Thế giới

Bên trong ‘sào huyệt’ lừa đảo qua mạng ở biên giới Myanmar-Thái Lan: Cửa sổ tòa nhà gắn song sắt, hàng loạt lao động bị ép buộc, phụ nữ trẻ đẹp là vào nhóm ‘người mẫu’

Bích Ngọc 13/02/2025 13:30

Shwe Kokko bị cáo buộc được hình thành từ nguồn tiền thu về từ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền. Người đàn ông đứng sau dự án - She Zhijiang, hiện đang bị giam giữ tại Bangkok và chờ bị dẫn độ về Trung Quốc.

Giữa cánh đồng ngô ở Myanmar, bên bờ sông Moei, những tòa nhà cao tầng nổi bật bất ngờ được xây dựng, tạo nên một khung cảnh kỳ lạ đến mức khó tin.

Chỉ 8 năm trước, khu vực này thuộc bang Karen vẫn còn hoang sơ, chỉ có vài tòa nhà bê tông đơn giản. Đây từng là một trong những vùng nghèo nhất thế giới. Thế nhưng, ngày nay, ngay tại biên giới Myanmar - Thái Lan, một thành phố nhỏ đã xuất hiện, nó có tên là Shwe Kokko hay Golden Raintree.

Bên trong ‘sào huyệt’ lừa đảo qua mạng ở biên giới Myanmar-Thái Lan: Cửa sổ tòa nhà gắn song sắt, hàng loạt lao động bị ép buộc, phụ nữ trẻ đẹp bị vào nhóm ‘người mẫu’ - ảnh 1
Shwe Kokko hay Golden Raintree. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, hiện tại, Shwe Kokko bị cáo buộc được hình thành từ nguồn tiền thu về từ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền. Người đàn ông đứng sau dự án - She Zhijiang, hiện đang bị giam giữ tại Bangkok và chờ bị dẫn độ về Trung Quốc.

Công ty Yatai của She Zhijiang – đơn vị phát triển Shwe Kokko – từng vẽ ra một viễn cảnh hoàn toàn khác về thành phố này. Theo các video quảng bá, đây là một khu nghỉ dưỡng an toàn, một điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch Trung Quốc và là thiên đường của giới siêu giàu.

Nhưng thực tế, làn sóng lừa đảo từ Shwe Kokko đã và đang ảnh hưởng lớn tới công dân Trung Quốc; đồng thời gây tổn hại đến ngành du lịch Thái Lan.

Quốc gia Đông Nam Á sau đó đã có những biện pháp mạnh tay như cắt nguồn điện tới các khu phức hợp bên kia biên giới, siết chặt quy định ngân hàng và cam kết chặn thị thực của những người lợi dụng Thái Lan làm trạm trung chuyển.

Bên trong Shwe Kokko

Kể từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 2017, Shwe Kokko đã trở thành khu vực hạn chế, nơi mà khách du lịch thông thường không thể tiếp cận.

Nếu đi từ Yangon – trung tâm thương mại của Myanmar – hành trình có thể kéo dài đến ba ngày, do phải vượt qua nhiều trạm kiểm soát, đối mặt với đường sá bị phong tỏa…Ngược lại, nếu đi từ Thái Lan, chỉ mất vài phút để đến nơi, nhưng phải hết sức cẩn thận để tránh bị cảnh sát và quân đội tuần tra phát hiện.

Theo BBC, Shwe Kokko có những con đường mới được trải nhựa, các biệt thự sang trọng và hàng cây xanh. Bề ngoài thành phố này trông giống như một thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc. Các bảng hiệu đều viết bằng chữ Hán, xe tải chở vật liệu xây dựng của Trung Quốc liên tục ra vào các công trường.

Bên trong ‘sào huyệt’ lừa đảo qua mạng ở biên giới Myanmar-Thái Lan: Cửa sổ tòa nhà gắn song sắt, hàng loạt lao động bị ép buộc, phụ nữ trẻ đẹp bị vào nhóm ‘người mẫu’ - ảnh 2
Các bảng hiệu đều viết bằng chữ Hán. Ảnh: BBC

Đại diện của Yatai cho biết giới thượng lưu từ nhiều quốc gia đã đến đây thuê biệt thự và đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết những người mà phóng viên BBC gặp lại là người Karen bản địa – một trong những dân tộc thiểu số của Myanmar. Họ đến Shwe Kokko hàng ngày để làm việc.

Phía Yatai nói thành phố đã loại bỏ hoàn toàn các hoạt động lừa đảo. Những tấm biển lớn bằng tiếng Anh, Trung và Myanmar được dựng lên khắp nơi, tuyên bố rằng lao động cưỡng bức là bất hợp pháp và các doanh nghiệp trực tuyến không còn được phép hoạt động. Tuy nhiên, một số người dân địa phương bí mật tiết lộ rằng các hoạt động lừa đảo vẫn tiếp diễn.

