Xã hội

Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025

Minh Phát 28/12/2024 - 15:46

Đây là một trong số ít các công trình kiến trúc cổ còn nguyên vẹn, may mắn không bị tàn phá bởi thực dân Pháp hay chiến tranh khốc liệt.

Từ ngày 1/1/2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài Hà Nội). Là một trong những biểu tượng đặc biệt của Thủ đô, việc mở cửa di tích này không chỉ mang đến cơ hội trải nghiệm, mà còn giúp công chúng hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của một công trình thiêng liêng.

Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025 - ảnh 1
Từ ngày 1/1/2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên/ Hà Nội mới

Cột cờ Hà Nội tọa lạc tại số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, dưới niên hiệu vua Gia Long. Trải qua hơn 200 năm thăng trầm, nơi đây trở thành chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, ghi dấu những thời khắc oanh liệt trong lịch sử dân tộc và biểu trưng cho ý chí độc lập tự chủ của người Việt Nam.

Cột cờ được xây dựng từ năm 1805 và hoàn thiện năm 1812, dưới triều Nguyễn. Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đây là một trong số ít các công trình kiến trúc cổ còn nguyên vẹn, may mắn không bị tàn phá bởi thực dân Pháp hay chiến tranh khốc liệt.

Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025 - ảnh 2
Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025 - ảnh 3
Trải qua hơn 200 năm thăng trầm, nơi đây trở thành chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên/Hà Nội mới

Với chu vi 180m, toàn bộ chiều cao phần xây dựng của Cột cờ là hơn 33m và khi tính cả cột thép treo cờ, tổng chiều cao đạt trên 40m. Công trình vừa là nơi treo cờ, vừa đóng vai trò như một đài quan sát chiến lược trong lịch sử.

Cột cờ gồm ba phần chính: chân đế, thân cột và vọng lâu. Phần chân đế có ba tầng, cao dần và nhỏ dần từ dưới lên, tạo thế vững chãi. Thân cột được trang trí với các hoa văn tinh xảo, kết hợp các lỗ thông hơi để lấy ánh sáng và thông gió. Phần vọng lâu có tám cửa sổ, mở ra bốn phương tám hướng, mang đến tầm nhìn toàn cảnh thành phố Hà Nội. Du khách muốn chinh phục đỉnh cột cần vượt qua 105 bậc cầu thang dẫn từ chân đế lên trên.

Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025 - ảnh 4
Phần vọng lâu có tám cửa sổ, mở ra bốn phương tám hướng, mang đến tầm nhìn toàn cảnh thành phố Hà Nội. Ảnh: Tạp chí Tri thức

Đỉnh cột cờ được thiết kế thành lầu hình bát giác cao 3,3m với trụ tròn đường kính 0,4m ở giữa, cao đến đỉnh lầu là nơi cắm cán cờ cao 8m. Phần mái hình nón đội, được làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói và được tích hợp hệ thống cột sắt, ròng rọc để treo cờ, đồng thời đóng vai trò cọc thu sét. Thời nhà Nguyễn, cờ vàng triều đình thường tung bay trên đỉnh cột trong các dịp lễ, Tết và đây cũng là nơi vua quan tổ chức duyệt quân, đấu võ.

Đứng trên Cột cờ, du khách không chỉ cảm nhận được sự uy nghiêm của công trình lịch sử mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan đặc sắc của Hà Nội. Hướng Bắc là các di tích cổ như cửa Đoan Môn, Lầu Công Chúa, Cửa Bắc; hướng Đông, Nhà Bưu điện soi bóng xuống Hồ Gươm thơ mộng; hướng Tây là Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh; trong khi hướng Nam mở ra không gian rộng lớn với các kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô.

Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025 - ảnh 5
Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025 - ảnh 6
Ở cửa hướng bắc bố trí hai cầu thang lên sân thượng phía bên phải và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ, đan lồng với nhau trông tựa hình mạng nhện. Ảnh: Tạp chí Tri thức

Tại hướng Bắc, hai cầu thang được thiết kế hai bên, dẫn lên sân thượng phía bên phải và bên trái. Mỗi cầu thang gồm 14 bậc, với tay vịn bằng sắt chắc chắn. Trên cửa phía Đông, hai chữ Hán nổi bật “Ngênh húc” được đắp nổi, mang ý nghĩa “đón ánh sáng ban mai”. Phía Tây, cửa vòm trang trí chữ “Hồi quang” tượng trưng cho “ánh sáng phản chiếu”. Phía Nam, cửa vòm được đắp chữ “Hướng minh” ý chỉ “hướng về nơi sáng rõ.” Riêng cửa phía Bắc, không có chữ đắp nổi, giữ lại sự đơn giản và trầm mặc.

Thân cột cờ được xây dựng với cầu thang xoắn ốc gồm 54 bậc, dẫn thẳng lên đỉnh. Dọc theo lối đi, các lỗ thoáng hình hoa và hình rẻ quạt – 39 lỗ hình hoa và 6 lỗ hình rẻ quạt – vừa lấy ánh sáng, vừa thông thoáng khí, tạo sự hài hòa trong thiết kế. Bên trong Cột cờ, một tấm biển ghi rõ thời gian hoàn thành công trình dưới triều Vua Gia Long, triều Nguyễn, trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long.

Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025 - ảnh 7
Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Tri thức

Tổng thể Cột cờ Hà Nội được xây dựng theo cấu trúc ba tầng gạch hình vuông, theo kiểu “thượng thu hạ thách,” tạo nên những khối lăng trụ xếp chồng lên nhau. Bố cục cân đối, kiên cố mang đến sự vững chãi trường tồn qua thời gian.

Bức tường gạch của Kỳ đài, qua năm tháng, đã mang màu rêu phong, ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử. Năm 1873, nơi đây từng chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng của lính triều đình chống lại quân Pháp. Lần thứ hai, vào năm 1882, Kỳ đài rơi vào tay Pháp và được sử dụng làm trại lính thông tin. Đến năm 1954, sau khi Thủ đô được giải phóng, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh Cột cờ. Kể từ đó, lá Quốc kỳ luôn hiện diện tại đây, biểu trưng cho lòng tự hào và tinh thần độc lập của dân tộc.

Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025 - ảnh 8
Bức tường gạch của Kỳ đài, qua năm tháng, đã mang màu rêu phong, ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử. Ảnh: Hà Nội mới

Nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vào 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1964, thành phố Hà Nội long trọng tổ chức lễ gắn biển và đổi tên đường Cột Cờ thành đường Điện Biên Phủ. Đến ngày 20/1/1989, Bộ Văn hóa - Thông tin chính thức công nhận Cột cờ Hà Nội là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Trải qua hơn 200 năm lịch sử, Cột cờ Hà Nội vẫn hiên ngang vượt qua mọi thử thách của thiên nhiên và chiến tranh, giữ vững hình ảnh lá cờ Tổ quốc bay phấp phới. Công trình này không chỉ là biểu tượng kiến trúc, mà còn là hiện thân của ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Cột cờ Hà Nội trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách. Việc mở cửa Cột cờ Hà Nội hứa hẹn mang lại trải nghiệm khó quên cho du khách, đồng thời góp phần lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa của một biểu tượng trường tồn với thời gian.

Chiêm ngưỡng kỳ đài cổ nhất Việt Nam, là di tích lịch sử quan trọng của người Thành Nam xưa

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ben-trong-ky-dai-hon-200-tuoi-giua-long-ha-noi-la-bieu-tuong-hung-thieng-cua-thu-do-chuan-bi-mo-cua-don-khach-tham-quan-tu-112025-133481.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bên trong kỳ đài hơn 200 tuổi giữa lòng Hà Nội: Là biểu tượng hùng thiêng của Thủ đô, chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan từ 1/1/2025
    POWERED BY ONECMS & INTECH