Bến Tre: Không để phát triển mới các cơ sở sản xuất than thiêu kết không đảm bảo xử lý chất thải đạt quy chuẩn
Thời gian qua, sản xuất than thiêu kết đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Bến Tre, giải quyết được nguồn nguyên liệu gáo dừa trong chuỗi giá trị cây dừa, tạo sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khí thải trong quá trình sản xuất than không được chủ sản xuất quan tâm xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường dẫn đến ô nhiễm không khí xung quanh, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 46 cơ sở sản xuất than: Huyện Giồng Trôm có 41 cơ sở với 395 lò đốt, công suất hoạt động bình quân khoảng 2,5 - 3,5 tấn than/lò/tuần; huyện Bình Đại có 4 cơ sở và huyện Châu Thành có 1 có cơ sở. Hầu hết các cơ sở đang hoạt động sử dụng đất không đúng mục đích. Các cơ sở có hệ thống xử lý khói thải lò than, nhưng các hệ thống đã xuống cấp và chưa xử lý hiệu quả khí thải phát sinh.
Hiện nay, một số cơ sở đã thực hiện cải tiến lại hệ thống xử lý khói thải. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát và đo mẫu nhanh ngày 6/7/2023, tại 2 cơ sở đang vận hành hệ thống xử lý khí cải tiến tại xã Phong Nẫm và 02 cơ sở có vận hành hệ thống xử lý cũ cho thấy hàm lượng CO trong khí thải các lò than đều >11.400 mg/Nm3 (cao hơn so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, CO < 1.000="">
Để giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm do hoạt động sản xuất than thiêu kết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện nhiều mô hình nghiên cứu ứng dụng xử lý khí thải từ hoạt động than thiêu kết.
Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước đã được thực hiện chặt chẽ hơn, không để phát sinh mới cơ sở sản xuất than thiêu kết không đủ điều kiện về đất đai, môi trường. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất than thiêu kết vẫn gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân, nguyên nhân do chủ cơ sở không vận hành thường xuyên hệ thống xử lý, các mô hình công nghệ trước nay không xử lý triệt để khí thải từ các lò đốt theo hình thức thủ công, truyền thống; riêng mô hình công nghệ mới lò đốt than tiên tiến cho thấy kết quả khả quan trong xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (mô hình ở xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri) nhưng chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Vì vậy, nhằm giải quyết tốt tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất than thiêu kết trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố có liên quan thực hiện tốt một số nội dung.
Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, vận động các cơ sở sản xuất than thiêu kết đầu tư công nghệ sản xuất, xử lý khí thải tiên tiến, vận hành thường xuyên công trình xử lý chất thải trong quá trình hoạt động sản xuất, nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đến hết năm 2023, tất cả các cơ sở than thiêu kết đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải hoàn thành đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất, xử lý khí thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường; đối với các cơ sở không xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, sau năm 2023 phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc di dời đến khu vực phù hợp và phải đảm bảo đúng theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường theo phân công, phân cấp của quy định pháp luật và theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh về ban hành quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Hỗ trợ UBND các huyện, thành phố về công tác chuyên môn, tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai, bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất than thiêu kết, có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật theo quy định.
Chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) đủ điều kiện thực hiện quan trắc khí thải theo quy định phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất than thiêu kết trên địa bàn tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao, nhân rộng áp dụng công nghệ kỹ thuật, mô hình sản xuất phù hợp, công nghệ xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho các cơ sở sản xuất than thiêu kết. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất than thiêu kết tiếp cận các chính sách hỗ trợ để đầu tư ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất, xử lý chất thải, không gây ô nhiễm môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường để tiếp tục duy trì, phát triển ngành sản xuất than thiêu kết từ gáo dừa, tạo sản phẩm có giá trị, thay thế các cơ sở nhỏ lẻ không đảm bảo vấn đề môi trường.
Trong quá trình cấp giấy phép kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan trong hướng dẫn, thực hiện các thủ tục, hồ sơ đầu tư cho doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động, trong đó cần phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với các cơ sở sản xuất than thiêu kết không đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Công an tỉnh tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã theo dõi tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất than thiêu kết; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường
UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường theo thẩm quyền; không để phát triển mới các cơ sở sản xuất than thiêu kết không đảm bảo xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Yêu cầu các cơ sở sản xuất than thiêu kết phải có cam kết thực hiện đúng lộ trình: Đến hết năm 2023 phải hoàn thành công trình xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, sử dụng đất đúng mục đích hoặc di dời đến khu vực phù hợp theo quy định. Đồng thời, từ nay đến cuối năm 2023, các cơ sở đang hoạt động phải cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường.
Lập kế hoạch phát triển ngành sản xuất than thiêu kết, có định hướng phương án di dời, chuyển đổi ngành nghề đối với trường hợp buộc ngưng hoạt động. Rà soát, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất than thiêu kết trên địa bàn huyện đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật để xem xét bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đất đai để khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở có nhu cầu di dời đến địa điểm mới.
Ngành dừa trước ngưỡng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD
Giá heo hơi hôm nay 12/12: tăng rải rác tại miền Bắc và miền Trung