Bình Dương: Loạn phân lô, bán nền trái phép đất nông nghiệp
Hoạt động phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, không phép trên đất nông nghiệp diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Dù Chủ tịch UBND tỉnh có thông báo chấn chỉnh, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại tại nhiều địa phương.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận số 785/KL-TTCP về nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kết quả thanh tra chỉ ra trong giai đoạn 2011 – 2019, Bình Dương để xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tình trạng phân lô, tách thửa, xây dựng trái phép, không phép trên đất nông nghiệp diễn ra hết sức phức tạp,...
Loạn phân lô, bán nền đất nông nghiệp
Theo Thanh tra Chính phủ, trong thời kỳ thanh tra (từ năm 2011 – 2019), trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hoạt động phân lô tự phát, chuyển nhượng, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp diễn ra rất phức tạp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có Thông báo số 06/TB-UBND ngày 10/1/2014 chỉ đạo đối với những sai phạm, tồn tại về vấn đề phân lô, bán nền không đúng quy hoạch. Nhưng tình hình phân lô bán nền sau thời điểm này vẫn âm thầm diễn ra tại một số địa phương.
Thanh tra Chính phủ đã ghi nhận chung về tình hình hình thành các khu phân lô tự phát tại 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện tại Bình Dương, kết quả tại TP.Dĩ An có 362 khu phân lô với tổng diện tích hơn 114 ha, trong đó có 4 khu hình thành sau ngày 10/1/2014; TX.Bến Cát có 59 khu phân lô tổng diện tích hơn 50 ha, trong đó 2 khu hình thành sau ngày 10/1/2014; TX.Tân Uyên có 99 khu phân lô, tổng diện tích hơn 58 ha, trong đó 15 khi hình thành sau ngày 10/1/2014; TP.Thủ Dầu Một có 2 khu phân lô tổng diện tích khoảng 2 ha; TP.Thuận An có 187 khu phân lô tổng diện tích hơn 65 ha, trong đó có 51 khu được phê duyệt phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, 136 khu phân lô tự phát không phép.
Theo Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng của UBND các cấp tỉnh Bình Dương lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép, xây dựng không phép, sử dụng đất trái quy định, vi phạm Luật Đất đai 2013. Quy mô, tính chất, phạm vi của vi phạm là hết sức phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, kể cả sau thời điểm UBND tỉnh Bình Dương có thông báo chấn chỉnh nhưng tình trạng phân lô, tách thửa vẫn tiếp diễn.
Đoàn Thanh tra đề nghị UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp chấm dứt ngay việc phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng không phép, trái phép, sử dụng đất trái quy định. Tổ chức thanh tra chuyên đề để phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý theo quy định, nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra xử lý.
Trước kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép trên toàn tỉnh và xử lý triệt để vi phạm với các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Nhiều thửa đất nông nghiệp được làm đường tạm rồi đem phân lô, bán nền trái phép. |
Nhiều sai phạm về đất đai tại các dự án bất động sản
Trong thời kỳ thanh tra, UBND tỉnh Bình Dương đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 1.916 dự án với tổng diện tích 22.160 ha. Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương giao đất, cho thuê đất để thực hiện một số dự án đầu tư chưa phù hợp một phần hoặc toàn bộ Kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm quy định của Luật Đất đai.
Điển hình như dự án Khu nhà ở đường sắt (diện tích 4,8 ha) tại TP.Dĩ An được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cây lâu năm (CLN), hàng năm khác (HNK) sang loại đất ở đô thị (ODT) là không phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TX.Dĩ An (cũ) đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, toàn bộ khu đất thực hiện dự án vốn được quy hoạch là đất cơ sở sản xuất kinh doanh (SKC). Tương tự, dự án Chung cư Khu nhà ở An Bình (diện tích 2,98 ha) tại phường An Bình (TP.Dĩ An) cũng là đất CLN, HNK, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là đất SKC nhưng đã được chuyển toàn bộ sang đất ở đô thị.
UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp (không có quyền sử dụng đất ở) đối với một số dự án đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại là chưa thực hiện đúng quy định tại Luật Nhà ở 2014. Điển hình như dự án Khu nhà ở Tân Long 2 do Công ty TNHH Phát triển Địa ốc Phú Thọ làm chủ đầu tư, dự án Khu nhà ở Nam Long 3 do Công ty Cổ phần Bất động sản Nam Long Bình Dương làm chủ đầu tư.
Một số dự án đầu tư sau khi được chấp thuận chủ trương đã không triển khai dự án nhưng không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, gây lãng phí tài nguyên đất và gây khó khăn cho người dân trong khu vực dự án, gây phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Điển hình như dự án Khu nhà ở thương mại An Trung tại phường Tân Bình (TP.Dĩ An) do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Trung làm chủ đầu tư, dự án Khu dân cư Phước Hòa (huyện Phú Giáo) do Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa làm chủ đầu tư,...
Tính đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 40 dự án đầu tư có tiến độ sử dụng đất chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định pháp luật. UBND tỉnh Bình Dương đã kiểm tra và xử lý các dự án này, cho phép gia hạn 31 dự án tổng diện tích gần 617 ha, thu hồi 6 dự án tổng diện tích 9,4 ha, chuyển Cơ quan Điều tra xử lý 2 dự án tổng diện tích gần 16,8 ha và cho phép tiếp tục lập thủ tục đất đai 1 dự án 7 ha.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ ra 6 dự án thu hồi đến nay chưa thực hiện xong, 12 dự án được gia hạn tiếp tục hết hạn nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, 3 dự án được gia hạn 24 tháng nhưng chưa xác định và thông báo tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung trong thời gian được gia hạn thời gian sử dụng đất.
Dự án Khu nhà ở đường sắt tại TP.Dĩ An chuyển mục đích sử dụng đất trái quy hoạch. |
Quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện tại một số dự án có nhiều thiếu sót, vi phạm trong việc xây dựng phương án giá đất cụ thể. Các dự án này gồm Khu nhà ở Nam Long 2, Nam Long 3, Khu nhà ở thương mại dịch vụ Sabinco Tương Bình Hiệp, Khu nhà ở Bình Thuận 2, Khu nhà ở Đức Phát 3. Các vi phạm thiếu sót trong việc xác định giá đất cụ thể dẫn đến kết quả tính toán giá đất cụ thể chưa chính xác, có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Một số dự án được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, đã hết chu kỳ ổn định 5 năm nhưng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Cục thuế chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất, vi phạm Nghị định 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Điển hình như dự án trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Đường Bình Dương, dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn – KL.
Nhiều sai phạm về kinh doanh, xây dựng tại các dự án bất động sản
Kết luận Thanh tra cũng chỉ ra nhiều dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa đủ điều kiện mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai, chưa hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng, thu tiền đặt cọc giữ chỗ khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng, vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Cụ thể gồm các dự án Khu nhà ở thu nhập thấp Tân Bình của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong, Khu nhà ở công nhân Tân Bình của Công ty CP Trung Thành, Khu nhà ở thương mại An Trung của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Trung, dự án KDC Phước Hòa của Công ty CP Cao su Phước Hòa, Khu nhà ở Tân Long 2, Nam Long 3,...
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép xây dựng tạm vào năm 2013 cho Công ty Hy Địa thực hiện dự án Khu dân cư Nam Thịnh (TP.Dĩ An) là chưa đúng quy định. Nhiều dự án cũng xảy ra tình trạng xây dựng trái phép khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, được cơ quan chức năng cấp phép. Điển hình như dự án Khu nhà ở Thuận Phát Land của Công ty TNHH MTV Địa ốc Nam Thuận Phát, Khu nhà ở Trung Quân của Công ty TNHH MTV BĐS Trung Quân, Khu nhà ở Tài Lộc của Công ty CP Cao su Tài Lộc.
Sở Xây dựng TPHCM được duyệt hồ sơ chuyển nhượng dự án bất động sản
Tập đoàn FLC đã chấm dứt hoạt động đầu tư 14 dự án BĐS, nợ hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuê đất