Xã hội

Bệnh viện điều trị ung thư đầu tiên của Việt Nam đã vận hành cả thế kỷ, hơn 400.000 dân đến khám chữa bệnh mỗi năm

Vĩ Hạ 07/07/2024 08:31

Sự ra đời của bệnh viện đã giúp ngành nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư Việt Nam bước sang một trang mới hoàn toàn.

Bệnh viện K có tiền thân là Viện Curie Đông Dương (Insitut Curie de L’Indochine), ra đời tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 và do Luật sư Pierre-Émile-Marius Mourlan phụ trách. Sau viện được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương, Viện Ung thư...

Bệnh viện K cơ sở 1 số 43 Quán Sứ và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hà Nội. Ảnh: Báo Pháp Luật TP. HCM

Bệnh viện K cơ sở 1 số 43 Quán Sứ và số 9A - 9B Phan Chu Trinh, Hà Nội. Ảnh: Báo Pháp Luật TP. HCM

Đây cơ sở chữa bệnh đầu tiên về ung thư trên toàn Đông Dương và là Viện Curie thứ 2 được thành lập trên thế giới, vinh dự gắn với tên tuổi của nhà vật lý học, nhà hóa học, người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất 2 lần được nhận giải thưởng Nobel ở 2 lĩnh vực khác nhau.

Những năm đầu, viện như một doanh nghiệp xã hội không lợi nhuận. Đến 1957, người Pháp bàn giao viện cho Việt Nam, Bộ Y tế khi đó đã tổ chức thành Khoa Ung thư và sáp nhập vào Bệnh viện Việt Đức, đến 1969 lại tách ra thành Bệnh viện K.

Từ đây, ngành nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư Việt Nam cũng đã bắt đầu bước sang giai đoạn mới, góp phần đắc lực trong việc phục vụ sức khỏe người dân.

Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện K là bác sĩ Phạm Thụy Liên. Lúc đó, cả bệnh viện chỉ có 68 y bác sĩ, nhân viên. Thiết bị chỉ có một máy Cobalt của Liên Xô (cũ), mỗi khi cần điều chỉnh vị trí tia xạ phải quay bằng tay; hai máy chiếu xạ; một vài máy chụp X-quang, kính hiển vi để chụp và chẩn đoán huyết học.

"Mọi thứ đều thô sơ nhưng hoạt động như một bệnh viện", nguyên Giám đốc Bệnh viện K, GS.TS Nguyễn Bá Đức nhớ lại. Hiện tại, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện K là GS. TS Lê Văn Quảng. Ông còn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng, chống ung thư, Trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội.

Hơn 100 năm đặt nền móng cho ngành ung thư Việt Nam, gần 55 năm xây dựng và phát triển Bệnh viện K, hiện đây là bệnh viện hạng I, tuyến Trung ương, chuyên khoa đầu ngành đầu ngành cả nước trong phòng chống và điều trị ung thư.

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Ảnh: Báo Hà Nội Mới

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Ảnh: Báo Hà Nội Mới

Hiện nay, Bệnh viện K có quy mô là 2.400 giường bệnh tại 3 cơ sở khang trang, hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng cao 1.800 cán bộ, trong đó có 14 Giáo sư, Phó Giáo sư; 120 Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; 206 Thạc sĩ… có đầy đủ chuyên gia các chuyên khoa sâu trong các lĩnh vực điều trị ung thư.

Là cơ sở chuyên khoa đầu ngành của cả nước, Bệnh viện K đã khám chữa bệnh cho hơn 400.000 người dân mỗi năm. Bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ thế hệ mới; hệ thống gia tốc đa mức năng lượng và PET- CT kỹ thuật cao; trang bị hệ thống gia tốc xạ phẫu có bộ chuẩn trực 160 lá hệ thống Gamma Knife đều là hệ thống xạ trị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay ứng dụng vào điều trị cho người bệnh.

Phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa bằng robot tại Bệnh viện K. Ảnh: Thái Hà/Báo Nhân Dân

Phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa bằng robot tại Bệnh viện K. Ảnh: Thái Hà/Báo Nhân Dân

Trong phẫu thuật, bệnh viện có hệ thống phẫu thuật Robot Davinci thế hệ Xi hiện đại nhất thế giới; với hoạt động nội khoa thì việc đưa vào hoạt động trung tâm pha chế thuốc tập trung là điểm sáng giúp chuẩn hóa quy trình pha chế, hỗ trợ các khoa nội của bệnh viện trong quá trình điều trị cho người bệnh…

Bệnh viện cũng chủ trì, tham gia, hợp tác nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học có giá trị cao, đóng góp vào hoàn thiện các phương pháp điều trị ung thư trên thế giới; có hàng trăm bài báo trên các tạp chí khoa học Y Dược uy tín trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Bệnh viện K còn góp phần cùng với các đồng nghiệp xây dựng hình thành mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia, phụ trách chỉ đạo tuyến cho 11 bệnh viện chuyên ngành, 72 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu của người dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie Đông Dương - Bệnh viện K (năm 2023). Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie Đông Dương - Bệnh viện K (năm 2023). Ảnh: VGP/Minh Khôi

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, bệnh viện đã tích cực hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, trung tâm hàng đầu thế giới thuộc tất cả các lĩnh vực dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, đào tạo và nghiên cứu ung thư...

Bệnh viện K là cơ sở điều trị ung thư đầu tiên ở châu Á đang hoàn thiện hồ sơ làm thành viên của Tổ chức các bệnh viện, Viện ung thư châu Âu. Bệnh viện đang quản lý hơn 40 thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia; là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam được phép triển khai thử nghiệm lâm sàng Phase 1 trong điều trị bệnh ung thư...

Bệnh viện K hiện có 3 cơ sở hoạt động tại Hà Nội, gồm cơ sở 1 ở quận Hoàn Kiếm và 2 cơ sở còn lại nằm tại huyện Thanh Trì.

>> Trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư chất lượng cao ở Việt Nam thuộc Bộ Công an, được trang bị khu xạ trị hiện đại 200 tỷ

Nghiên cứu: Con người có thể tự tạo 'chất diệt ung thư' nếu làm điều này 30 phút/ngày

Một doanh nghiệp sản xuất thuốc điều trị ung thư sắp chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 25%

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/benh-vien-dieu-tri-ung-thu-dau-tien-cua-viet-nam-da-van-hanh-ca-the-ky-hon-400000-dan-den-kham-chua-benh-moi-nam-d127024.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bệnh viện điều trị ung thư đầu tiên của Việt Nam đã vận hành cả thế kỷ, hơn 400.000 dân đến khám chữa bệnh mỗi năm
POWERED BY ONECMS & INTECH