Bờ biển sạt lở dữ dội, lãnh đạo Thừa Thiên Huế chỉ đạo khẩn
Ngọc Văn - Thế Nghĩa•22/10/2024 - 17:00
Mưa to, gió lớn kèm triều cường những ngày qua đã làm tuyến bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế (TT-Huế) đoạn giáp ranh giữa huyện Phú Vang và TP. Huế sạt lở nghiêm trọng. Lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra hiện trường, chỉ đạo xử lý khẩn cấp sạt lở.
Tuyến bờ biển giáp ranh giữa xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP. Huế) từ nhiều năm nay là một trong những khu vực xung yếu của tỉnh TT-Huế thường xuyên xảy ra sạt lở gây mất đất, trôi nhà, ảnh hưởng hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất bãi tắm, điểm du lịch.
Trên tuyến đã có nhiều đoạn bờ biển được đầu tư xây kè chắn sóng kiên cố, tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ biển vẫn tiếp diễn tại khu vực chưa có kè chắn sóng vào mỗi mùa bão lũ, đặc biệt là thời điểm mưa to, triều cường, sóng lớn.
Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết, năm nay, tình trạng sạt lở trên địa bàn xã diễn biến bất thường và phức tạp, tập trung chủ yếu ở khu vực bãi tắm Phú Thuận. Khu vực này trước đây là cửa biển Hòa Duân từng được mở mới trong trận lũ lụt lịch sử tháng 11/1999.
Trong 23 năm qua, khu vực cửa biển Hòa Duân cũ (nay là đập Hòa Duân đã được hàn khẩu bồi đắp) chưa bao giờ bị sạt lở lớn, kể cả vào mùa mưa bão, hay khi có gió mùa đông bắc.
Theo ông Nguyễn Quang Dân, mùa hè năm nay (từ tháng 6 đến 9/2024), nước biển đã xâm thực ăn sâu vào đất liền của xã khoảng 70 m, với chiều dài khoảng 300 m (chưa kể tình trạng sạt lở ở địa phận phường Thuận An).
Riêng trong hai ngày 21 và 22/10, đoạn bờ biển từ vị trí cách mép chân kè bờ thôn Tân An 150 m hướng lên khu vực giáp ranh phường Thuận An, với chiều dài khoảng 150 m, xảy ra sạt lở mức độ nghiêm trọng. Có nơi trên tuyến, sóng biển xâm thực đã phá hỏng vỉa hè đường đi bộ của khu bãi tắm Phú Thuận, cuốn bật gốc nhiều cây dương liễu phòng hộ bờ biển, gây nguy cơ rất cao ảnh hưởng đến các nhà hàng, điểm dịch vụ du lịch tại khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Nhưng - Trưởng thôn Tân An, xã Phú Thuận, cho hay, biển xâm thực nghiêm trọng vào đất liền của thôn khiến nhiều hộ dân luôn sống trong cảnh bất an. Nếu sạt lở tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, kinh tế, hoạt động kinh doanh du lịch của bà con.
Trước tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại xã Phú Thuận và phường Thuận An, trong ngày 22/10, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đã kiểm tra hiện trường và chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chính quyền địa phương có phương án xử lý khẩn cấp.
“Đây là điểm xung yếu vào mùa mưa bão. Khu vực này lại đang diễn ra xâm thực quá nặng. Trước mắt, đề nghị chính quyền địa phương huy động các lực lượng và phương tiện tập trung gia cố, ngăn chặn sóng biển xâm thực sâu vào bên trong đất liền để bảo vệ các công trình hạ tầng, cũng như đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Hoàng Hải Minh lưu ý.
Xã Phú Thuận có chiều dài bờ biển 4,4km, với 2.300 hộ dân và gần 9.860 nhân khẩu sinh sống tại 6 thôn. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Phú Thuận đã được đầu tư xây dựng hơn 2,47km kè biển ven bờ và 0,55 km kè ngầm, với tổng kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Hiện, toàn xã còn 1,9 km bờ biển chưa được đầu tư xây kè chắn sóng nên vẫn tái diễn nạn sạt lở vào mùa mưa bão.
Tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to từ tối 20 đến chiều 21/10 khiến một số nơi bị ngập lụt cục bộ. Nhiều địa phương thuộc tỉnh này sẵn sàng phương án di dời dân ra khỏi vùng sạt lở.
Huyện miền núi Nam Đông là một trong những địa phương tại tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) thường xuyên được cảnh báo về nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét tại nhiều khu vực thôn xóm, khe suối, đường sá mỗi khi mùa mưa bão đến.
Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố 4 cán bộ về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ sạt lở bờ taluy nghiêm trọng khiến 2 người chết trên địa bàn.