa tới 1/20 công suất, sản xuất cầm chừng vài nghìn lon sữa mỗi tháng.

"Thời kỳ này, sữa đặc được xem như hàng xa xỉ phẩm do quá khan hiếm và đắt đỏ. Hộp sữa đặc phân phối theo tiêu chuẩn, dù vỏ lon khi đến tay người tiêu dùng nhiều lon bao bì đã ố vàng nhưng vẫn là niềm ao ước của biết bao người. Chỉ những người ốm hay trẻ nhỏ, người già mới được uống cốc sữa để bồi bổ sức khỏe", bà Mai Kiều Liên nhớ lại.

Để giải quyết khó khăn, lãnh đạo Vinamilk chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có ngoại tệ mạnh, đặc biệt là Seaprodex. Song song đó, công ty cho ra mắt nhãn hiệu sữa đặc Ông Thọ. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, bán tại các cửa hàng Cosevina và Imexco nhằm xuất khẩu tại chỗ lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu. Kết quả, từ vài trăm triệu đồng ban đầu, công ty đã nâng vốn tự có lên 20 tỷ đồng vào năm 1987, gia tăng sản lượng, doanh thu vượt kế hoạch.

Thành công vừa mới đạt lại vụt mất vào đầu những năm 1990. Do cấm vận kinh tế nên Vinamilk không nhập được phụ tùng thay thế phục vụ sản xuất, bị động nguồn nguyên liệu. Kỹ sư và công nhân đã cùng nhau vượt khó bằng cách tự thiết kế hình Ông Thọ dập nổi, sáng tạo gia công khuôn nắp lon sữa, tận dụng phế liệu chiến tranh như xác xe tăng, nòng pháo...

"Chúng tôi 'mù' thông tin về giá cả thị trường thế giới, trong khi nguyên liệu lại nhập khẩu hoàn toàn, không giao lưu trao đổi với bên ngoài, bị động nguồn vốn ngoại tệ mạnh. Làm sao có thể giảm giá mua, từ đó giảm giá thành sản phẩm là bài toán khó", bà Liên nói.

Vượt qua khó khăn, vươn tầm thế giới

Từ những năm 1990, Vinamilk tìm hiểu và ký hợp đồng tại các nước sở tại và mua trực tiếp nguồn nguyên liệu bột sữa, dầu bơ…, với giá rẻ hơn vài trăm USD mỗi tấn so với giá nhập qua các công ty xuất nhập khẩu. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm giảm, cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Mặt khác, Vinamilk đã lên kế hoạch phát triển hệ thống trang trại bò sữa trong nước nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu.

Khi cấm vận kinh tế được bãi bỏ, Vinamilk bước sang giai đoạn phát triển mới. Doanh nghiệp nhập máy móc hiện đại nhằm đẩy mạnh sản lượng và tăng cường chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nước. Mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam giúp tổng đàn từ 3.000 con năm 1991 đã vượt lên trên 120.000 con năm 2016, cho sản lượng sữa 200.000 tấn một năm.

"Đây là bước ngoặt quan trọng. Nhờ vậy, Vinamilk chủ động nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất. Chiến lược kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới cùng vùng nguyên liệu từ 1991-2003 đã giúp công ty chiếm đến 75% thị phần sữa đặc trong nước", bà Liên kể.

Theo thời gian, sữa đặc Ông Thọ trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Vinamilk. Năm 1998 công ty xuất khẩu sang 3 thị trường Mỹ, Nga, Nhật cho đến hiện nay Sữa đặc ông Thọ của Vinamilk đã chinh phục trên 35 quốc gia, bao gồm toàn bộ Châu Á – Thái Bình Dương, một số nước châu Mỹ và châu Phi với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế khoảng 243 triệu USD.

Nỗ lực chạm vào trái tim người tiêu dùng

Sau khi cổ phần hóa vào năm 2003, sữa Ông Thọ vẫn là sản phẩm chủ lực của Vinamilk (VNM), luôn nằm trong top hàng Việt Nam chất lượng cao. Để theo kịp thị hiếu người dùng thay đổi, công ty mở rộng danh mục sản phẩm, cải tiến mẫu mã, chất lượng, phong phú về chủng loại cho phù hợp với từng nhu cầu sử dụng khác nhau.

Ở phân khúc nội địa nhiều sản phẩm sữa đặc đã ra đời như Ông Thọ trắng nắp mở nhanh, Ông Thọ đỏ, Ông Thọ chữ xanh, Ngôi Sao Phương Nam xanh lá, đỏ, cam và xanh biển. Khi xuất khẩu, sản phẩm sữa đặc của Vinamilk cũng mang nhiều tên khác nhau như Bestcows, Angle, Captain, Driftwood…

Về bao bì cũng đa dạng chủng loại và thể tích như bao bì lon thiếc 380g, bao bì hộp giấy loại một lít và bao bì dạng vỉ nhựa nhỏ 40g dùng một lần. Thiết kế lon từ dạng bình thường chuyển sang lon có gân, giúp giảm độ dày của thiếc, tiện dụng khi chất xếp. Nhãn mác trên lon thiếc cải tiến từ nhãn giấy thông thường qua nhãn giấy bóng cao cấp tạo phong cách sang trọng, đẹp mắt.

Mới đây, nhãn hàng này tiếp tục tiên phong tung ra thị trường dòng sản phẩm sữa đặc với 2 hương vị hoàn toàn mới là sô cô la và dâu.

Hành trình nỗ lực chạm vào trái tim người tiêu dùng Việt của hãng sữa hơn 50 năm tuổi

Với công thức hòa quyện từ dòng sữa thơm sánh mịn cùng vị sô cô la đậm đà hoặc dâu ngọt ngào, sản phẩm phù hợp để sử dụng trong pha chế các loại đồ uống như đá xay, sinh tố hay ăn kèm với các món thân thuộc như bánh flan, trái cây dầm, bánh mì, bánh kếp… Sản phẩm mang đến trải nghiệm khác biệt, mới mẻ, ngon miệng và hấp dẫn cho người dùng. Đặc biệt, sản phẩm được đóng gói dạng tuýp tiện lợi giúp việc sử dụng cũng như bảo quản trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

Sản lượng sản xuất sữa đặc lên đến gần 15.000 tấn mỗi tháng (tương đương 1,3 triệu lon sữa mỗi ngày). Theo báo cáo Kantar Brand Foot Print 2023, Ông Thọ tiếp tục duy trì vị thế là một trong 5 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ngành sữa và các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam.

Điểm tin doanh nghiệp tuần qua: Đức Long Gia Lai, ông Dũng "lò vôi", Aeon... là tiêu điểm

Việt Nam có 2 sản phẩm sữa đạt 3 sao từ Superior Taste Award

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hanh-trinh-no-luc-cham-vao-trai-tim-nguoi-tieu-dung-viet-cua-hang-sua-hon-50-nam-tuoi-205176.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bất ngờ nguồn gốc tên gọi sữa Ông Thọ và câu chuyện đầy thú vị phía sau
POWERED BY ONECMS & INTECH