‘Kỳ đài lịch sử’ của Việt Nam được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, có thể chống bom đạn và động đất cấp 7, là nơi lưu giữ di hài của Bác Hồ
Giá trị của công trình không nằm ở sự tráng lệ bề ngoài, mà ở ý nghĩa thiêng liêng: nơi lưu giữ và tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của một con người vĩ đại đã đi vào lịch sử dân tộc và nhân loại.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trang nghiêm tại trung tâm Quảng trường Ba Đình, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc đặc biệt mang giá trị chính trị – văn hóa sâu sắc, mà còn là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin và ý chí của toàn thể dân tộc đối với con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.
Quá trình xây dựng và ý nghĩa lịch sử
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam – đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng toàn thể nhân dân và bạn bè quốc tế.

Thể theo nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.
Địa điểm được lựa chọn chính là Quảng trường Ba Đình lịch sử – nơi Bác từng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được sự hỗ trợ tận tình từ Chính phủ Liên Xô. Từ ngày 9 đến 23/1/1970, một đoàn chuyên gia gồm 7 cán bộ Liên Xô đã sang Việt Nam bàn bạc, phối hợp cùng các chuyên gia trong nước hoàn thiện bản “Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” chỉ trong vòng một tuần.

Ngày 2/9/1973, lễ khởi công xây dựng Lăng được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Với lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc, toàn dân, toàn quân đã dốc sức, dồn tâm trí, tập trung cao độ để xây dựng “ngôi nhà vĩnh cửu” của Bác.
Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã tặng Việt Nam 20.000 viên đá hoa cương và cẩm thạch được mài nhẵn. Ngày 1/11/1974, viên đá đầu tiên được ốp lên công trình, tiếp đó là những bức tường đá được hoàn thiện với nhiều quy cách đa dạng, hài hòa với bố cục kiến trúc tổng thể.
Phòng đặt thi hài Bác được ốp đá cẩm thạch Hà Tây. Những viên đá hình chữ nhật được xếp thẳng đứng từ chân tường đến trần gợi liên tưởng đến các thanh gỗ lát nhà sàn – biểu tượng gần gũi của Người. Hai lá cờ – cờ Đảng và cờ Tổ quốc – được ghép bằng 4.000 miếng đá hồng ngọc Thanh Hóa; biểu tượng búa liềm và sao vàng năm cánh được tạo hình từ đá Cẩm Vân vàng sáng. 200 bộ cửa gỗ do các nghệ nhân mộc đến từ Nam Hà, Hà Bắc, Nghệ An chế tác bằng kỹ thuật điêu luyện.
Từ khắp mọi miền đất nước, nhân dân đã đóng góp vật liệu đặc trưng của quê hương mình như xi măng từ Nhà máy Xi măng Hải Phòng; đá dăm từ Thác Bà, Xuân Hòa; cát vàng từ Kim Bôi – Hòa Bình; gỗ từ miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên…
Đến cuối tháng 12/1974, hệ thống kỹ thuật trong Lăng cơ bản được lắp đặt hoàn tất. Đặc biệt, hệ thống máy móc tại đây được thiết kế tinh vi, yêu cầu độ chính xác kỹ thuật rất cao.

Một trong những thiết bị đặc biệt là quan tài thủy tinh trong suốt, kín khí, có hệ thống nâng hạ chính xác và hệ thống đèn chiếu gồm 20 loại đèn nhiều tia, tạo màu bằng khúc xạ lăng kính, đi kèm hệ thống thoát nhiệt tiên tiến – thể hiện trình độ công nghệ và khoa học hiện đại thời bấy giờ.
Sau 700 ngày đêm lao động liên tục, vượt qua muôn vàn khó khăn với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên cùng sự giúp đỡ quý báu từ Chính phủ và nhân dân Liên Xô, công trình thiêng liêng này đã hoàn thành.
Ngày 29/8/1975, sau hơn hai năm xây dựng và chỉ ba tháng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành trọng thể.
Kỳ đài lịch sử của Việt Nam

Nhìn từ bên ngoài, Lăng Bác mang dáng vẻ uy nghi, bề thế với chiều cao 21,6m, bề ngang 31m. Công trình có kết cấu vững chắc, được thiết kế để chống lại bom đạn và động đất cấp 7 theo thang richter. Hệ thống bảo vệ đặc biệt được xây dựng để ngăn nước tràn vào nếu xảy ra sự cố vỡ đê ở Hà Nội. Kính của quan tài chịu được xung lực cơ học mạnh và còn có “buồng đặc biệt” để giữ gìn thi hài Bác trong trường hợp có chiến tranh xảy ra.
Không gian cảnh quan xung quanh Lăng Bác là sự kết tinh của tinh hoa kiến trúc và văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Đây là nơi mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đều mong được một lần đến thăm để bày tỏ lòng thành kính.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị to lớn, mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Xô, là công trình của “lòng dân – ý Đảng”, của khối đại đoàn kết dân tộc. Giá trị của Lăng không nằm ở sự tráng lệ bề ngoài, mà ở ý nghĩa thiêng liêng: nơi lưu giữ và tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của một con người vĩ đại đã đi vào lịch sử dân tộc và nhân loại.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, nơi đây đã đón tiếp và phục vụ hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước; là địa điểm tổ chức hàng nghìn sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, các hoạt động mít tinh, diễu binh, diễu hành trong các dịp lễ lớn; là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn”; nơi lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới toàn thể nhân dân và bạn bè quốc tế.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa đón khách vào buổi sáng các ngày trong tuần, trừ thứ Hai và thứ Sáu. Vào các ngày lễ lớn như 19/5, 2/9 và mùng 1 Tết Nguyên đán, nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu, Lăng vẫn mở cửa bình thường.
Du khách cần tuân thủ các quy định khi viếng Lăng: ăn mặc chỉnh tề, giữ trật tự, không mang theo thiết bị ghi hình vào bên trong khu vực đặt thi hài, và tuân theo hướng dẫn của Ban Tổ chức.