Những chiêu trò lừa đảo ban đầu với quy mô nhỏ nay đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Hoạt động này liên quan đến hàng nghìn lao động đến từ Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Phi và Ấn Độ.

Nhiều người trong số họ bị giam giữ trong những khu nhà có tường bao quanh, buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân trên khắp thế giới. Một số lao động làm việc một cách tự nguyện, nhưng nhiều người khác bị bắt cóc và ép buộc.

Bên trong ‘sào huyệt’ lừa đảo qua mạng ở biên giới Myanmar-Thái Lan: Cửa sổ tòa nhà gắn song sắt, hàng loạt lao động bị ép buộc, phụ nữ trẻ đẹp bị vào nhóm ‘người mẫu’ - ảnh 3
Các tòa nhà trong Shwe Kokko. Ảnh: BBC

Một phụ nữ trẻ từng làm việc trong một trung tâm lừa đảo trực tuyến chia sẻ rằng cô từng thuộc nhóm "người mẫu" – tập hợp những phụ nữ trẻ đẹp, chuyên tiếp cận và xây dựng mối quan hệ gần gũi với nạn nhân qua mạng.

"Mục tiêu chủ yếu là người cao tuổi. Mọi chuyện bắt đầu bằng một câu đơn giản như: 'Ồ, trông bác giống một người bạn của cháu quá!'. Sau đó, khi đã tạo dựng lòng tin, cuộc trò chuyện dần chuyển sang các cơ hội đầu tư siêu lợi nhuận, chẳng hạn như giao dịch tiền điện tử - cách làm giàu nhanh nhất", cô cho biết.

Khi nạn nhân đã có cảm tình, họ sẽ được chuyển tiếp đến một nhóm chuyên thuyết phục đầu tư vào các dự án tiền điện tử giả mạo.

Theo các phóng viên BBC, hiện tại, các hoạt động lừa đảo vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt và dường như vẫn là nguồn thu chính của thành phố này.

Yêu cầu được vào bên trong các tòa nhà văn phòng mới đều bị từ chối với lý do đây là tài sản tư nhân. Họ chỉ được phép quay phim các công trình và mặt ngoài tòa nhà, nhưng theo quan sát, nhiều cửa sổ có gắn song sắt bên trong.

Bên trong ‘sào huyệt’ lừa đảo qua mạng ở biên giới Myanmar-Thái Lan: Cửa sổ tòa nhà gắn song sắt, hàng loạt lao động bị ép buộc, phụ nữ trẻ đẹp bị vào nhóm ‘người mẫu’ - ảnh 4
Nhiều cửa sổ có gắn song sắt bên trong. Ảnh: BBC

"Mọi người ở Shwe Kokko đều hiểu rõ những gì đang diễn ra", người phụ nữ từng làm việc trong trung tâm lừa đảo khẳng định. Cô bác bỏ tuyên bố của Yatai rằng các trung tâm lừa đảo không còn tồn tại ở đây.

"Nói dối. Không đời nào họ không biết. Cả thành phố đang hoạt động như vậy trong những tòa nhà cao tầng đó. Không ai đến đây để nghỉ dưỡng cả. Không thể có chuyện Yatai không biết", người phụ nữ khẳng định.

Dẫu vậy, từ nhà tù ở Bangkok, She Zhijiang tuyên bố: "Tôi có thể cam đoan rằng Yatai không chấp nhận các hoạt động lừa đảo qua viễn thông". Nhưng khó có thể tin rằng Yatai – công ty điều hành toàn bộ thành phố – lại không biết gì về hoạt động lừa đảo này. Ngoài các đường dây lừa đảo, không có ngành kinh doanh nào khác có thể tồn tại ở đây.

Hiện tại, với việc Thái Lan cắt điện và viễn thông, thành phố này đang phải phụ thuộc vào máy phát điện chạy dầu diesel – một nguồn năng lượng đắt đỏ. Theo đó, tương lai của Shwe Kokko ngày càng trở nên bất định.

Tham khảo BBC

>> Chấn động: Lại một cô gái Trung Quốc 21 tuổi mất tích sau khi đến Thái Lan

Trung Quốc – Thái Lan bắt tay dẹp các băng nhóm lừa đảo qua điện thoại

Bắt 12 nghi phạm trong đường dây lừa đảo khiến diễn viên Trung Quốc nổi tiếng mất tích

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ben-trong-sao-huyet-lua-dao-qua-mang-o-bien-gioi-myanmarthai-lan-cua-so-toa-nha-gan-song-sat-hang-loat-lao-dong-bi-ep-buoc-phu-nu-tre-dep-bi-vao-nhom-nguoi-mau-136716.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bên trong ‘sào huyệt’ lừa đảo qua mạng ở biên giới Myanmar-Thái Lan: Cửa sổ tòa nhà gắn song sắt, hàng loạt lao động bị ép buộc, phụ nữ trẻ đẹp là vào nhóm ‘người mẫu’
    POWERED BY ONECMS & INTECH